Cơn khát đầu tư điện mặt trời lên đỉnh điểm

0:00 / 0:00
0:00
Lại có 124 dự án điện mặt trời chưa có trong quy hoạch điện dù đã được Bộ Công thương thẩm định, bởi còn thêm yêu cầu EVN tính toán khả năng giải tỏa công suất.
Các dự án điện mặt trời đang chạy đua để hoàn thành trước mốc 31/12/2020. Các dự án điện mặt trời đang chạy đua để hoàn thành trước mốc 31/12/2020.

Bổ sung trước, tính giải tỏa sau

Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) vừa đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hỗ trợ tính toán, đề xuất các giải pháp giải tỏa công suất hàng loạt dự án điện mặt trời mới.

Trong văn bản yêu cầu này, Cục đã đề nghị ưu tiên tính toán, xem xét khả năng giải tỏa công suất của 21 dự án điện mặt trời đã được thống nhất chủ trương bổ sung quy hoạch tại Thông báo số 221/TB-VPCP (ngày 1/7/2020).

Được biết, 21 dự án có tổng quy mô 1.163 MWp (tương đương 930 MW) được nhắc tới này là các dự án đã hoàn thành thẩm định để chuẩn bị cho thực hiện thí điểm cơ chế xác định giá cạnh tranh các dự án điện mặt trời giai đoạn sau ngày 31/12/2020.

Tuy nhiên, 21 dự án trên chỉ là một phần trong tổng số 124 dự án điện mặt trời với tổng công suất lên tới 10.862 MW đã được Bộ Công thương hoàn thành công tác thẩm định - bước đi cần thiết trước khi trình Chính phủ xem xét bổ sung vào quy hoạch điện hiện hành.

Dẫu vậy, yêu cầu EVN “ưu tiên tính toán, xem xét khả năng giải tỏa công suất của 21 dự án điện mặt trời đã được thống nhất chủ trương bổ sung quy hoạch tại Thông báo số 221/TB-VPCP” hay “tính toán và đề xuất giải pháp để đảm bảo khả năng giải tỏa công suất” cho cả 124 dự án trong Phụ lục II gửi kèm lại cho thấy, việc thẩm định dự án của Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo dường như chỉ là “cho có”, bởi thẩm định xong mà vẫn không tính được khả năng giải tỏa công suất của dự án!

Chia sẻ thực trạng này, nhiều người quan tâm tới việc đầu tư nguồn điện cho rằng, “đây là điều khó hiểu”.

Tại phiên giải trình về cấp điện cho phát triển kinh tế - xã hội tới năm 2030 mới đây, đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Sinh cho hay, việc công suất điện mặt trời vận hành trong thực tế gấp nhiều lần so với quy hoạch đặt ra trong khi lưới điện không kịp đầu tư, dẫn tới hệ số huy động công suất thấp, gây lãng phí nguồn lực của tư nhân, nhà nước lẫn nhân dân.

Đó là chưa kể, theo tính toán của đại biểu Đỗ Văn Sinh, với 4.960 MW mặt trời đã đi vào vận hành trước ngày 1/7/2019, EVN đã phải mua điện với mức 9,35 UScent/kWh, nên đã tạo ra khoản chênh lệch nếu so với giá mua điện gió lên tới 892 triệu USD (tương đương 20.000 tỷ đồng). Còn nếu so 9,35 UScent/kWh với mức giá 7,09 UScent/kWh sau ngày 1/7/2020 thì con số chênh lệch lên tới 3,667 tỷ USD (tương đương 80.000 tỷ đồng).

Đáng nói là, số tiền chênh lệch này chỉ một số ít nhà đầu tư điện mặt trời được hưởng, trong khi gây hại cho 97 triệu dân. “Trách nhiệm của các tổ chức, của người đứng đầu về vấn đề này ra sao” là câu hỏi được đại biểu Sinh đặt ra trước thực trạng bổ sung tràn lan các dự án điện mặt trời thời gian qua.

Đua mua pin

Cảnh báo về thực trạng “đổ bộ” làm năng lượng tái tạo thời gian qua, đại biểu Hoàng Quang Hàm nhận xét, phát triển năng lượng tái tạo dù còn xa so với tiềm năng, nhưng đã thiếu phương án đấu nối (dư thừa nguồn điện cục bộ, trong khi tổng thể thiếu điện, nên khó giảm giá thành).

Hiện đã có hơn 11.000 MW điện mặt trời được bổ sung vào quy hoạch, nhưng với việc thống nhất chủ trương bổ sung quy hoạch tại Thông báo số 221/TB-VPCP cho 21 dự án điện mặt trời có quy mô 1.163 MW hay chuyện Bộ Công thương đề nghị tính toán giải tỏa công suất cho 124 dự án với 10.863 MW đã được thẩm định cũng cho thấy mối quan tâm tới loại hình này còn rất lớn.

Công suất điện mặt trời vận hành trong thực tế gấp nhiều lần so với quy hoạch, dẫn tới hệ số huy động công suất thấp, gây lãng phí nguồn lực.

Đáng nói là, vẫn còn nhiều nhà đầu tư khác đang muốn nhảy vào làm điện mặt trời, như đầu tư điện mặt trời trên các đầm nuôi tôm với quy mô lên đến hàng trăm MW…

Dẫu vậy, các nhà đầu tư đang chạy đua để hoàn thành dự án trước mốc 31/12/2020 hay muốn đổ bộ tiếp vào làm điện mặt trời cũng sẽ phải tính toán việc tìm mua tấm pin có chất lượng để triển khai dự án.

Theo bà Lê Minh Tâm, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ năng lượng mới JL Việt Nam, đại diện bán hàng cho một số thương hiệu đến từ Trung Quốc nằm trong top 10 thế giới về pin mặt trời cho hay, đang xảy ra tình trạng cháy hàng với tấm pin mặt trời. Không chỉ hàng ở Việt Nam không còn, mà đối tác bên Trung Quốc cũng không nhận đơn nữa.

Lý giải việc pin mặt trời tại Việt Nam khan hiếm, một doanh nghiệp chuyên bán inverter cho một số thương hiệu nổi tiếng cho hay, sự cố nổ tại nhà máy sản xuất silicon (một nguyên liệu để sản xuất ra tấm pin mặt trời) tại Trung Quốc đã khiến cơ quan hữu trách nước này quyết định rà soát lại hoạt động sản xuất silicon để điều tra nguyên nhân, nên việc sản xuất pin mặt trời bị ảnh hưởng.

Ngoài ra, có thông tin Chính phủ Trung Quốc gia hạn chính sách ưu đãi phát triển năng lượng mặt trời trong nước thêm gần 30 GW (30.000 MW) với mốc thời gian là ngày 31/12/2020, nên thị trường pin mặt trời tại Trung Quốc đã diễn ra cuộc chạy đua khốc liệt để mua hàng, kéo theo tình trạng cháy hàng.

“Các công ty và hãng lớn trong danh sách Tier -1 (bảng xếp hạng về uy tín của các thương hiệu pin mặt trời trên thế giới) giờ gần như ngưng giao hàng cho Việt Nam. Với những lô hàng có thời gian giao vào cuối tháng 11 và đầu tháng 12/2020 sẽ là sót lại do không kịp tiến độ theo hợp đồng đã ký trước đó và số lượng cũng rất ít”, bà Tâm cho biết.

Như vậy, các hãng lớn đã dừng lại trong cuộc đua cấp pin mặt trời cho Việt Nam với mốc 31/12/2020. Còn cuộc đua sau năm 2020 thì còn phải chờ nhiều điều khác.

Hoàng Minh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục