Cổ phiếu “vua” và hiệu ứng niêm yết, chuyển sàn

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Giá cổ phiếu ngân hàng liên tục tăng trong thời gian qua và dự báo chưa chấm dứt chuỗi đi lên cho đến hết năm 2020 khi làn sóng chuyển sàn, niêm yết mới được đẩy mạnh, cùng kết quả kinh doanh tích cực.

LienVietPostBank là một trong 2 cổ phiếu ngân hàng vừa chuyển đăng ký giao dịch từ UPCoM lên niêm yết trên HOSE. LienVietPostBank là một trong 2 cổ phiếu ngân hàng vừa chuyển đăng ký giao dịch từ UPCoM lên niêm yết trên HOSE.

Giá cổ phiếu tăng theo sóng chuyển sàn

Làn sóng chuyển sàn, niêm yết mới của các ngân hàng gần đây đã tác động tích cực lên nhóm cổ phiếu “vua”.

Chẳng hạn, trước thông tin ACB chuyển niêm yết từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) sang Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE), giá cổ phiếu này đã có chuỗi tăng mạnh. Chốt phiên 23/11, cổ phiếu ACB đạt 27.300 đồng/cổ phiếu, ghi nhận mức kỷ lục mới trên đỉnh cũ 26.500 đồng/cổ phiếu xác lập tháng 4/2018. So với đầu năm, cổ phiếu ACB đã tăng 50% và cao hơn 93% so với đáy cuối tháng 3/2020. Hiện HOSE đã nhận hồ sơ niêm yết của ACB.

Theo ông Trần Hùng Huy, Chủ tịch Hội đồng quản trị ACB, Chính phủ đã phê duyệt đề án thành lập Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam, dự kiến thị trường cổ phiếu sẽ chuyển về sàn HOSE quản lý, sàn HNX sẽ quản lý thị trường trái phiếu và tạo dựng thị trường chứng khoán phái sinh. Vì vậy, ACB chuyển đăng ký niêm yết cổ phiếu từ HNX sang HOSE năm nay. Bên cạnh đó, khi chuyển sang HOSE, cổ phiếu ACB có thể lọt vào các rổ chỉ số như VN30 (tỷ trọng 4%), VNDiamond (10%), VNFIN Select (12%), VNFIN Lead (12%)…, từ đó tăng giá trị thị trường cho cổ phiếu.

Tương tự, cổ phiếu LPB (LienVietPostBank) và VIB vừa chuyển niêm yết từ UPCoM lên HOSE, đã tăng trên dưới 20% trong 2 tuần đầu chào sàn HOSE.

Ông Phạm Doãn Sơn, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị LienVietPostBank cho rằng, việc niêm yết cổ phiếu LPB trên HOSE sẽ góp phần nâng tầm thương hiệu và giá trị của Ngân hàng đối với các nhà đầu tư, đồng thời giúp nâng cao thanh khoản của cổ phiếu, qua đó xác định đúng giá trị của cổ phiếu, giúp LienVietPostBank nâng cao năng lực tài chính để tạo ra sự đột phá trong kinh doanh.

Tương tự, hồ sơ niêm yết của OCB và MSB đã được HOSE tiếp nhận, dự kiến sẽ lên sàn cuối năm nay. Theo lãnh đạo MSB, niêm yết cổ phiếu trên HOSE là mục tiêu quan trọng tiếp theo góp phần giúp Ngân hàng nâng cao vị thế trên thị trường, bảo đảm quyền lợi tối đa của cổ đông, đối tác, khách hàng và cán bộ, nhân viên.

Theo Công ty Chứng khoán BSC, làn sóng chuyển sàn giúp đánh giá lại giá trị cổ phiếu. Việc chuyển sang sàn HOSE từ HNX và UPCoM sẽ giúp các cổ phiếu có mức định giá cao hơn do minh bạch hơn về thông tin và thanh khoản cao.

Tương tự, theo Công ty Chứng khoán SSI, thông tin xung quanh việc chuyển sàn từ UPCoM, HNX sang HOSE giúp cổ phiếu của nhiều ngân hàng tăng trưởng vượt thị trường kể từ đầu năm nay. Trong đó, các cổ phiếu mới lên sàn như NAB, BVB, VBB, KLB đã tăng mạnh trên thị trường UPCoM trong quý III/2020.

Tiền chảy vào cổ phiếu ngân hàng

Ông Lê Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Đầu tư, Dragon Capital cho rằng, niêm yết cổ phiếu trong thời điểm hiện nay sẽ giúp các ngân hàng khẳng định giá trị của mình, đồng thời tiếp cận và thu hút được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, nâng cao vị thế thương hiệu. Trong khi đó, việc các ngân hàng liên tục lên sàn sẽ tạo nên thông tin tích cực cho nhà đầu tư đang nắm giữ nhóm cổ phiếu này.

Về triển vọng kinh doanh của các nhà băng, ông Tuấn đánh giá, hoạt động của ngành ngân hàng đang dần tăng trưởng và nợ xấu không đáng lo ngại.

Thực tế, dù cũng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, nhưng kết quả kinh doanh của các ngân hàng duy trì mức tăng trưởng khá tốt.

Cụ thể, 9 tháng đầu năm nay, ACB đã thu về 6.411 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế so với mục tiêu cả năm 7.636 tỷ đồng. Đáng chú ý, ngày 18/11/2020, ACB ký hợp đồng độc quyền 15 năm phân phối bảo hiểm với Sun Life Việt Nam.

Trước đó, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, ACB sở hữu nhiều lợi thế cạnh tranh cho đối tác bảo hiểm để đảm bảo đạt được một thỏa thuận bancassurance độc quyền với những điều khoản có lợi cho ngân hàng này.

ACB đứng ở vị trí thứ 5 trong Top nhà phân phối bancassurance Việt Nam đến cuối năm 2019 dù chưa có thỏa thuận độc quyền nào. Với cơ sở khách hàng hiện tại, BVSC ước tính upfront fee (phí trả trước) của ACB có thể hơn 90 triệu USD.

Còn theo các chuyên gia phân tích của SSI Research, lợi nhuận sau thuế của ACB năm 2020 và 2021 có thể đạt 8.200 tỷ đồng (cao hơn mục tiêu là 7.636 tỷ đồng) và 9.500 tỷ đồng, lần lượt tăng 9,2% và 15,5% so với năm liền trước (chưa bao gồm khoản phí trả trước của thỏa thuận độc quyền bancassurance).

Trong khi đó, kết thúc tháng 10 /2020, lợi nhuận trước thuế của VIB đạt 4.570 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ năm trước, hoàn thành 100% kế hoạch cả năm 2020. Doanh thu thuần ngoài lãi đạt hơn 2.160 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 24% tổng doanh thu.

Tỷ lệ nợ xấu VIB là 1,6%, tỷ lệ an toàn vốn Basel II trên 9,5%, cao hơn so với mức tối thiểu 8% do Ngân hàng Nhà nước quy định. ROE bình quân đạt 29%, thuộc nhóm cao nhất ngành.

Còn LienVietPostBank cho biết, đến hết quý III/2020, lợi nhuận trước thuế lũy kế của Ngân hàng đã vượt kế hoạch cả năm 2020 khi đạt hơn 1.740 tỷ đồng.

Dự báo quý cuối năm, nền kinh tế tiếp tục phục hồi, nhu cầu vay kinh doanh, vay tiêu dùng sẽ tăng mạnh trở lại, Ban Lãnh đạo LienVietPostBank tin tưởng, lợi nhuận trước thuế năm 2020 sẽ vượt kết quả năm 2019 và đạt mức cao nhất trong 12 năm hoạt động.

Chuyên gia tài chính Huỳnh Bửu Sơn cho rằng, việc niêm yết cổ phiếu trong thời điểm hiện nay sẽ giúp các ngân hàng khẳng định giá trị của mình, đồng thời tiếp cận, thu hút được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, nâng cao vị thế thương hiệu.

Thực tế, nhóm cổ phiếu ngân hàng thời gian qua chính là tâm điểm thu hút dòng tiền và là nhóm có thanh khoản cao nhất trên sàn chứng khoán.

Cụ thể, trong gần 2 tháng qua, cổ phiếu ACB liên tục có những phiên thanh khoản lên tới trên dưới 20 triệu đơn vị.

Còn theo dữ liệu của HNX, trong 10 phiên giao dịch cuối tháng 10, đầu tháng 11 (30/10 - 10/11) có tổng cộng gần 103,2 triệu cổ phiếu KLB được các nhà đầu tư trao tay, tương đương giá trị lên trên 1.400 tỷ đồng.

Đây hoàn toàn là giao dịch của các nhà đầu tư trong nước, đồng thời là mức giao dịch cao nhất kể từ khi cổ phiếu KLB lên giao dịch trên thị trường UPCoM đến nay.

Trong khi đó, tại MSB, trước khi lên sàn cổ đông lớn đã tranh thủ mua vào. Cụ thể, trong thời gian cuối tháng 10 và đầu tháng 11/2020, TNS Holding đã mua vào 54 triệu cổ phần MSB với tổng giá trị gần 1.046 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, bà Nguyễn Hương Loan, Phó tổng giám đốc bán thành công toàn bộ 195.993 cổ phiếu MSB theo phương thức thỏa thuận từ ngày 11 - 16/11.

Trong khi đó, thời gian qua, Quỹ Vietnam Holding đã gia tăng tỷ trọng nắm giữ cổ phiếu ngân hàng, với nhận định đây là nhóm đang có giá hấp dẫn và tiềm năng tăng trưởng mạnh.

Theo đó, CTG (VietinBank) được gia tăng tỷ trọng từ 4,6% lên 6,4%; MBB xuất hiện trong nhóm các khoản đầu tư lớn nhất của Quỹ, chiếm tỷ trọng 3,8%.

Ông Craig Martin, Giám đốc danh mục đầu tư Vietnam Holding, Chủ tịch Dynam Capital (đơn vị chủ quản của Vietnam Holding) trả lời phỏng vấn Proactive cho rằng, ngành ngân hàng nổi bật tại Việt Nam, không giống với tình hình tại nhiều quốc gia phát triển khác.

“Ngành ngân hàng Việt Nam chịu sự quản lý gắt gao và phải áp dụng các tiêu chuẩn tốt nhất. Điều này thúc đẩy các nhà băng duy trì bảng cân đối khỏe mạnh hơn và có khả năng phục hồi hoạt động tốt hơn… Chúng tôi tin rằng, năm 2021 sẽ chứng kiến sự trở lại của các ngân hàng khi nền kinh tế phục hồi, với mức tăng trưởng GDP dự báo từ 7 - 8%”, ông Craig Martin cho biết.

Rõ ràng, hiệu ứng chuyển sàn, niêm yết mới, triển vọng kinh doanh tích cực đã giúp nhóm cổ phiếu ngân hàng hàng trở lại với vị thế cổ phiếu “vua” một thời trong mắt các nhà đầu tư.

Thùy Vinh
Đặc san Doanh nghiệp niêm yết 2020

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục