Thời điểm cuối năm 2021, hầu hết công ty chứng khoán đều dự báo VN-Index sẽ đạt 1.600 đến gần 1.900 điểm vào cuối năm 2022, nhưng thực tế hiện nay, chỉ số đã tụt xuống 960,57 điểm (kết phiên chiều 21/11). Ông bình luận ra sao về điều này?
Những dự báo công ty chứng khoán đưa ra thường dựa trên thông tin hiện có, nhưng vừa qua thị trường xảy ra hàng loạt thông tin xấu bất ngờ như siết tín dụng, tăng lãi suất, bắt một số lãnh đạo doanh nghiệp niêm yết...
Khi thị trường có diễn biến xấu, nhà đầu tư quá hoảng loạn, họ không hiểu điều gì đang xảy ra nhưng vẫn bán tháo cổ phiếu làm cho tình hình càng thêm tiêu cực.
Đây là những yếu tố rủi ro hệ thống, là yếu tố mới không thể dự báo được và công ty chứng khoán cũng không thể có phương án dự phòng giảm thiểu rủi ro. Trên thực tế, chỉ có thể dự phòng giảm thiểu rủi ro phi hệ thống.
Phiên giao dịch ngày 16/11 vừa qua, chỉ số VN-Index đã có lúc thủng mốc 900 điểm, rớt xuống hơn 873 điểm, nhưng đến nay đã hồi gần 100 điểm, theo ông lý do là gì?
Thị trường hiện nay đang rơi vào vùng rất khó đoán định, tuy nhiên tôi nghĩ vừa rồi chỉ số hồi lại có thể do thông tin Thủ tướng thành lập tổ công tác để gỡ vướng cho các dự án bất động sản.
Ngoài ra, hiện nay cũng có nguồn tin cho rằng Phó thủ tướng sẽ thành lập một tổ công tác "giải cứu" thị trường trái phiếu doanh nghiệp... Có thể đây là những tin tốt làm tình trạng hoảng loạn trên thị trường giảm bớt.
Sau những đợt giảm điểm vừa rồi, hàng loạt cổ phiếu bị rớt giá mạnh, khiến nhiều nhà đầu tư thua lỗ nặng nề mà đa phần là những người kiên định "ôm" cổ phiếu không chịu cắt lỗ trước đó. Theo ông khi đã thua lỗ tới 70-80% thì có nên cắt lỗ nữa không?
Khi thị trường diễn biến tiêu cực, dù muốn hay không, nhà đầu tư cũng phải hạ tỷ lệ margin, tốt nhất hạ margin về 0 để tránh thiệt hại kép.
Ông Trương Quang Bình
Những ai không tuân thủ nguyên tắc cắt lỗ thì bây giờ đã hơi xa điểm cắt lỗ hợp lý rồi nên khuyến nghị ngưỡng cắt lỗ không còn ý nghĩa nữa. Nhất là những người ôm cổ phiếu đầu cơ thì chắc không còn "sống sót" đến bây giờ vì đã trải qua nhiều đợt bán giải chấp, nếu có ai còn giữ thì chắc họ không sử dụng margin hoặc mới bắt đáy gần đây.
Theo tôi, dù muốn hay không thì trước tiên phải hạ tỷ lệ margin đã, tốt nhất hạ margin về 0 để tránh thiệt hại kép.
Sau đó, tuỳ vị thế nhà đầu tư đang ở đâu để hành động tiếp. Hãy nhớ chúng ta mua cổ phiếu vì lý do gì thì cắt lỗ vì lý do đó.
Những mã đầu cơ vốn chỉ để lướt sóng mà nay bị "kẹp hàng" vì thua lỗ, nhà đầu tư cần dựa vào triển vọng kinh doanh và dòng tiền của doanh nghiệp để cân nhắc có nên cắt lỗ hay không.
Ông Trương Quang Bình, Phó giám đốc phân tích nghiên cứu, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam |
Còn những cổ phiếu tốt nhưng đang bị "vạ lây" do thị trường xấu thì mình có thể cân nhắc. Theo kinh nghiệm của tôi, khi nhìn lại lịch sử thì cứ 3-5 năm lại xuất hiện một lần thị trường giảm điểm thế này. Trong bối cảnh đó, có những cổ phiếu sau mỗi lần sụt giảm 30-40% giá trị thì sau đó sẽ tăng lại gấp 3-4 lần. Ví dụ MBB năm 2020 giảm 30-50% sau đó hồi lại gấp 3; TCB hồi tháng 4 năm ngoái cũng giảm xuống 20.000 - 22.000 đồng/cổ phiếu, sau đó tăng lên 60.000 đồng/cổ phiếu...
Quan điểm của tôi là những mã đầu cơ cứ lỗ 7-8% là tôi bán dứt điểm, nhưng một số mã hiện đang lỗ 15-20% tôi vẫn không bán vì tin tưởng vào triển vọng của doanh nghiệp.
Ngoài ra, nhà đầu tư phải căn cứ vào tỷ trọng cổ phiếu/tiền mặt có hợp lý hay không để quyết định hành động. Ví dụ đang cầm cổ phiếu tốt, tỷ lệ cổ phiếu/tiền mặt nhỏ hơn 70/30, trong bối cảnh định giá P/E forward 2023 xoay quanh vùng 8 lần thì không có lý do gì để bán.
Ông vừa nói thị trường xấu làm xuất hiện những cổ phiếu tốt bị "vạ lây", theo ông làm thể nào để nhận biết những cổ phiếu này?
Khi thị trường quá xấu sẽ dẫn đến các đợt margin call do công ty chứng khoán bán giải chấp cổ phiếu để hạ tỷ lệ margin về ngưỡng an toàn. Trong trường hợp cổ phiếu xấu không bán được, họ sẽ bán giải chấp chéo cả những cổ phiếu tốt và làm cho những cổ phiếu tốt bị giảm giá hết sức vô lý.
Có ba đặc điểm nhà đầu tư có thể căn cứ vào đó để nhận biết cổ phiếu tốt đang bị giảm giá do ảnh hưởng tiêu cực của thị trường:
Một là: Cổ phiếu của những doanh nghiệp có tình trạng kinh doanh đang tốt. Ví dụ FPT, lợi nhuận trước thuế 10 tháng đầu năm 2022 tăng 28% nhưng giá thì đã giảm hơn 26% so với thị giá hồi giữa tháng 4/2022.
Hai là: Cổ phiếu của những doanh nghiệp đang có nhiều tiền mặt hoặc tiền mặt ròng (là chỉ tiêu "Tiền và tương đương tiền" cộng "Đầu tư tài chính ngắn hạn" trừ đi nợ ngắn hạn và nợ dài hạn). Ví dụ FPT hiện đang có lượng ròng tiền mặt lên tới 4.500 tỷ đồng, là một cổ phiếu nên chú ý.
Ba là: Cổ phiếu của những doanh nghiệp trong lĩnh vực phòng thủ kiểu điện, nước, xử lý chất thải... với nguyên lý dù kinh tế có khủng hoảng hay không thì ai cũng phải dùng điện, nước và những dịch vụ này.
Đơn cử như mã BWE của Công ty cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương, là doanh nghiệp cấp nước và thu gom rác thải. Dù cổ phiếu này về cơ bản không bị ảnh hưởng bởi lạm phát, tăng lãi suất..., nhưng do bị bán giải chấp chéo nên giá giảm về hơn 38.000 đồng/CP so với giá 60.000 đồng/CP cách đây nửa năm.
Hay như mã DHC của Công ty Đông Hải Bến Tre (Dohaco) đang rất tốt: Chỉ số sinh lời trên mỗi cổ phiếu (EPS) là 5.000-6.000 đồng, định giá P/E 2022, 2023 còn 4,2–4,3 lần, doanh nghiệp đang hoạt động hết công suất, năm 2021 chi trả cổ tức 2.500 đồng/cổ phiếu, dòng tiền dương (tỷ lệ chi trả lãi vay quý 3/2022 là 17 lần, 9 tháng đầu năm nay là 30 lần)..., nhưng giá cổ phiếu cũng giảm tới hơn 50% kể từ đầu năm.
Ba đặc điểm nhận dạng cổ phiếu tốt bị "vạ lây" do thị trường chung kém tích cực: Doanh nghiệp đang kinh doanh tốt; có lượng tiền mặt hoặc tiền mặt ròng dồi dào; thuộc lĩnh vực phòng thủ, ít chịu tác động của yếu tố bên ngoài.
Ông Trương Quang Bình, Chuyên gia chứng khoán
Sau khi nhận diện được những cổ phiếu tốt như vậy rồi, theo ông thời điểm này nhà đầu tư đã nên bắt đáy chưa?
Thứ nhất, nhà đầu tư nên giảm tỷ lệ đòn bẩy để giữ an toàn cho khoản đầu tư, sau đó tranh thủ những đợt hồi để giảm tỷ lệ cổ phiếu và vào lại khi thị trường vào xu hướng tăng.
Về nguyên tắc, trading thì mua khi xuất hiện đáy sau cao hơn đáy trước, đỉnh sau cao hơn đỉnh trước, nhưng thời điểm này rất khó nhận biết khi nào là đáy mà chỉ biết nó tăng vượt qua đỉnh trước đó thì xác định điểm mua tại chỗ đó.
Nói chung thời điểm này lướt sóng thì vẫn còn rủi ro nhưng đầu tư dài hạn với chu kỳ một năm trở lên thì cũng hợp lý để bắt đầu mua túc tắc được.
Ông nhận định thị trường chứng khoán đang ở trạng thái nào? Theo ông nhà quản lý cần có giải pháp gì để cứu thị trường?
Giai đoạn này thị trường đã bị rơi vào trạng thái tiêu cực quá bán một cách vô lý. Tín dụng bị siết quá chặt, cũng phần nào ảnh hưởng tới cả những doanh nghiệp làm ăn chân chính khó phát hành trái phiếu, hay hàng loạt vụ bắt lãnh đạo doanh nghiệp niêm yết...
Bên cạnh đó, diễn biến thị trường chứng khoán quá xấu khiến các doanh nghiệp hầu như đều tạm dừng các phương án phát hành thêm. Song song đó, các đợt margin call khiến thị trường đã xấu càng thêm tiêu cực.
Để cứu thị trường, theo tôi nhà quản lý trước tiên phải có biện pháp ổn định tâm lý thị trường, cần nhiều hơn nữa những hành động của cơ quan quản lý để trấn an tâm lý nhà đầu tư. Tiếp theo, phải có biện pháp thiết thực, cụ thể.
Hiện nay, có thông tin Chính phủ đang rốt ráo có biện pháp tháo gỡ khó khăn của thị trường. Một số ý kiến đề xuất về việc nới thêm room tín dụng 2%; xin sử dụng nguồn 300.000 tỷ đồng tiền gửi tại 4 ngân hàng quốc doanh để giải ngân cho các doanh nghiệp phát hành trái phiếu để thanh toán kỳ hạn ngắn; Thành lập quỹ bình ổn 500.000 tỷ đồng để bảo lãnh trái phiếu; Sửa đổi Nghị định 65 để cho phép gia hạn trái phiếu, cho phép ngân hàng được mua lại, bảo lãnh hoặc tái bảo lãnh trái phiếu doanh nghiệp; Đề xuất tuyệt đối không hình sự hóa các vấn đề về trái phiếu để đảm bảo tài sản dân sự sẽ dễ dàng thanh khoản, xử lý...
Tôi cho rằng nếu những đề xuất này được cơ quan quản lý xem xét, cho triển khai thì thị trường sẽ được cải thiện.