Công nghiệp hỗ trợ: cơ hội hội nhập dành cho số ít

(ĐTCK) Tại Hội thảo “Kết nối chuỗi cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ (CNHT), thay thế hàng nhập khẩu và tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm” do Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài tổ chức ngày 29/10, các ý kiến tập trung thảo luận về cơ hội và thách thức của ngành CNHT Việt Nam trong quá trình hội nhập.
Tham gia chuỗi sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia phải đáp ứng: chất lượng ổn định, giao hàng đúng hẹn, giá cả hợp lý
Tham gia chuỗi sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia phải đáp ứng: chất lượng ổn định, giao hàng đúng hẹn, giá cả hợp lý

GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài đánh giá, nhu cầu phát triển CNHT rất lớn và đang gia tăng với dự báo làn sóng FDI mới có chất lượng cao hơn từ các nước thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD).

Các tập đoàn kinh tế lớn như Samsung, LG, Intel, Canon, Microsoft, Nokia rất cần DN Việt Nam tham gia chuỗi giá trị sản phẩm toàn cầu trong hệ thống nhà cung cấp cấp I, cấp II và cấp III, với điều kiện đáp ứng các tiêu chí của từng tập đoàn.

“Kinh nghiệm của thế giới cũng như ở nước ta đã chỉ ra rằng, việc phát triển mạng lưới CNHT của DN bản địa có lợi hơn nhiều cho từng tập đoàn, vì giúp tiết kiệm chi phí vận chuyển và thời gian, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất do chủ động trong giao tiếp để hình thành, thay đổi hợp đồng cung ứng sản phẩm, bảo đảm nguyên tắc xuất xứ sản phẩm, một trong những nguyên tắc được quy định trong nhiều hiệp định quốc tế, nhất là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)”, GS.TSKH Nguyễn Mại cho biết.

Cơ hội phát triển của CNHT Việt Nam trong thời gian tới trở nên rộng mở, đặc biệt khi các hiệp định thương mại tự do đã và sẽ ký kết có hiệu lực thi hành.

Tuy nhiên, ngành CNHT Việt Nam đang có nhiều điểm hạn chế như công nghệ lạc hậu, khả năng cạnh tranh thấp, nguyên vật liệu phụ thuộc phần lớn vào nhà cung cấp nước ngoài…

“Các DN nội địa mới cung ứng được khoảng 10% nhu cầu nội địa về sản phẩm CNHT. Các sản phẩm chủ yếu là linh kiện và vật liệu đơn giản, có giá trị thấp trong cơ cấu giá trị sản phẩm”, đại diện Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công thương nhấn mạnh.

Các DN Việt Nam hầu như chưa tiếp cận và đáp ứng được yêu cầu của các khách hàng đối với các sản phẩm CNHT có hàm lượng công nghệ khá. Khoảng cách giữa yêu cầu của các tập đoàn đa quốc gia và khả năng sản xuất của các DN nội địa vẫn còn lớn.

Đại diện Vụ Công nghiệp nặng cho rằng, các DN muốn phát triển và tham gia vào chuỗi sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia phải đáp ứng 3 yếu tố, đó là chất lượng ổn định, giao hàng đúng hẹn và giá cả hợp lý. Tuy nhiên, hiện nay chỉ có một số ít DN trong nước đáp ứng được cả 3 yếu tố này.

“Các cơ quan quản lý nhà nước cần hỗ trợ mạnh mẽ hơn để tạo mối liên kết giữa DN sản xuất lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh với các nhà sản xuất sản phẩm CNHT, giữa các nhà sản xuất CNHT với nhau và giữa các DN FDI và DN nội địa”, đại diện Vụ Công nghiệp nặng nói.

Theo vị đại diện này, Bộ Công thương đã xây dựng dự thảo Nghị định về phát triển CNHT, đang trình Chính phủ xem xét ban hành. Dự thảo Nghị định có các nội dung như: các ưu đãi về hạ tầng, chính sách hỗ trợ về tín dụng, thuế VAT, áp dụng ngay các chính sách ưu đãi mới ban hành về các loại thuế đối với CNHT, đơn giản hóa thủ tục xét duyệt ưu đãi theo hướng phân cấp mạnh cho các địa phương.

Bên cạnh đó, Nhà nước thực hiện chính sách ươm tạo và bồi dưỡng DN đủ trình độ sản xuất, trong đó hỗ trợ về mặt công nghệ sản xuất, quản trị sản xuất, đào tạo nguồn nhân lực theo Chương trình phát triển CNHT.

Ông Lưu Hoàng Long, Chủ tịch Hiệp hội DN điện tử Việt Nam kiến nghị, Chính phủ và Bộ Công thương cần xác định danh mục các nhóm sản phẩm CNHT có lợi thế cạnh tranh để phát triển, từ đó đề ra các chính sách hỗ trợ cho các DN sản xuất sản phẩm thuộc nhóm này. Đồng thời, Bộ Khoa học và Công nghệ thúc đẩy các chương trình khoa học công nghệ quốc gia hoặc các quỹ nhằm hỗ trợ các DN hoạt động trong lĩnh vực CNHT.

Bên cạnh đó, ngoài các chính sách ưu đãi cho các DN đầu tư dự án sản xuất CNHT, Chính phủ nên có cơ chế để Ngân hàng Phát triển Việt Nam ưu tiên cho các DN này vay vốn đầu tư sản xuất, hoặc thành lập quỹ chuyên hỗ trợ đầu tư CNHT.

Nói về ngành CNHT đặt trong bối cảnh của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam hiện nay, đại diện Tập đoàn Toyota khẳng định, sự yếu kém của CNHT là nguyên nhân dẫn tới việc tỷ lệ nội địa hóa thấp và khó khăn cho các DN sản xuất ô tô. Các thách thức đặt ra cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam là thị trường nhỏ và biến động, phân công lao động và hợp tác giữa các DN còn yếu.

Trong khi đó, áp lực cạnh tranh từ hội nhập khu vực và quốc tế là rất lớn, hầu hết các nhà sản xuất ô tô toàn cầu đã có mặt tại ASEAN. Tuy nhiên, GDP trên đầu người của Việt Nam ngày càng tăng, kéo theo nhu cầu về ô tô gia tăng, đó chính là cơ hội để tăng đầu tư cho ngành công nghiệp phụ trợ, từ đó tăng tỷ lệ nội địa hóa và giảm giá thành xe sản xuất ở trong nước.

Anh Quốc

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục