Đà Nẵng còn 267 dự án đầu tư công dở dang

Hiện Đà Nẵng có 267 dự án đầu tư công dở dang, trong đó có nhiều dự án “treo” hơn 10 năm. Một số dự án hiện chưa triển khai được vì còn các hộ dân chưa được đền bù giải toả, bố trí tái định cư. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân khi chưa thể “an cư lạc nghiệp”; đồng thời cho thấy hiệu quả đầu tư công chưa cao.
Ông Nguyễn Nho Trung chủ toạ kỳ họp giữa năm của HĐND TP Đà Nẵng: "Hiện Đà Nẵng còn 267 dự án dở dang. Nhiều dự án "treo" hơn 10 năm". Ông Nguyễn Nho Trung chủ toạ kỳ họp giữa năm của HĐND TP Đà Nẵng: "Hiện Đà Nẵng còn 267 dự án dở dang. Nhiều dự án "treo" hơn 10 năm".
Ông Nguyễn Nho Trung - Chủ tịch Hội đồng nhân dân (HĐND) TP Đà Nẵng đã thông tin và phát biểu như trên trong phiên thảo luận chiều 10/7 tại kỳ họp giữa năm của HĐND thành phố.

Chủ tịch HĐND TP đặt câu hỏi: “Thành phố đã có nguồn vốn bố trí cho dự án, chính quyền thành phố cũng đã có sự chỉ đạo quyết liệt, Trung tâm phát triển quỹ đất TP có chi nhánh ở các quận/huyện với gần 150 cán bộ. Tiền có, đất có, nguồn lực có như vậy tại sao lại chậm triển khai dự án?”.

Theo ông Nguyễn Nho Trung, cần phải làm rõ và xử lý trách nhiệm chỗ này, không thể đùn đẩy trách nhiệm vì “đùn đẩy trách nhiệm thì dân chịu chứ ai chịu!”. Đồng thời, đề nghị các đại biểu HĐND TP tập trung thảo luận các giải pháp tháo gỡ tình trạng dự án đầu tư công chậm triển khai

Theo các đại biểu HĐND thành phố, nguyên nhân chính dẫn tới dự án chậm triển khai là do công tác đền bù giải toả, bố trí tái định cư chậm. Thêm vào đó, do các dự án “treo” quá lâu nên giá đất trên thị trường đã có sự chênh lệch rất lớn so với giá đền bù giải toả, có nơi cao hơn từ 10 - 15 lần.

Đại biểu Cao Xuân Thắng chia sẻ, đây là lý do rất khó vận động người dân hợp tác công tác đền bù giải toả, giải phóng mặt bằng để triển khai dự án.

Một bất cập nữa, theo đại biểu Cao Xuân Thắng là cơ chế quản lý, điều hành chồng chéo, chưa phân định rõ ràng giữa các cấp, đơn vị chức năng liên quan.

Chính quyền TP đã giao quyền cho lãnh đạo quận/huyện làm Chủ tịch Hội đồng giải phóng mặt bằng (GPMB), nhưng trên thực tế thực thi công tác đền bù giải toả, bố trí tái định cư lại do cán bộ Trung tâm Phát triển quỹ đất thực thi, mà những nhân sự này không thuộc quyền quản lý nhân sự của quận/huyện.

“Người không nắm, tiền không nắm thì Hội đồng GPMB không làm gì được” - đại biểu Cao Xuân Thắng nói. 

Đà Nẵng còn 267 dự án đầu tư công dở dang ảnh 1

 Đại biểu Cao Xuân Thắng: Giá thị trường chênh lệc quá lớn so với giá đền bù giải toả, khó vận động hộ dân trong diện thu hồi đất để triển khai dự án hợp tác.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đồng ý công tác GPMB, bố trí tái định cư qua nhiều thời kỳ có nhiều đổi thay và phải cập nhật, thay đổi để phù hợp, tháo gỡ bức xúc của các hộ dân trong diện thu hồi đất, GPMB để triển khai dự án.

Bên cạnh tình trạng dự án chậm triển khai, lĩnh vực đầu tư công ở Đà Nẵng vẫn còn nhiều bất cập, tồn tại như đại biểu Lương Nguyễn Minh Triết nêu: Nhiều công trình dự án đưa vào khai thác chưa lâu đã thấy không hiệu quả, chẳng hạn công trình Nhà biểu diễn đa năng...; nhiều dự án sao chép thiết kế như chợ Lệ Trạch không phù hợp với nếp sống sinh hoạt của người dân; nhiều dự án như chung cư Thuận Phước, Hoà Cường... xuống cấp nhanh.

Giải pháp để hạn chế tình trạng công trình dự án đầu tư công kém chất lượng, theo đa số đại biểu HĐND TP, cần đẩy mạnh công khai, minh bạch trong quy hoạch dự án, tổ chức đấu thầu, phát huy hiệu quả của việc tổ chức đấu thầu qua mạng.

Đồng thời, đối với các dự án có sai phạm, cần có chế tài xử lý nghiêm chủ đầu tư, đơn vị thiết kế, nhà thầu thi công…; công khai sai phạm và không cho phép nhà thầu “dính” sai phạm tham gia đấu thầu.

Kết luận phiên thảo luận chiều 9/7, đối với lĩnh vực đầu tư công, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Nho Trung nêu thêm kiến nghị UBND TP chỉ đạo thực hiện nghiêm các quy định thủ tục về đầu tư công theo đúng luật, cụ thể là Luật Đầu tư công 2014; đồng thời, đề nghị lãnh đạo chính quyền TP kiến nghị đến Trung ương những bất cập, chồng chéo trong quy định hiện hành;

Nghiên cứu vận dụng linh hoạt các quy trình nhằm rút ngắn thủ tục, thời gian đảm bảo sử dụng hiệu quả nhất nguồn vốn ngân sách trong đầu tư xây dựng;

Không bố trí vốn đối với các dự án không đảm bảo thủ tục, trừ dự án quá cấp bách, bất khả kháng; Xây dựng tiêu chí cụ thể không tạo điều kiện cho cơ chế “xin - cho” trong bộ máy nhà nước.


Theo Dantri

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục