Công nghệ tài chính ngân hàng Việt Nam không thua kém thế giới

(ĐTCK) Đó là nhận xét của TS. Đặng Minh Tuấn, Trưởng Lab Blockchain, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng công nghệ CMC. 
Công nghệ tài chính ngân hàng Việt Nam không thua kém thế giới

Được biết đến với vai “người hùng công nghệ” với sản phẩm Vietkey nổi tiếng, ông thấy nền công nghệ tại Việt Nam nói chung, công nghệ trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng nói riêng đã thay đổi thế nào từ khi sản phẩm này ra đời tới nay?

Trước hết cũng phải nói ngay, tôi nghĩ mình thật sự chưa xứng với vai “người hùng công nghệ”, vì những công việc và những sản phẩm tôi làm ra bình thường như những sản phẩm từ công sức lao động của bao người khác.

Có chăng sản phẩm của tôi được nhiều người biết đến là do đặc thù của bộ gõ tiếng Việt ai cũng cần đến mà thôi.

Khi bắt đầu làm bộ gõ Vietkey vào năm 1991, tôi mới 25 tuổi, đến nay đã gần 30 năm trôi qua, mọi thứ đã thay đổi quá nhiều đến mức không thể tưởng tượng nổi vào thời gian đó.

Thời điểm đó, ở Việt Nam chưa có hệ điều hành Windows, chưa có máy Mac, chưa có Internet, chưa có USB.

Ổ cứng máy tính của tôi chỉ có 40 MB, bộ nhớ 1 MB, còn bây giờ dung lượng ổ cứng đã tăng 25.000 lần và bộ nhớ tăng lên 32.000 lần. Internet thì khỏi phải nói.

Từ khi Việt Nam bắt đầu sử dụng vào năm 1997, Internet đã làm thay đổi mọi mặt đời sống kinh tế, văn hóa, khoa học, xã hội, bởi vì chúng ta đã được tiếp cận một cách dễ dàng, mọi nơi mọi lúc với một một lượng thông tin khổng lồ, một lượng tri thức khổng lồ của nhân loại.

Bên cạnh đó, Internet cũng là hạ tầng kết nối giúp chúng ta có thể sử dụng được các ứng dụng của thế giới một cách bình đẳng, và vì thế chúng ta trong lĩnh vực công nghệ thông tin đã được nâng tầm, ở góc độ ứng dụng và một phần phát triển cũng hòa nhập được với thế giới.

Công nghệ thông tin có thể coi là công cụ không thể thiếu của rất nhiều ngành, nhiều lĩnh vực trong nền kinh tế.

Con người và xã hội ngày càng có nhiều tiện ích từ công nghệ thông tin, từ Internet, nhưng mặt khác lại phụ thuộc nhiều hơn vào chúng và cũng dễ bị tổn thương hơn vì những rủi ro từ công nghệ thông tin mang đến, từ những lộ, lọt thông tin, tấn công mạng có thể xảy ra ở mọi nơi và tại bất kỳ thời điểm nào.

Bên cạnh việc giúp tăng năng suất và là công cụ hỗ trợ các ngành kinh tế truyền thống phát triển, thì công nghệ thông tin thúc đẩy sự ra đời của nhiều ngành kinh tế mới, mô hình kinh doanh mới.

Có thể kể đến một vài ví dụ, như mô hình kinh tế chia sẻ với Grab, Uber, Airbnb; kinh tế nền tảng Platfrorm với Facebook, Google…

Ngân hàng số, ngân hàng không có phòng giao dịch, chính phủ điện tử, thương mại điện tử cũng nở rộ, kèm theo đó là các loại ví điện tử (45 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ ví điện tử), thanh toán trực tuyến cũng dễ dàng hơn bao giờ hết.

Ông thấy mức độ áp dụng công nghệ trong ngành tài chính và ngân hàng tại Việt Nam so với các nước khác như thế nào?

Đầu năm nay, tôi có dịp đi tham quan một số nước ở châu Âu như Đức, Estonia, Hà Lan, Phần Lan. Tuy thời gian lưu trú không dài nhưng tôi đã có những trải nghiệm trong thế giới công nghệ ở các nước EU.

Trước đó, năm 2019, tôi cũng có dịp đi vòng quanh nước Mỹ và đi công tác tại Úc. Theo quan sát của tôi thì mức độ áp dụng công nghệ trong ngành tài chính và ngân hàng tại Việt Nam không thua kém nhiều so với các nước.

Việt Nam cũng có đầy đủ các dịch vụ tài chính và ngân hàng hoạt động online 24/7. Chúng ta có 4 - 5 ví điện tử rất phổ biến. Nếu có thua kém thì ở chỗ chúng ta chưa có hệ sinh thái cung cấp các dịch vụ một cửa, một app cho nhiều loại dịch vụ (hiện nay có Zalopay là có hệ sinh thái khá phong phú).

Tiếp nữa, các dịch vụ tài chính liên quan đến dịch vụ công của chúng ta hiện còn rất hạn chế (chủ yếu mới chỉ phát triển trong khối doanh nghiệp và thương mại điện tử).

Gần đây, ông nói nhiều về nền tảng công nghệ chuỗi khối (Blockchain), nhưng dường như ở Việt Nam, mọi người mới chỉ quan tâm nhiều tới một sản phẩm của công nghệ này là Bitcoin?

Điều này thực ra chưa hoàn toàn đúng. Chỉ có cá nhân người dùng mới quan tâm nhiều đến Bitcoin hay các loại tiền kỹ thuật số khác để làm phương tiện đầu tư hay đào coin để tìm kiếm lợi nhuận.

Còn giới công nghệ và các cơ quan quản lý nhà nước đều quan tâm ở mức cao hơn, tới khía cạnh công nghệ, tới các nền tảng Blockchain mới, tới khả năng ứng dụng của nó trong thực tế cũng như những vấn đề pháp lý liên quan đặt ra.

Hiện nhiều doanh nghiệp và viện nghiên cứu, trường đại học đã có những nghiên cứu bài bản về nền tảng của công nghệ Blockchain.

Có thể kể đến Tập đoàn Công nghệ CMC có riêng một phòng nghiên cứu về Blockchain nằm trong Viện Nghiên cứu ứng dụng của CMC. Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông và các tập đoàn lớn khác như Viettel, FPT cũng đều có bộ phận nghiên cứu về lĩnh vực này.

Là một chuyên gia về Blockchain, ông có khuyến nghị gì với người dân và doanh nghiệp tại Việt Nam liên quan đến lĩnh vực này?

Chúng ta đang đứng trước một nền tảng công nghệ tiềm năng và các ứng dụng của nó vẫn còn đang ở dạng sơ khai. Blockchain như một mảnh đất mầu mỡ vẫn còn hoang vu, do vậy, cơ hội khai thác chia đều cho tất cả các nước. Không chỉ những nước có bề dầy công nghệ mới có ưu thế trong lĩnh vực này.

Sở dĩ nói Blockchain là công nghệ rất tiềm năng của tương lai là bởi vì, Blockchain được xây dựng trên nền tảng toán học và mật mã học cao cấp, một hệ thống được xây dựng nhờ những độ khó rất cao của những thuật toán mật mã nên có khả năng đứng vững trước các tấn công của hacker hay trước những hành vi tiêu cực.

Bởi muốn tấn công, kẻ gian buộc phải giải bài toán có độ khó mà một mạng lưới tất cả máy tính trên thế giới phải giải mất hàng nghìn năm.

Chính vì thế, Blockchain bảo đảm được độ tin cậy của dữ liệu, không ai có thể thay đổi, sửa chữa dữ liệu một cách tiêu cực, kể cả người tạo ra dữ liệu hay admin.

Trong thời gian tới, khi tất cả các hệ thống công nghệ thông tin đều chuyển đổi số và các ứng dụng của Cách mạng Công nghiệp 4.0 như BigData, IoT, AI đều liên quan trực tiếp tới dữ liệu và không thể thiếu dữ liệu thì càng đòi hỏi sự tin cậy của dữ liệu.

Điều nguy hại hiện nay là các hệ thống công nghệ thông tin đa phần đều nằm trong sự kiểm soát của một vài doanh nghiệp (ví dụ Facebook, Google…), thậm chí phụ thuộc vào một vài cá nhân, hay một tập thể cá nhân nào đó làm quản trị.

Chúng ta đang phải trao gửi niềm tin cho các doanh nghiệp hay những người quản trị đó mà không thể biết họ làm gì và có tiêu cực với dữ liệu của chúng ta hay không và liệu có giải pháp nào để ngăn chặn những nguy cơ, rủi ro từ việc dữ liệu bị can thiệp.

Câu trả lời nằm ở chính công nghệ Blockchain, với sự giúp đỡ của toán học và mật mã học, độ tin cậy của dữ liệu được bảo đảm bằng trên cả vàng.

Và đây chính là vai trò cực kỳ quan trọng của Blockchain đối với Cách mạng Công nghiệp 4.0, với chuyển đổi số và càng quan trọng hơn với Fintech, khi nó đòi hỏi độ tin cậy của dữ liệu, mà dữ liệu ở đây chính là tiền.

Tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2019 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2019, Bộ Thông tin và Truyền thông được giao nhiệm vụ xây dựng Đề án Chuyển đổi số quốc gia. Đây cũng là một đề án quan trọng có thể thúc đẩy hơn nữa công nghệ thông tin Việt Nam nói chung và Fintech Việt Nam nói riêng phát triển mạnh mẽ trong thời gian sắp tới đây.

Nhuệ Mẫn
Đặc san Ngân hàng 2020

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục