Báo cáo của PwC về công nghệ dịch vụ tài chính năm 2020 và xa hơn mới được công bố đã nhấn mạnh xu thế trên.
Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Khải Hoàn, Phó tổng giám đốc FPT Software cho rằng, trong vòng 10 năm tới, các doanh nghiệp Việt Nam không thay đổi, cơ hội sẽ biến mất.
FPT Software đang tập trung phát triển hệ sinh thái các nền tảng; trong đó, có một số nền tảng như akaChain - nền tảng hỗ trợ doanh nghiệp triển khai các mô hình kinh doanh mới một cách nhanh chóng và tiết kiệm thời gian, chi phí đầu tư ban đầu,
Ví dụ phát triển các ứng dụng liên quan tới quản lý khách hàng thân thiết, truy xuất nguồn gốc thực phẩm, thiết lập chuỗi thông tin liên kết trong chăm sóc sức khỏe…..; hay akaBot - nền tảng tự động hóa quy trình toàn diện cho doanh nghiệp.
Việc áp dụng akaBot để tự động hóa nhiều hoạt động nghiệp vụ có thể giúp doanh nghiệp tăng tốc độ xử lý công việc và giảm thiểu các sai sót thường mắc do con người.
Mới đây, dựa trên nền tảng akaChain, FPT Software cùng với Bảo Kim triển khai dịch vụ iCredit, dịch vụ liên quan đến chấm điểm tín dụng khách hàng, giúp các doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng hiểu khách hàng rõ hơn và đánh giá chính xác những rủi ro tiềm ẩn từ khách hàng cá nhân.
Ðây cũng là lần đầu tiên công nghệ blockchain được ứng dụng để số hoá hoạt động xác thực thông tin khách hàng trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng tại Việt Nam.
Giải pháp eKYC - xác minh danh tính của khách hàng thông qua giấy tờ tùy thân, tự động hóa quy trình bằng robot (RPA), số hóa tài liệu dựa trên công nghệ nhận diện ký tự quang học (OCR) cũng đang được FPT Software phát triển.
Theo ông Nguyễn Trung Ðức, Tổng giám đốc Bảo Kim, trong quá trình thanh toán, vấn đề quan trọng là phải xác thực thông tin khách hàng, đây cũng là yêu cầu càng ngày càng cao.
Hiện eKYC chủ yếu là thông tin chia sẻ trên mạng, gần như không có bên nào đứng ra xác thực.
Trong khi đó, hiện ở Việt Nam, có khoảng 500.000 khoản vay được thực hiện một ngày, để xác thực thông tin khách hàng cần rất nhiều thời gian.
Nền tảng blockchain có thể tạo ra một hệ thống chuỗi, tức là một hệ thống liên kết không giới hạn, có tính bảo mật theo mô hình đóng gói.
Trong chuỗi này, bên nào cũng có thể đưa thông tin lên và sử dụng thông tin, nhưng không bên nào lưu trữ thông tin của bên nào, mà chỉ cho phép truy xuất dữ liệu với tính bảo mật cao. Ông Ðức tin, Việt Nam sớm có nền tảng này và chắc chắn sẽ phát triển.
Bà Estela Gonzalez, Giám đốc Marketing toàn cầu của ThinkPower cho biết, 24 ngân hàng ở Ðài Loan đã mở dữ liệu, trong đó có 3 ngân hàng số đã đồng ý kết nối RPA để lấy dữ liệu.
Hiện ở Ðài Loan cũng có ứng dụng money booth kết nối 27 ngân hàng, các ngân hàng sẽ tích hợp các nền tảng có khả năng phân quyền truy cập các vùng dữ liệu.
Ðài Loan không phải là nơi phát triển mạnh về Fintech còn có sự chuyển động như vậy. Tại Việt Nam, chắc chắn xu hướng này sẽ phát triển mạnh. Theo ông Nguyễn Quang Trung, Giám đốc công nghệ AIA Việt Nam, vấn đề các doanh nghiệp đang gặp phải là có quá nhiều ứng dụng, chương trình tích điểm.
Các điểm, giải thưởng có nhưng không thể sử dụng chéo cho hệ thống khác; doanh nghiệp cũng không có được thông tin khách hàng có sử dụng voucher hay không. Ðể giải quyết vấn đề này, AIA đang phát triển hệ sinh thái ví số (digital wallet).
Không chỉ ở lĩnh vực tài chính, ông Nguyễn Khải Hoàn, Phó tổng giám đốc FPT Software cho biết, nền tảng chuyển đổi số quản lý nhân sự đang được khá nhiều doanh nghiệp quan tâm.
Nền tảng này được thiết kế dưới dạng app, sử dụng để theo dõi toàn bộ các thông tin về nhân viên, từ khi bắt đầu gia nhập đến khi rời công ty; tương tác trực tiếp giữa lãnh đạo và nhân viên thông qua ứng dụng; check in tích điểm để sử dụng các dịch vụ của công ty như xe buýt, ăn trưa; nhận các thông báo, chính sách, thông tin cập nhật của công ty…
Lợi ích trước mắt mà nền tảng này mang lại là giúp công ty có nhiều dữ liệu để phân tích, đánh giá về nhân viên và hỗ trợ sử dụng các dịch vụ trong công ty không cần tiền mặt...