Công nghiệp hỗ trợ thiếu - yếu, vì đâu?

(ĐTCK) Với các chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ còn chung chung, khó có thể phát triển hiệu quả ngành công nghiệp vô cùng quan trọng này. Đó là nhận định của các chuyên gia tại Hội thảo “Liên kết DN trong việc đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ ở 6 ngành công nghiệp trong chiến lược công nghiệp hóa Việt Nam - Nhật Bản” do Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) vừa tổ chức tại Hà Nội.
Chính sách hỗ trợ của Nhà nước phải thiết thực, 
đảm bảo công bằng giữa DN trong nước với DN FDI Chính sách hỗ trợ của Nhà nước phải thiết thực, đảm bảo công bằng giữa DN trong nước với DN FDI

Theo TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, định hướng phát triển công nghiệp hỗ trợ hiện nay còn chung chung, chính sách khuyến khích đơn điệu, trong khi chính sách cung cấp thông tin mang tính hình thức và không có tính đặc thù. Bên cạnh đó, nguồn kinh phí thực hiện còn rất hạn chế, cả về quy mô và khả năng tiếp cận. 

“Với thực trạng này, khó có thể phát triển hiệu quả ngành công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là 6 ngành ưu tiên, bao gồm điện tử, ôtô, máy nông nghiệp, chế biến nông thủy sản, đóng tàu, môi trường và tiết kiệm năng lượng, đồng thời khó có thể tạo ra liên kết giữa các DN Việt Nam và Nhật Bản như mục tiêu của Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Hệ thống chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ cho 6 ngành ưu tiên cần được điều chỉnh, thiết kế lại”, ông Ánh nhấn mạnh.

Đánh giá về thực trạng phát triển công nghiệp hỗ trợ cho ngành công nghiệp điện tử Việt Nam, bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội DN điện tử Việt Nam (VEIA) cho biết, gần đây, các DN điện tử Việt Nam rất nỗ lực đổi mới công nghệ, hoàn thiện chu trình quản lý sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế để đảm bảo đủ năng lực cung cấp cho các nhà sản xuất đầu cuối tại Việt Nam. Tuy nhiên, số lượng DN đã và đang cung cấp sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho DN FDI tại Việt Nam còn rất khiêm tốn do khả năng tiếp cận, chứng minh năng lực của DN Việt Nam đối với các DN FDI còn hạn chế; đặc biệt là về công nghệ, vốn và khả năng đảm bảo đúng quy chế kiểm toán...

Bên cạnh đó, DN FDI khi vào Việt Nam thường kéo theo một chuỗi những DN cung ứng sản phẩm mà họ có sẵn. Ví dụ, Samsung khi đầu tư vào Việt Nam đã kéo theo khoảng 60 DN làm phụ trợ, trong đó có tới 55 DN là của Hàn Quốc “đổ bộ” vào các khu công nghiệp ở Bắc Ninh, Hưng Yên... để tiện cung ứng cho Samsung, nhưng phần khác là để tận dụng những ưu đãi của Chính phủ về đất, miễn thuế thu nhập DN trong 5 năm đầu, miễn giảm trong 5 năm tiếp theo và rất nhiều lợi thế khác như nhân công rẻ, đất đai chi phí thấp... Vì vậy, cơ hội chen chân của DN Việt Nam bị hạn chế nhiều.

Chưa kể, vẫn có tình trạng các DN trong nước vẫn chưa được đối xử công bằng như DN nước ngoài, ví dụ điển hình là khi Samsung nhập dây chuyền về Việt Nam thì ngay lập tức được công nhận là công nghệ cao, không phải chịu thẩm định; còn DN Việt phải trải qua nhiều khâu thẩm định của các bộ, ngành.

Theo bà Hương, trăn trở lớn nhất của DN điện tử Việt Nam hiện nay là làm sao có thể tiếp cận những chính sách hỗ trợ của Nhà nước một cách thuận lợi nhất và những chính sách đó phải thiết thực, đảm bảo công bằng giữa DN trong nước với DN FDI về cơ hội tiếp cận, về tiếp nhận các ưu đãi như thuế, đất... Có như vậy, các DN điện tử Việt Nam mới thực sự có thể phát triển và lớn mạnh được.

Ở lĩnh vực nông lâm thủy sản, TS. Nguyễn Mạnh Dũng, đại diện Cục Chế biến nông lâm thuỷ sản và nghề muối, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, các DN chế biến nông sản, thuỷ sản của Việt Nam đa phần có quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu. Hầu hết các DN đều sản xuất cái mình có, mà chưa chủ động chế biến những sản phẩm theo nhu cầu của thị trường. Liên kết dọc theo chuỗi giá trị cũng như liên kết ngang giữa các DN chế biến với nhau và với các DN sản xuất sản phẩm phụ trợ chưa hình thành hoặc nếu đã có thì vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm, thiếu chặt chẽ. Do vậy, để phát triển công nghiệp hỗ trợ cho chế biến nông sản, thuỷ sản một cách tương xứng, cần tạo được thị trường tiêu thụ sản phẩm bền vững.

“Nhà nước cần có chính sách ưu đãi đầu tư cho một số sản phẩm phục vụ cho ngành công nghiệp chế biến. Hạn chế tối đa phải lệ thuộc vào sản phẩm của các nước là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam. Đây là điều hết sức cần thiết vì vừa giúp DN giảm chi phí, vừa tạo điều kiện để ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển”, ông Dũng nói.

Đề xuất giải pháp thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, nhiều ý kiến cho rằng, Chính phủ cần sớm hoàn thiện và ban hành các nghị định về phát triển công nghiệp hỗ trợ, tạo hành lang pháp lý về hệ thống cơ chế, chính sách, biện pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp môi trường và công nghiệp hỗ trợ.

Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam cũng kiến nghị, Nhà nước cần miễn thuế cho các vật tư, thiết bị nhập khẩu để sản xuất các sản phẩm cơ khí trọng điểm; đồng thời, miễn giảm thuế thu nhập DN, miễn giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất cho các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho phát triển công nghệ cao.

Hiếu Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục