Sáng nay, 29/10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự toán Ngân sách nhà nước và đánh giá giữa kỳ thực hiện đầu tư công trung hạn...
Cụ thể, theo chương trình phiên họp, Quốc hội sẽ thảo luận về kết quả thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2018; Dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2019 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước quốc gia 3 năm 2019 - 2021; Phân bổ nguồn kinh phí còn lại và chi thường xuyên chưa sử dụng hết năm 2017.
Đồng thời Quốc hội cũng thảo luận, đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, tài chính quốc gia 5 năm giai đoạn 2016-2020.
Trong quá trình thảo luận, thành viên Chính phủ sẽ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Đại biểu Ngô Thị Luyến (Đà Nẵng) nêu quan ngại về chi ngân sách nhà nước cho y tế có xu hướng giảm, năm 2018 ước thực hiện hơn 92.000 tỷ đồng, chỉ đạt trên 5% NSNN, cần xem xét lại.
Trong khi đó, Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cho rằng, đầu tư dàn trải trong thực hiện đầu tư công, báo cáo của Chính phủ cũng chỉ rõ, đây là hạn chế lớn, cần phải vượt qua. Số lượng các dự án dở dang, thiếu vốn tại các địa phương rất nhiều.
Đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) quan ngại, phương án phân bổ ngân sách cho 2 năm còn lại còn dàn trải, không đúng Luật đầu tư công và tạo cơ chế xin-cho. Thiếu gần 60.000 tỷ đồng cho các dự án.
Theo Báo cáo của Chính phủ, việc xác định danh mục các dự án đầu tư công theo thứ tự ưu tiên trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 còn vướng mắc; còn tình trạng đầu tư dàn trải, dở dang; chưa thanh toán hết nợ đọng xây dựng cơ bản.
Bên cạnh đó, việc hoàn thiện các thủ tục đầu tư, giao kế hoạch vốn trung hạn quá chậm, chưa bảo đảm tính ổn định, giao vốn nhiều lần, kéo dài thời gian giao vốn,ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân, hiệu quả nguồn vốn.
Việc đẩy nhanh tiến độ các dự án quan trọng quốc gia, các dự án trọng điểm chưa đạt yêu cầu đặt ra; một số công trình phải điều chỉnh tổng mức đầu tư quá lớn, ảnh hưởng đến cân đối nguồn lực, hiệu quả đầu tư.
Cũng theo Báo cáo của Chính phủ, do tiến độ phân bổ, giao kế hoạch vốn trung hạn và hằng năm chậm, áp lực cân đối nguồn vốn trong 2 năm còn lại là rất lớn, khó có khả năng hoàn thành kế hoạch đặt ra và sẽ phải chuyển một phần vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn sang giai đoạn sau.
Tổng nguồn vốn NSNN dành cho kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 là 2.000.000 tỷ đồng, tuy nhiên, chưa bao gồm các nguồn vốn mới phát sinh như nguồn để lại cho đầu tư cho Tập đoàn Dầu khí, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Viettel (từ năm 2019 sẽ đưa vào cân đối trong NSNN)...
Bên cạnh đó, do một số địa phương tăng thu nên nguồn vốn ngân sách địa phương dành cho đầu tư phát triển tăng thêm. Nếu tính đầy đủ các khoản này, tổng mức vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 sẽ vượt mức 2.000.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, năm 2019 là năm thứ 4 liên tiếp Năm 2019 là năm thứ 4 liên tiếp trong kế hoạch tài chính trung hạn 5 năm 2016-2020 dự kiến tỷ lệ huy động từ thuế, phí thấp hơn 21%GDP,khả năng hoàn thành mục tiêu theo Nghị quyết số 25/2016/QH14 là khó khăn.