Ngày 13/4/2024, Iran đã sử dụng hàng trăm máy bay không người lái và tên lửa tập kích một căn cứ không quân của Israel, nhằm đáp trả cuộc không kích của Israel vào tòa lãnh sự Iran ở Syria hôm 1/4.
Mỹ phản đối bất kỳ cuộc tấn công trả đũa nào của Israel, nhằm ngăn chặn sự leo thang trong cuộc chiến tranh khu vực. Tuy nhiên, Nội các Chiến tranh của Israel thể hiện sự nhất trí về việc trả đũa trong cuộc họp ngày 14/4, dù có sự bất đồng về cách thức và thời điểm ứng phó. Bên cạnh đó, Nội các Chiến tranh của Israel đã được Nội các An ninh nước này trao quyền quyết định các hành động phản ứng đối với cuộc tấn công của Iran.
Ngày 19/4, một số vụ nổ lớn xảy ra ở thành phố Isfahan của Iran, do phản ứng của Israel. Một số quan chức Israel cho biết, quy mô cuộc trả đũa được thu hẹp so với kế hoạch ban đầu, do áp lực từ phía Mỹ và các đồng minh khác.
Mối quan hệ đối địch giữa Iran và Israel có dấu hiệu dịu đi, nhưng mối lo ngại về một cuộc xung đột rộng lớn hơn trên toàn khu vực Trung Đông vẫn hiện hữu, gây ra rủi ro tiềm ẩn cho thị trường hàng hóa toàn cầu.
Ngày 23/4, Tổng thống Iran đưa ra lời cảnh báo: “Nếu Israel một lần nữa phạm sai lầm và tấn công vùng đất thiêng của Iran, tình hình sẽ khác và họ không chắc còn lại gì”.
Giá dầu thế giới gần đây dao động gần ngưỡng 90 USD/thùng và có phần bù rủi ro 5 - 10 USD/thùng (phí bảo hiểm rủi ro chiến tranh) do nguy cơ gián đoạn nguồn cung, nhưng được nhận định có thể tăng đột biến trước bất kỳ diễn biến địa chính trị leo thang nào ở Trung Đông.
Với vàng, giá đang dao động quanh mức 2.300 USD/ounce, hạ nhiệt so với mức cao kỷ lục 2.430 USD/ounce thiết lập ngày 12/4/2024, nhưng vẫn cao hơn khoảng 12% so với cuối năm 2023. Giá bạc có diễn biến tương tự vàng, nhưng mức tăng so với cuối năm 2023 cao hơn, khoảng 15%. Giá bạc được hỗ trợ nhờ phát huy vai trò trú ẩn khi xung đột tại Trung Đông leo thang và rủi ro nguồn cung thiếu hụt. Viện Bạc Quốc tế cho biết, thâm hụt bạc toàn cầu năm 2024 dự kiến sẽ tăng 17%, lên mức 215,3 triệu ounce.
Giá vàng gần đây điều chỉnh chủ yếu do động thái chốt lời và khả năng lãi suất cao được các ngân hàng trung ương lớn như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) duy trì lâu hơn, do lạm phát có dấu hiệu quay lại và rủi ro địa chính trị ở Trung Đông.
Tuy nhiên, vàng có thể sẽ duy trì ở vùng giá cao và lập kỷ lục mới, lên 2.700 USD/ounce vào cuối năm 2024 như dự báo của Goldman Sachs, hay mức 3.000 USD/ounce trong vòng 6 - 12 tháng tới như dự báo của Citigroup.
Theo ông Ilya Spivak, Trưởng bộ phận phân tích vĩ mô tại Tastylive, ngay cả sau này khi rủi ro địa chính trị giảm đi, yếu tố Trung Quốc mua mạnh vàng sẽ vẫn mang đến lực đỡ quan trọng cho giá vàng (các nhà đầu tư Trung Quốc muốn đa dạng tài sản dự trữ trước cuộc khủng hoảng bất động sản và thị trường chứng khoán nên đang tăng cường mua vàng).
Đối với kim loại công nghiệp, Bộ Tài chính Mỹ và Chính phủ Anh đã công bố các lệnh trừng phạt mới với nhôm, đồng và niken của Nga (nhà sản xuất kim loại lớn, chiếm 6% nguồn cung niken, 5% nguồn cung nhôm và 4% nguồn cung đồng toàn cầu). Các sản phẩm này không được phép giao dịch trên Sàn giao dịch hàng hóa Chicago và Sàn giao dịch kim loại London kể từ ngày 13/4/2024, nhằm làm giảm thu nhập của Nga, trong khi bảo vệ đối tác và đồng minh khỏi các tác động không mong muốn.
Goldman Sachs chỉ ra rằng, các biện pháp trừng phạt mới không ngay lập tức phá vỡ động lực cung - cầu, vì các nhà sản xuất kim loại công nghiệp của Nga có thể tiếp tục bán cho các sàn giao dịch không phải của Mỹ và Anh. Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ có khả năng hấp thụ bất kỳ kim loại nào của Nga.
Nhìn chung, tác động tức thời từ xung đột Iran - Israel đối với thị trường hàng hóa đã giảm bớt, nhưng những căng thẳng địa chính trị đang diễn ra và các phản ứng chính sách có thể tiếp tục ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư và thúc đẩy sự biến động của thị trường trong thời gian tới.