Chính phủ các quốc gia Đông Nam Á đang đẩy mạnh chi tiêu vào lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, từ sân bay tới đường sắt tốc độ cao, cảng biển… nhằm tạo sự kết nối giao thông vận tải và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Một trong những kế hoạch tham vọng nhất tại Đông Nam Á là việc Tổng thống Philipines Rodrigo Duterte công bố con số 180 tỷ USD dành cho xây dựng cơ sở hạ tầng để giữ động lực cho nền kinh tế đang có tốc độ tăng trưởng hàng đầu thế giới trong vài năm qua.
Bên cạnh đó, Malaysia và Thái Lan đều nhấn mạnh tới yếu tố đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để thu hút sự chú ý của cử tri trong cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào năm 2018.
Với diễn biến này, UBS Group AG dự báo: “Những thay đổi chính sách của nhiều quốc gia Đông Nam Á tập trung vào xây dựng cơ sở hạ tầng” sẽ trở thành một trong những xu hướng lớn nhất trong khu vực năm 2018.
“Cơ sở hạ tầng đang đón nhận dòng tiền đầu tư lớn, từ hệ thống nước sạch, lọc không khí, năng lượng, đường xá, bến cảng, nhà ga cho tới cơ sở giáo dục, chăm sóc sức khỏe… Hạ tầng hiện diện tại mọi lĩnh vực và vì vậy nó mang lại hàng tỷ cơ hội”, Ashish Goyal, người đứng đầu bộ phận chứng khoán tại các thị trường mới nổi của NN Investment Partners Ltd, hiện đang quản lý khối tài sản 288 tỷ USD cho biết.
Hãng này hiện đang sở hữu cổ phiếu của các công ty xây dựng tại Indonesia và trong thời gian tới sẽ mở rộng hơn nữa việc mua cổ phiếu nhóm ngành xây dựng tại các quốc gia khác.
Cổ phiếu nhóm ngành xây dựng thuộc chỉ số MSCI Asean đã tăng trung bình khoảng 7,4% trong năm 2017 tính theo đồng USD, tương đương khoảng 1/3 đà tăng chung của chỉ số vốn cũng đang có màn biểu diễn vượt trội nhất trong 7 năm qua.
Với diễn biến thuận lợi và triển vọng ngành tích cực, một số công ty nhóm ngành xây dựng hiện đã tận hưởng đà tăng của giá cổ phiếu. Trong đó, doanh nghiệp cung cấp xi măng Indonesia PT Indocement Tunggal Prakarsa chứng kiến giá cổ phiếu tăng khoảng 54% trong năm nay, khi nhà đầu tư kỳ vọng doanh nghiệp được hưởng lợi từ nhu cầu xây dựng gia tăng. Trong khi đó, giá cổ phiếu EEI Corp tăng 73%, dẫn đầu đà tăng trong số cổ phiếu ngành xây dựng tại Philippines.
Theo báo cáo của Goldman Sachs Group Inc công bố đầu tháng 12, việc lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển và dòng tiền đầu tư từ Trung Quốc chảy mạnh vào Philippines có thể giúp giá trị cổ phiếu của các doanh nghiệp xây dựng tại quốc gia này tăng khoảng 12% trong 3 năm tới.
Bên cạnh đó, các công ty cung cấp dịch vụ phục vụ các dự án xây dựng, như cải thiện hiệu quả quản trị hoặc phát triển bền vững, cũng sẽ nhân cơ hội nhận được dòng vốn đầu tư, đặc biệt là đầu tư công, Felix Lam, giám đốc quản lý danh mục tại BNP Paribas SA cho biết.
Mặc dù có tiềm năng tăng trưởng tốt, những màn biểu diễn của cổ phiếu nhóm xây dựng nói riêng và thị trường chứng khoán nói chung của các quốc gia Đông Nam Á nhiều khả năng sẽ tiếp tục ở dưới mức kỳ vọng, so với các thị trường lớn hơn, có tính thanh khoản cao và tăng trưởng cao hơn tại Bắc Á và Ấn Độ, báo cáo của Goldman Sachs Group nhận định. Chưa kể, Credit Suisse Group AG duy trì mức đánh giá dưới khả năng dành cho khu vực Đông Nam Á trong năm 2018.
Tuy nhiên, Morgan Stanley vẫn nhận định, Đông Nam Á tiếp tục là tâm điểm thu hút giới đầu tư với mức lợi nhuận mang lại vào khoảng 10% trong năm tới, cao hơn gấp 3 lần so với các thị trường mới nổi khác.