Căng thẳng giải ngân vốn đầu tư công giao thông

Áp lực giải ngân vốn đang đè nặng lên các chủ đầu tư, ban quản lý dự án thuộc Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT), khi khối lượng vốn đầu tư công được giải ngân trong 10 tháng đầu năm mới đạt khoảng 52% kế hoạch.
Dự án Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đang trong tình trạng “báo động đỏ” về giải ngân. Ảnh: Đức Thanh Dự án Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đang trong tình trạng “báo động đỏ” về giải ngân. Ảnh: Đức Thanh

“Điểm đen” giải ngân

Cho đến thời điểm này, Dự án Xây dựng cầu cạn đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long thuộc đường vành đai 3 tại TP. Hà Nội đang “đội sổ” về khối lượng vốn được giải ngân trong số các dự án sử dụng vốn đầu tư công do Bộ GTVT làm chủ đầu tư. 

Năm 2018, dự án này được Bộ GTVT giao kế hoạch giải ngân 734 tỷ đồng, gồm 720 tỷ đồng vốn ODA và 14 tỷ đồng vốn đối ứng. Nhưng đến nay, Dự án mới giải ngân được vỏn vẹn 102,2 tỷ đồng (88,19 tỷ đồng vốn ODA, 14 tỷ đồng vốn đối ứng), đạt 14% kế hoạch năm; còn phải giải ngân 631,81 tỷ đồng vốn ODA.

Ông Phạm Anh Tú, Trưởng phòng dự án 1, Ban Quản lý dự án (PMU) Thăng Long cho biết, tiến độ giải ngân dự án xây dựng 4,728 km cầu cạn bị “lụt sâu” chủ yếu do bị tắc ở khâu giải phóng mặt bằng. 

Cụ thể, theo kế hoạch ban đầu, TP. Hà Nội sẽ bàn giao mặt bằng cho các nhà thầuthi công ngay từ tháng 1/2018, nhưng phải đến tháng 4/2018 và cuối tháng 5/2018, hai gói thầu xây lắp số 2 và số 1 mới được bàn giao một số đoạn mặt bằng để phát lệnh khởi công xây dựng. Bên cạnh đó, các khâu thiết kế bản vẽ thi công, thí nghiệm vật liệu, chuẩn bị công trường, lựa chọn nhà cung cấp, nhà thầu phụ thuộc trách nhiệm của nhà thầu chính cũng bị chậm hơn so với kế hoạch đề ra. Hệ lụy là phải đến cuối tháng 6/2018, Dự án mới có những khoản giải ngân đầu tiên.

“Hiện các vướng mắc nói trên đã cơ bản được tháo gỡ, từ giờ đến cuối năm, Dự án sẽ tăng tốc thi công giúp cải thiện công tác giải ngân. Tuy nhiên, từ cuối tháng 6/2018, sau rà soát lại, PMU Thăng Long nhận thấy, Dự án sẽ không thể giải ngân hết vốn kế hoạch, nên đã có văn bản đề nghị Bộ GTVT điều chuyển cho dự án khác khoảng 200 tỷ đồng, nhằm tránh lãng phí nguồn vốn”, ông Tú cho biết.

Dự án Xây dựng cầu cạn đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long không phải là công trình duy nhất đang bị đặt trong tình trạng “báo động đỏ” về nguy cơ không hoàn thành kế hoạch giải ngân. Theo Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ GTVT), trong số các dự án đầu tư công ngành GTVT hiện còn tới 11 dự án ODA và 18 dự án trái phiếu chính phủ đang bị đọng vốn kế hoạch lớn. 

Trong đó, các dự án ODA tồn vốn kế hoạch khối lượng lớn gồm: Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (PMU Đường sắt) giải ngân được 1.174/3.150 tỷ đồng (đạt 37,3%); Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (VEC) giải ngân được 457,4/1.291 tỷ đồng (đạt 35,5%), Dự án Quản lý tài sản đường bộ Việt Nam (PMU 3 thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam) giải ngân được 360/745 tỷ đồng (đạt 48,4%)… 

Các dự án sử dụng vốn trái phiếu chính phủ giải ngân kém gồm: Tuyến tránh Ea Drăng (PMU đường Hồ Chí Minh) giải ngân được 127,6/312 tỷ đồng (đạt 40%); Đường Hồ Chí Minh tuyến tránh Chư Sê (PMU6) đã giải ngân 70,2/180 tỷ đồng (đạt 38%)…

Nguy cơ dư vốn cao

Theo Vụ Kế hoạch - Đầu tư, tính đến ngày 10/10, các dự án sử dụng vốn đầu tư công do bộ này quản lý mới tiêu 13.739 tỷ đồng, đạt 56,6% kế hoạch giao, trong đó, các dự án ODA đạt 51,6%, dự án giao thông trong nước sử dụng vốn ngân sách nhà nước đạt 94,3%, dự án sử dụng vốn trái phiếu chính phủ đạt 37,7%.

Tính bình quân từ đầu năm đến nay, các chủ đầu tư ngành GTVT chỉ giải ngân được 1.500 tỷ đồng/tháng - rất thấp so với kỳ vọng ban đầu, dù kế hoạch vốn đầu tư công toàn ngành năm 2018 là không lớn (khoảng 26.332 tỷ đồng).

“Khả năng cao là Bộ GTVT sẽ thừa vốn, đặc biệt là vốn nước ngoài. Chưa có năm nào, khả năng dư vốn nước ngoài nhiều như năm nay”, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông đánh giá.

Cần phải nói thêm rằng, nguồn vốn kế hoạch giao cho các dự án xuất phát từ chính kế hoạch đăng ký do chính các chủ đầu tư, PMU chủ động đề xuất từ đầu năm, sau đó, Bộ GTVT chỉ tổng hợp, báo cáo Chính phủ để bố trí vốn.

“Bộ GTVT không ép các đơn vị, kế hoạch vốn đều do các PMU tự tính toán, đề xuất theo nhu cầu các dự án. Thời tiết năm nay không quá bất thường, công trình cũng không có những hạng mục đặc biệt, nhưng kết quả giải ngân đến thời điểm này rất chậm, cho thấy sự chỉ đạo của các ban còn kém hiệu quả, thiếu chủ động, còn tư tưởng trông chờ. Tình hình này không thể kéo dài, đặc biệt là năm 2019, chúng ta bắt đầu thực hiện những công trình trọng điểm quốc gia”, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết.

Được biết, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, bắt đầu từ tháng 11/2018, Bộ GTVT sẽ họp giao ban về xây dựng cơ bản và giải ngân 2 tuần/lần. Bộ trưởng Bộ GTVT yêu cầu trước mỗi buổi họp, Vụ Kế hoạch - Đầu tư cần làm việc với từng PMU, từng đơn vị để rà soát và có đề xuất cụ thể về việc điều chuyển nguồn vốn giữa các ban, đơn vị. Phần vốn nào điều chuyển được trong nội bộ, phần vốn nào xin trả lại Trung ương cần phải làm rõ để Bộ GTVT kịp thời báo cáo Chính phủ, tránh tình trạng nơi thi công tốt thì không có vốn, nơi công trường im ắng thì vốn tồn đọng.

Về trách nhiệm của các PMU, chủ đầu tư, Bộ trưởng Bộ GTVT khẳng định, dự án nào đã được ghi vốn, nhưng không hoàn thành giải ngân, thì dứt khoát giám đốc của PMU đó phải chịu trách nhiệm. 

“Kết quả giải ngân kế hoạch năm 2018 sẽ là cơ sở để Bộ đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của thủ trưởng cơ quan, đơn vị và xếp hạng chủ đầu tư/PMU hàng năm theo quy định. Trước mắt, giao Vụ Kế hoạch - Đầu tư và Cục Quản lý xây dựng khẩn trương tham mưu để Bộ xử lý những giám đốc PMU giải ngân trì trệ”, Bộ trưởng Thể chỉ đạo.

Anh Minh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục