Điện mặt trời mái nhà: Nơi ủng hộ, nơi dè dặt

0:00 / 0:00
0:00
Trong khi các địa phương đưa ra quan điểm khác nhau về đầu tư điện mặt trời mái nhà, thì hướng dẫn của Bộ Công thương với loại hình này chưa chính thức được ban hành.
Hướng dẫn của Bộ Công thương với loại hình điện mặt trời mái nhà chưa chính thức được ban hành. Hướng dẫn của Bộ Công thương với loại hình điện mặt trời mái nhà chưa chính thức được ban hành.

Gia Lai ủng hộ, Bình Phước tạm dừng

Sở Công thương tỉnh Bình Phước mới đây đã đề nghị UBND tỉnh này đưa ra những quy định rõ ràng và nghiêm ngặt, nhằm quản lý hoạt động đầu tư điện mặt trời mái nhà trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể, Sở Công thương đề nghị UBND tỉnh yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư không tiếp nhận và giải quyết các thủ tục đầu tư đối với các dự án đầu tư nhà xưởng kết hợp với đầu tư hệ thống điện mặt trời lắp trên mái nhà có công suất dưới 1 MW.

Trường hợp các nhà đầu tư có nhu cầu đầu tư điện mặt trời mái nhà, thì hướng dẫn họ tách phần đầu tư điện mặt trời thành dự án bổ sung riêng và phải đảm bảo các yêu cầu nhất định.

Các yêu cầu được đưa ra là hệ thống điện mặt trời mái nhà được lắp trên mái nhà ở của người dân hoặc trên mái nhà xưởng kiên cố, đang hoạt động sản xuất - kinh doanh bình thường.

Đặc biệt, các nhà xưởng phải đảm bảo đầy đủ tài liệu chứng minh tính hợp pháp về xây dựng và đã hoàn thành chuyển đổi mục đích sử dụng sang đất sản xuất - kinh doanh.

Theo đề nghị của Sở Công thương, Công ty Điện lực Bình Phước chỉ được thỏa thuận đấu nối, ký hợp đồng mua bán điện với các công trình điện mặt trời mái nhà bảo đảm các yêu cầu trên.

UBND các huyện, thị xã, thành phố được yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc quản lý sử dụng đất, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đặc biệt là việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang đất nông nghiệp khác để làm trang trại và đầu tư điện mặt trời.

Với các trường hợp đầu tư không đảm bảo mục đích sử dụng đất để lợi dụng lắp đặt điện mặt trời mái nhà, Sở Công thương Bình Phước đề nghị phải xử lý nghiêm.

Trong khi Bình Phước xem xét cẩn trọng hoạt động này, thì Gia Lai - một trong 2 địa phương nóng nhất về đầu tư điện mái nhà trong cả nước lại có phần nương tay.

Từ đầu năm 2020 đến nay, số doanh nghiệp thành lập mới và bổ sung ngành nghề liên quan đến điện áp mái tại Gia Lai tăng đột biến, với hơn 200 doanh nghiệp thành lập mới cùng 500 doanh nghiệp bổ sung ngành nghề này.

Cá biệt có những tháng, Gia Lai tiếp nhận trên 300 đơn đăng ký đầu tư điện mặt trời áp mái.

Theo báo cáo của Công ty Điện lực Gia Lai, địa phương này hiện có tiềm năng phát triển 490 MWp điện mặt trời mái nhà, có thể thu hút hơn 6.000 tỷ đồng, tạo điều kiện có thêm việc làm, thu nhập, nguồn ngân sách cho tỉnh.

Bởi vậy, UBND tỉnh Gia Lai đặt mục tiêu chủ động tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, các UBND huyện, thị xã, thành phố dựa trên các quy định hiện hành về điện mặt trời để chủ động nghiên cứu, tháo gỡ vướng mắc các vấn đề liên quan, không phát sinh các thủ tục hành chính để tạo điều kiện cho nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ đầu tư điện mặt trời mái nhà.

Bộ Công thương chưa có hướng dẫn

Hơn 1 tháng trước, ngày 5/8/2020, Bộ Công thương có cuộc họp tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) để thảo luận về các vướng mắc đang diễn ra trong hoạt động mua điện mặt trời mái nhà.

Tại đây, lãnh đạo Bộ Công thương đã khẳng định “sẽ sớm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phát triển điện mặt trời mái nhà”.

Ở thời điểm đó, vướng mắc lớn nhất chính là định nghĩa về công trình xây dựng và cơ sở để xác định loại hình điện mặt trời mái nhà khi có rất nhiều dự án gần 1 MWp thực hiện theo mô hình trang trại nông nghiệp và chưa có hướng dẫn cụ thể của cơ quan chức năng để xác định có phải là điện mặt trời mái nhà hay không.

Sau cuộc họp trên khoảng 20 ngày, bản dự thảo hướng dẫn các địa phương và EVN cũng như các đơn vị đã được giới đầu tư điện mặt trời mái nhà chuyền tay nhau trong nỗi sợ mất trắng các chi phí đã bỏ ra.

Theo Dự thảo này, để phù hợp với quy định tại Quyết định 13/2020/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam, công trình xây dựng của trang trại phải có mái nhà.

Mái nhà của trang trại cần phù hợp với công năng, loại hình trang trại. Chủ đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà của công trình trang trại nông nghiệp bổ sung xác nhận UBND cấp xã hoặc huyện về việc khai báo xây dựng trang trại vào hồ sơ đăng ký/thỏa thuận đấu nối điện hoặc hợp đồng mua bán điện.

Không ngồi chờ hướng dẫn của Bộ Công thương được ban hành, nhiều nhà đầu tư điện mặt trời mái nhà đã chủ động tìm đường khi xin chuyển đổi đất trang trại thành đất nông nghiệp khác theo quy định của Thông tư số 02/2020/TT-BNNPTNT, sau đó xin giấy phép xây dựng để có công trình có mái, làm cơ sở lắp tấm pin lên trên để được tính giá điện áp mái nhà.

Giới đầu tư cho rằng, nếu đi đúng thì chỉ mất 1-1,5 tháng là xong các thủ tục. Tất nhiên, trong lúc đó, nhiều công trình vẫn thi công để không bị lỡ thời gian cuối cùng là ngày 31/12/2020 hoặc bị đầy tải ở khu vực đấy.

Thanh Hương
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục