Theo Báo cáo trên, năm 2015, tăng trưởng kinh tế phục hồi nhanh và liên tục qua các quý, đồng thời cho thấy dư địa để tiếp tục khởi sắc. Tăng trưởng kinh tế đi kèm với cải thiện niềm tin. DN, nhà đầu tư trong và ngoài nước lạc quan hơn vào môi trường kinh doanh ở Việt Nam. Tuy nhiên, báo cáo cũng cho thấy, nền kinh tế chưa thực sự thoát khỏi suy giảm do động lực tăng trưởng chưa đủ.
Theo ông Nguyễn Anh Dương, Phó trưởng Ban Chính sách kinh tế vĩ mô, đồ thị tăng trưởng vẫn đi lên, nhưng độ dốc nhỏ cho thấy, tăng trưởng chưa vượt nhiều so với xu thế dài hạn.
“Tăng trưởng chưa làm tăng lạm phát. Tăng trưởng của ngành nông-lâm-ngư nghiệp thiếu ổn định. Tổng cầu có tăng nhưng không tăng nhanh. Xuất khẩu năm 2015 có tăng hơn so 2014, nhưng không đạt mục tiêu đề ra và tốc độ tăng trưởng xuất khẩu đang giảm dần. Xuất khẩu đang đứng trước những lo ngại khi vẫn quá phụ thuộc vào dầu thô và bị thiệt hại vì giá dầu”, ông Dương cho biết.
Bên cạnh đó, tình hình tài khóa năm 2015 cũng căng thẳng hơn. Tiến độ thu ngân sách trong năm rất chậm. Cả năm tuy thu vượt dự toán, nhưng mức vượt rất nhỏ.
“Tình hình thu ngân sách chậm khiến việc tìm nguồn chi cho đầu tư phát triển rơi vào trạng thái luẩn quẩn, trong khi đó bội chi ngân sách tiếp tục gia tăng, áp lực nợ công đã gần chạm trần. Ngân sách 2015 căng thẳng còn do thiếu kiểm soát trong tiết kiệm chi. Điều này cho thấy, nền kinh tế chưa đủ động lực để bứt phá, vượt qua sự suy giảm”, ông Dương phân tích.
Đồng quan điểm, ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại cho rằng, động lực cho tăng trưởng năm 2015 chủ yếu là từ DN FDI chứ không phải DN tư nhân. Do đó, động lực này không mang tính bền vững. Bên cạnh đó, lãi suất cho vay vẫn cao và xu hướng tăng lãi suất thực ra vẫn mạnh. Ngoài ra, DN Nhà nước tuy giảm về số lượng, nhưng tỷ lệ sở hữu vốn vẫn rất lớn, nên chèn vào khu vực DN tư nhân. Khu vực DN trong nước đang yếu đi, theo ông Tuyển, đó là điều rất đáng lo ngại.
Đứng ở góc độ tổng thể, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cho rằng, những năm gần đây nhìn bề ngoài các chỉ số, chỉ tiêu tốt lên, nhưng nhìn sâu hơn thì thấy động lực tăng trưởng vẫn chưa thay đổi, tiềm năng đã tận khai, gần tới trần, trong khi yêu cầu cần tăng trưởng cao hơn. Lạm phát tuy có được kiểm soát và cải thiện, nhưng nhìn chung vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại.
“Nhìn tổng thể các chỉ tiêu như thu chi ngân sách, cách thức quản lý, nợ cộng, bội chi, cách bù đắp nợ, tỷ giá, năng lực cạnh tranh, ta thấy rất lúng túng, luẩn quẩn. Chỉ cần có một tác động bên ngoài để nâng cao năng lực cạnh tranh, thì tỷ giá phải điều chỉnh, nhưng nếu điều chỉnh thì trả nợ phải tăng lên, lại xoay vào ngân sách, ngân sách đã yếu sẽ có khả năng yếu thêm, xâu chuỗi lại rõ ràng là có vấn đề”, ông Cung nhận xét.
Tuy nhiên, ông Cung cho biết, một điểm rất đáng ghi nhận trong năm qua là chúng ta đã dám thừa nhận yếu kém về nhận thức, về những điểm chưa rõ ràng, đặc biệt là về vai trò của Nhà nước, kinh tế Nhà nước, vai trò kinh tế tư nhân, quản lý giá… Đây là những bước tiến rất đáng ghi nhận trong nhận thức về vai trò kinh tế thị trường, là điểm nhấn quan trọng trong mục tiêu cải cách thế chế. Sự tiến bộ này rất cần được tiếp tục đẩy mạnh thành công tác trọng tâm trong tiến trình cải cách thể chế trong năm nay và những năm tiếp theo.
Cụ thể, theo ông Cung, trong năm 2016 và giai đoạn tiếp theo, cần tập trung giải quyết các “nút thắt” cơ bản của nền kinh tế thị trường để tạo đà cho nền kinh tế đi theo định hướng phát triển lành mạnh và bền vững, trên nền tảng cạnh tranh bình đẳng, trao quyền tự do kinh doanh cho DN và người dân.
“Các ‘nút thắt’ cần giải quyết bao gồm: hoàn thành chuyển đổi sở hữu công sang thừa nhận sở hữu tư dựa trên việc xác lập quyền tài sản, đặc biệt là với đất đai. Đồng thời, tiếp cận và phân bổ các nguồn lực để thiết lập thị trường đầy đủ. Để thực hiện được điều này, cần kiên quyết cải cách tư pháp, đặc biệt quyền sở hữu, quyền tài sản. Cùng với đó là tạo thị trường cạnh tranh lành mạnh và bình đẳng thông qua việc tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh. Đây là những công việc trọng tâm dứt khoát phải làm bằng được trong nhiệm kỳ 2016-2020”, ông Cung nói.