Công cụ và chính sách điều phối thị trường tiền tệ

(ĐTCK-online) Sự tăng trưởng hoặc suy giảm của TTCK chịu ảnh hưởng lớn từ việc áp dụng các chính sách kinh tế vĩ mô, cụ thể là việc ban hành các chính sách tiền tệ với mục tiêu can thiệp vào sức khoẻ của nền kinh tế. Khi nền kinh tế ổn định thì việc điều chỉnh tỷ lệ lãi suất được áp dụng, khi nền kinh tế tăng trưởng quá nóng hay quá lạnh thì các chính sách tiền tệ sẽ can thiệp trực tiếp lên lượng cung tiền trên thị trường.
Công cụ và chính sách điều phối thị trường tiền tệ

Tỷ lệ dự trữ bắt buộc

Công cụ tỷ lệ dự trữ bắt buộc là tỷ lệ giữa số lượng tiền cần vô hiệu hóa trên tổng số tiền gửi huy động, nhằm điều chỉnh khả năng thanh toán (cho vay) của các ngân hàng thương mại.

Theo đó, khi Ngân hàng Trung ương nâng cao tỷ lệ tiền lưu trữ trong ngân hàng thương mại thì số tiền vốn mà ngân hàng có thể sử dụng bị cắt giảm, khả năng cho vay tiền sẽ bị hạn chế, lượng lưu thông tiền tệ trên thị trường tiền tệ sẽ giảm tương đối.

Ngược lại, khi hạ tỷ lệ tiền lưu trữ trong ngân hàng thương mại thì lượng lưu thông trên thị trường tiền tệ sẽ lại gia tăng. Nguồn cung tiền mặt chảy vào TTCK cũng vì vậy chịu ảnh hưởng không nhỏ từ tỷ lệ dự trữ bắt buộc trong các ngân hàng.

 

Chính sách tái chiết khấu

Việc quy định tỷ suất tái chiết khấu từ phía Ngân hàng Trung ương cao hay thấp so với tỷ suất thị trường đều có ảnh hưởng tới lượng cung tiền tệ lưu thông. Chính sách tái chiết khấu có thể hiểu là chính sách mà Ngân hàng Trung ương sử dụng những ngân phiếu định mức chưa đến kỳ hạn hiện đang có của các ngân hàng thương mại vào việc điều phối và lưu thông tiền tệ.

Trên cơ sở căn cứ vào tình hình cung ứng vốn của thị trường để Ngân hàng Trung ương điều chỉnh tỷ lệ tái chiết khấu. Cụ thể, nếu tỷ lệ tái chiết khấu của Ngân hàng Trung ương tăng thì giá trị đồng vốn của ngân hàng và tỷ lệ tái chiết khấu trên thị trường cũng tăng theo. Điều này khiến nguồn vốn vận hành trong TTCK bị thu hẹp và làm thị trường giảm nhiệt.

 

Nghiệp vụ thị trường mở

Nghiệp vụ thị trường mở là việc Ngân hàng Trung ương tham gia mua bán giấy tờ có giá với các tổ chức tín dụng. Từ đó thực hiện chính sách điều tiết lượng tiền tệ cung ứng trên thị trường.

Tiêu biểu như khi Ngân hàng Trung ương nhận thấy cần phải tăng lượng tiền cung ứng thì sẽ lập tức mua vào những chứng khoán có giá trị trên thị trường lưu thông (chủ yếu là trái phiếu chính phủ) và ngược lại. Điều này sẽ tác động đến TTCK, làm khơi thông nhu cầu về nguồn vốn, kích thích việc mở rộng và tăng cường đầu tư sản xuất - kinh doanh.

Ngân hàng Trung ương có thể tập trung điều hành lượng cung ứng tiền mặt trên thị trường nhằm kiểm soát tăng trưởng tín dụng. Trong đó, Ngân hàng Trung ương có thể khống chế tín dụng trực tiếp như việc sử dụng những mệnh lệnh mang tính chất hành chính để trực tiếp tiến hành khống chế cơ cấu lưu thông, đặc biệt là những hoạt động tín dụng của ngân hàng thương mại.

Một số phương thức cơ bản để hạn chế điều kiện tín dụng được sử dụng như quy định tỷ lệ lưu thông của cơ cấu lưu thông với mức độ trực tiếp tham gia.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Trung ương có thể điều hành tín dụng một cách gián tiếp thông qua những khuyến cáo cùng những phương pháp khác để tạo ra những ảnh hưởng gián tiếp đến hành vi cơ cấu lưu thông của ngân hàng thương mại.

Bộ phận Tư vấn và Phân tích, CTCK Hà Nội - HSSC
Bộ phận Tư vấn và Phân tích, CTCK Hà Nội - HSSC

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,240.18 -4.52 -0.36% 172,142 tỷ
HNX 236.36 0.68 0.29% 1,675 tỷ
UPCOM 91.48 -0.24 -0.27% 788 tỷ