Theo ước tính trung bình của các chuyên gia kinh tế do Bloomberg khảo sát, đầu tư vào tài sản cố định của Trung Quốc thuộc lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng sẽ tăng trưởng 12% trong năm 2018, giảm so với mức gần 20% trong 10 tháng năm 2017.
Quan điểm cho rằng lĩnh vực xây dựng của Đại lục sẽ bắt đầu đi xuống trong năm tới của các nhà kinh tế học đồng nhất với nhận định trong báo cáo được thực hiện bởi
Morgan Stanley, Goldman Sachs Group Inc và UBS Group AG.
Theo các chuyên gia kinh tế, nguyên nhân chính khiến ngành xây dựng hạ nhiệt là bởi giới chức Trung Quốc đang thể hiện quyết tâm định hình lại các thị trường tài chính, trong đó tập trung vào việc quản lý nợ. Điều này chặn nguồn tiền đầu tư, cũng như gây khó khăn cho việc huy động vốn phục vụ các dự án. Chưa kể, nợ cũng đang là vấn đề đau đầu của nhiều doanh nghiệp xây dựng tại Trung Quốc hiện nay.
Trong một động thái hiếm khi xảy ra, Trung Quốc đã ra lệnh ngừng các dự án tàu điện ngầm tại một số thành phố và đồng thời công bố việc giám sát, thanh tra kỹ càng hơn các dự án theo mô hình hợp tác công - tư (PPP), hiện đang là phương thức chủ yếu thực hiện các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng.
Thậm chí, theo ước tính của Oxford Economics, diễn biến hạ nhiệt thị trường xây dựng có thể đe dọa tới tăng trưởng chi tiêu vốn trên toàn cầu, bởi Trung Quốc chiếm tới 1/5 tổng các khoản đầu tư trên thế giới.
“Trung Quốc đang nỗ lực giảm sử dụng đòn bẩy tài chính, thu nhỏ các lĩnh vực tăng trưởng nóng, kiểm soát ô nhiễm và kiềm chế đà tăng của giá đất. Do đó, chúng tôi tin rằng, đầu tư vào bất động sản và xây dựng sẽ giảm nhiệt, góp phần vào đà đi xuống của tăng trưởng kinh tế”, Robin Xing, nhà kinh tế trưởng tại Morgan Stanley Asia Ltd cho biết.
Bên cạnh đó, Xing dự báo, lĩnh vực xây dựng giảm tốc sẽ tác động tới nhu cầu hàng hóa, cũng như vấn đề tiêu dùng và việc làm, tạo thêm trở ngại cho chiến lược hướng nền kinh tế dựa vào lĩnh vực dịch vụ. Morgan Stanley dự báo, tăng trưởng đầu tư cơ sở hạ tầng của Đại lục sẽ vào khoảng 13% năm 2018 và 12% năm 2019.
Dù giảm tốc lĩnh vực xây dựng có thể tạo sức ép lên tăng trưởng kinh tế chung, nhưng nó là bước cần thiết trong quá trình chuyển đổi sang cơ chế tăng trưởng cân bằng hơn đối với Trung Quốc. Cơn sốt xây dựng, xuất phát từ quá trình đô thị hóa, góp phần không nhỏ khiến khối lượng nợ của Đại lục tăng lên mức đáng ngại, tương đương 259% GDP vào cuối năm 2016. Chưa kể, các nhà kinh tế học như Fielding Chen và Tom Orlik dự báo, các khoản nợ có thể đạt 327% GDP vào cuối năm 2022, cao gấp đôi mức năm 2008.
Từ đầu năm cho tới cuối tháng 10/2017, Trung Quốc đã dành 11,3 nghìn tỷ nhân dân tệ (1,7 nghìn tỷ USD) vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng, gần tương đương con số của cả năm 2016. Quá trình xây dựng được đẩy mạnh đến vậy là nhờ các dự án PPP sinh sôi nảy nở. Trước tình trạng này, trong tháng 11, Bộ trưởng Bộ Tài chính Trung Quốc đã ra lệnh cấm các chính quyền địa phương đảm bảo lợi nhuận cho các nhà đầu tư cá nhân thuộc dự án PPP, hoặc hỗ trợ các khoản vay cho các chủ đẩu tư. Đồng thời, giới chức quản lý đưa quy định ngăn các doanh nghiệp nhà nước tham gia vào các dự án cơ sở hạ tầng theo kiểu hợp tác công tư.
“Sự thay đổi thái độ của chính phủ với các dự án PPP chắc chắn là điều không tốt cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng năm 2018. Việc lĩnh vực xây dựng đi xuống với tốc độ nhanh chóng là dễ dự đoán trong năm tới”, Yao Wei, nhà kinh tế trưởng Trung Quốc tại Societe Generale SA cho biết.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com