Chờ kiểm định dòng tiền cá nhân
So với mức đáy 870 điểm thiết lập trong tháng 11, chỉ số VN-Index đã có lúc phục hồi hơn 200 điểm, nên những pha rung lắc, điều chỉnh cũng là điều dễ hiểu. Tuần qua, thị trường chứng khoán thế giới và Việt Nam đều điều chỉnh sau giai đoạn phục hồi tốt.
Một trong những sự kiện giới đầu tư dõi theo là cuộc họp của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) diễn ra vào ngày Thứ Tư tới (ngày 14/12/2022). Theo phán đoán chung của giới phân tích, cuộc họp của Fed lần này sẽ không tạo quá nhiều áp lực lên thị trường chứng khoán toàn cầu do lạm phát Mỹ đã qua đỉnh - cơ sở để Ngân hàng Trung ương Mỹ “lỏng tay” hơn với việc tăng lãi suất. Tuy vậy, tâm lý chung của giới đầu tư vẫn là thận trọng, bởi “nếu neo quá cao thì lỡ có biến, cả thị trường sẽ cực kỳ bị động”.
Về liên thị trường, những diễn biến trên thị trường cho thấy vẫn khá ổn định khi chỉ số Dollar Index và Bond Yield kỳ vọng giảm sau cuộc họp của Fed.
Thực tế, giai đoạn vừa qua, thị trường chứng khoán trong nước phục hồi chủ yếu nhờ dòng vốn ngoại và dòng tiền tổ chức, tâm lý nhà đầu tư cá nhân vẫn rất yếu và đa phần lỡ nhịp phục hồi từ đáy. Do đó, nhịp điều chỉnh này là bài kiểm định dòng tiền cá nhân có tham gia hay không. Với tâm lý chưa thực sự vững, nhiều nhà đầu tư cá nhân cho biết vẫn đứng ngoài quan sát và chỉ tham gia khi bối cảnh thực sự bớt rủi ro.
Ông Bùi Nguyên Khoa, Trưởng nhóm Phân tích thị trường, Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) cho rằng, sau giai đoạn tăng mạnh của chỉ số và thanh khoản, xu hướng giằng co sẽ trở lại khi hoạt động mua ròng của vốn ngoại bão hòa.
Theo ông Khoa, trong năm qua, Fed đã liên tục tăng lãi suất điều hành và ở những lần tăng lãi suất gần đây đều ở mức độ khá cao (0,75%/năm). Thông điệp điều hành của Ngân hàng Trung ương Mỹ cũng khá rõ ràng là sẽ giảm dần tốc độ tăng lãi suất.
“Lãi suất điều hành của Fed trong năm 2023 dự kiến dao động từ 4,5 - 5%/năm là mức khá hợp lý và nó sẽ góp phần làm cho các ngân hàng trung ương khác có thêm dư địa điều hành chính sách lãi suất”, chuyên gia nhận xét.
Có thể nói, giới đầu tư đã bắt đầu quen với hành động của các ngân hàng trung ương trên thế giới, đặc biệt là Fed. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo nhà đầu tư cần lưu ý rằng, về trung dài hạn, thị trường vẫn chịu nhiều áp lực, bởi thời kỳ tiền rẻ đã trôi qua, chi phí kinh doanh cao hơn làm cho dòng tiền có xu hướng trú ẩn nhiều hơn. Vì vậy, trong giai đoạn từ nay đến cuối năm, khó kỳ vọng thị trường có những bứt tốc mạnh mà theo xu hướng tích lũy và có phục hồi từng đoạn ngắn, tạo bước chạy đà cho năm sau.
Ngoài kỳ vọng thông tin tích cực từ cuộc họp của Fed, giới đầu tư kỳ vọng bước sang năm 2023, thanh khoản thị trường chứng khoán cũng sẽ được cải thiện đáng kể nhờ room tín dụng mới. Do đó, khả năng nhà đầu tư cá nhân sẽ tham gia mạnh mẽ hơn từ nửa sau tháng 12.
Nhóm cổ phiếu kỳ vọng tăng tốc
Bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán VNDirect cho rằng, nhìn xa hơn cho cả năm 2023, nền kinh tế cũng như thị trường chứng khoán sẽ có hai nửa diễn biến tương đối khác nhau.
Trong những tháng đầu năm, thị trường tăng phần lớn do định giá các tài sản đã quá hấp dẫn, song đà tăng khá mong manh và không ổn định trong bối cảnh thanh khoản thấp, áp lực lãi suất, tỷ giá và bài kiểm tra năng lực thanh toán cho trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn vẫn còn đó. Tuy nhiên, từ giữa năm 2023, kỳ vọng đà tăng sẽ bền vững hơn nhờ nhiều yếu tố.
VNDirect không kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất trong năm 2023, thay vào đó sớm nhất rơi vào quý I/2024, khi các ngân hàng trung ương trở nên “bớt diều hâu” sẽ kích hoạt một đợt định giá lại tài sản mới. Thị trường chứng khoán, đặc biệt là các thị trường chứng khoán mới nổi, sẽ phản ánh câu chuyện giảm lãi suất từ cách đó 4 - 6 tháng.
Ngoài ra, tăng trưởng lợi nhuận ròng toàn thị trường sẽ khởi sắc hơn trong nửa cuối năm 2023 nhờ yếu tố lãi suất giảm, VND mạnh lên, giá nguyên vật liệu đầu vào giảm và việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ tạo thêm động lực. Đà tăng trưởng lợi nhuận ròng của các doanh nghiệp tích cực sẽ là tín hiệu tốt cho sự phục hồi của thị trường chứng khoán.
Đây là thời điểm thích hợp để nhà đầu tư tích luỹ các cổ phiếu thuộc nhóm ngành có câu chuyện tăng trưởng trong thời gian tới.
Theo VNDirect, lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết dự kiến sẽ tăng 14% trong năm 2023 so với mức 17% dự báo của cả năm 2022. Trong đó, ngành hàng không sẽ có mức tăng trưởng lợi nhuận ròng nổi bật nhờ sự phục hồi gần như hoàn toàn của các chuyến bay quốc tế; ngành vật liệu xây dựng sẽ có mức tăng trưởng lợi nhuận đáng kể nhờ giá nguyên liệu đầu vào (than, quặng sắt) giảm. Ngược lại, nhóm ngành dầu khí và hóa chất có thể suy giảm tốc độ tăng trưởng lợi nhuận ròng trong năm 2023 từ mức nền cao trong năm 2022.
“Định giá thị trường ở thời điểm hiện tại đang ở mức hấp dẫn với P/E khoảng 11,3 lần, tương đương vùng đáy các giai đoạn khủng hoảng trong quá khứ. Cùng với đó, VN-Index lấy lại được xu hướng tăng giá trong cả ngắn và trung hạn trên đồ thị kỹ thuật. Vì vậy, tôi cho rằng, đây là thời điểm thích hợp để nhà đầu tư tích luỹ các cổ phiếu thuộc nhóm ngành có câu chuyện tăng trưởng trong thời gian tới”, bà Hiền nêu quan điểm.
Còn theo Công ty Chứng khoán Agribank (AGR), một số nhóm ngành nhà đầu tư nên ưu tiên lựa chọn trong giai đoạn từ nay đến cuối năm như nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ đầu tư công (kỳ vọng được đẩy mạnh để tạo động lực tăng trưởng kinh tế năm 2023); nhóm bán lẻ, dịch vụ với kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận quý IV/2022 mạnh mẽ trên mức nền thấp cùng kỳ, đồng thời mùa lễ Tết năm nay tới sớm có thể kích thích nhu cầu tiêu dùng của người dân; nhóm phân bón khi bước vào vụ cao điểm Đông Xuân sắp tới; nhóm cổ phiếu ngân hàng, trong đó ưu tiên vào các ngân hàng quốc doanh do tỷ trọng vốn hóa lớn trong rổ chỉ số và mặt bằng định giá đã về vùng hấp dẫn. Bên cạnh đó, thông tin Ngân hàng Nhà nước tăng chỉ tiêu tín dụng thêm 1,5 - 2% cho toàn hệ thống các tổ chức tín dụng sẽ hỗ trợ nhóm này trong thời gian tới.
Thực tế, dòng tiền vẫn sẽ là yếu tố quan trọng nhất để giúp các doanh nghiệp và nhà đầu tư vượt qua khó khăn hiện nay. Các cơ hội đầu tư trong năm 2023 cũng xuất phát từ yếu tố như doanh nghiệp nào có dòng tiền tốt, cơ cấu tài chính an toàn, hay các cổ phiếu có P/B thấp với giá trị tài sản chất lượng.
Dưới góc nhìn của ông Phạm Tiến Dũng, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), một số nhóm cổ phiếu đáng quan tâm như nhóm sản xuất hưởng lợi từ chi phí đầu vào, thị trường tiêu thụ ổn định và tình hình tài chính tốt, với những đại diện như VNM, BMP, SAB; nhóm cổ phiếu bán lẻ, phân phối, hàng tiêu dùng dù chịu áp lực từ gia tăng chi phí vốn lưu động nhưng được hỗ trợ từ thị trường nội địa tốt như MWG, PNJ, DGW, MSN; các ngành miễn nhiễm với lạm phát như điện, nước: GEG, BWE, PC1.
Ngành hạ tầng và vật liệu xây dựng được hưởng lợi từ câu chuyện đầu tư công và ngành công nghệ thông tin với tiềm năng tăng trưởng doanh thu đi cùng với tăng trưởng lợi nhuận, nổi bật là FPT, CMG.