Con dấu của doanh nghiệp: sự đương nhiên tồn tại bị đặt dấu hỏi

Có nên bắt buộc sử dụng con dấu trong doanh nghiệp đang là câu hỏi được đặt ra cho cả cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp.  

Nếu bỏ con dấu, doanh nghiệp có giảm được nhiều thủ tục rắc rối không cần thiết? Nếu bỏ con dấu, doanh nghiệp có giảm được nhiều thủ tục rắc rối không cần thiết?

Trong cuộc làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư về cải cách thủ tục hành chính mới đây, Thủ tướng yêu cầu thay đổi quy định về quản lý con dấu.

Sau đó, tại Thông báo số 370/TB-VPCP về Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng về cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thành lập, tổ chức lại, giải thể doanh nghiệp và thủ tục đầu tư, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Công an nghiên cứu sửa đổi quy định về quản lý con dấu theo hướng cho phép doanh nghiệp chủ động tự khắc dấu, thông báo sử dụng con dấu, tiến tới thay con dấu bằng chữ ký, chữ ký điện tử.

Ngay lập tức, dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi đã bổ sung nội dung quy định về con dấu. Theo đó, con dấu là tài sản của doanh nghiệp. Hình thức và nội dung con dấu do doanh nghiệp quyết định và đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh.

Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi cũng xác định trách nhiệm “quản lý việc sử dụng và lữu giữ con dấu” thuộc về người đại diện của pháp luật. Việc sử dụng con dấu cũng được quy định theo 2 hướng. Một là quy định của pháp luật. Hai là khi các bên giao dịch có thỏa thuận về việc sử dụng con dấu.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đã gọi đây là “một thay đổi rất nhỏ nhưng sẽ có tác động rất lớn”.

Theo quy định pháp lý hiện hành, hình thức và nội dung của con dấu, điều kiện làm con dấu và chế độ sử dụng con dấu đang được thực hiện theo quy định của pháp luật. Thậm chí, hình thức, kích thước, nội dung của con dấu, màu mực dấu, tên quận, (huyện), tỉnh mà doanh nghiệp đóng trụ sở cũng phải được ghi trên con dấu. Chỉ cần có một thay đổi rất nhỏ như chuyển trụ sở sang quận (huyện) khác, doanh nghiệp buộc phải thay con dấu.

Đó là chưa kể đến những trường hợp doanh nghiệp tê liệt hoạt động khi có tranh chấp nội bộ, một nhóm người đã “chiếm đoạt con dấu” đã từng xảy ra tại Công ty cổ phần Đay Sài Gòn, Công ty cổ phần Hữu Nghị Hà Nội, Đại học Hùng Vương và Công ty Cung ứng tàu biển Hải Phòng...

“Con dấu nhỏ mà làm tình làm tội doanh nghiệp. Vì con dấu là cơ quan công an cấp, được quy định lưu trữ và bảo quản tại trụ sở chính của doanh nghiệp, nếu ai mang đi là rất rắc rối. Nếu như doanh nghiệp tự chọn hình thức và tự đăng ký thì mọi quan niệm về con dấu sẽ thay đổi hoàn toàn. Sẽ có những giao dịch mà hai bên không cần sử dụng con dấu để làm tin”, ông Phúc phân tích.

Tuy  nhiên, cũng đang có ý kiến lo ngại nếu không có con dấu, ranh giới giữa nhân danh doanh nghiệp và nhân danh cá nhân trong các giao dịch của người có thẩm quyền sẽ không còn. Khi đó, việc quản lý doanh nghiệp sẽ vô cùng rắc rối.

Trên thế giới, thông tin khảo sát của Bộ Kế hoạch và Đầut ư cho thấy, chỉ khoảng 69 quốc gia đang quy định về sử dụng con dấu của doanh nghiệp. Trong số này, nhiều quốc gia không quy định bắt buộc việc sử dụng con dấu.

Các doanh nghiệp có ý kiến gì vấn đề này. Đồng ý bỏ con dấu để thay bằng chữ ký điện tử hay tiếp tục sử dụng con dấu như một thể hiện pháp lý của doanh nghiệp. Điều gì thuận, điều gì chưa rõ trong việc sử dụng con dấu theo dự thảo của Luật Doanh nghiệp?

Báo Đầu tư điện tử - Baodautu.vn rất mong nhận được các ý kiến của các chuyên gia, các luật sư, các doanh nghiệp xoay quanh câu chuyện cần hay không cần con dấu doanh nghiệp qua phần phản hồi bài viết này, hoặc qua hộp thư điện tử Dautu@vir.com.vn.

Khánh An
Baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục