Cái lý riêng của “cổ phiếu vua“

(ĐTCK) Trong bối cảnh các cổ phiếu của nhóm ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch Covid-19 như hàng không, dệt may, thuỷ sản, dịch vụ du lịch - khách sạn… đồng loạt giảm mạnh, thì nhóm cổ phiếu ngân hàng có diễn biến tích cực và là bệ đỡ chính giúp thị trường không giảm sâu. 
Cổ phiếu SHB trở thành hiện tượng của thị trường chứng khoán khi tăng 91% kể từ đầu năm đến nay. Cổ phiếu SHB trở thành hiện tượng của thị trường chứng khoán khi tăng 91% kể từ đầu năm đến nay.

Cổ phiếu ngân hàng lội ngược dòng

Diễn biến từ sau Tết Nguyên đán cho thấy, thị trường chứng khoán bị tác động mạnh bởi thông tin dịch Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc, đặc biệt là nhà đầu tư ngoại khi khối này ồ ạt bán ra cổ phiếu, cho dù đã mua ròng 603 tỷ đồng tính tới trước khi nghỉ Tết.

Việc bán ròng của khối ngoại là một trong những nguyên nhân khiến thị trường lao dốc.

Thống kê cho thấy, có 8/22 phiên thị trường biến động trên 1% và thanh khoản trung bình tăng hơn 30% so với thời điểm trước Tết.

Từ đầu năm đến hết tuần đầu tháng 3 (ngày 6/3), chỉ số VN-Index đứng tại mức 891 điểm, giảm gần 90 điểm, tương đương giảm gần 8%.

Nếu tính đến phiên giao dịch cuối cùng của tháng 2 (ngày 28/2), VN-Index còn giảm mạnh hơn, đạt gần 100 điểm, mức vốn hoá của thị trường mất đi gần 18 tỷ USD.

Đặc biệt, mức giảm trong tháng 2 vừa qua được ghi nhận là mạnh nhất của chỉ số VN-Index kể từ tháng 10/2018 tới nay (VN-Index giảm 10,06% trong tháng 10/2018).

Trong bối cảnh các cổ phiếu của nhóm ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch như hàng không, dệt may, thuỷ sản, dịch vụ du lịch, khách sạn… đồng loạt giảm mạnh, thì nhóm cổ phiếu ngân hàng có diễn biến tích cực và là bệ đỡ chính giúp thị trường không giảm sâu.

Đơn cử, tính đến phiên 28/2, thị giá cổ phiếu SHB tăng lên 9.600 đồng/cổ phiếu từ mức 6.400 đồng/cổ phiếu hồi đầu năm, tương đương tăng hơn 70% giá trị.

Nếu tính đến phiên 6/3, cổ phiếu này đạt mức giá 12.400 đồng/cổ phiếu, tương đương tăng gần 91%, trở thành hiện tượng của thị trường.

Trong tuần cuối tháng 2 và tuần đầu tháng 3, SHB ghi nhận chuỗi 9 phiên tăng liên tiếp, trong đó có 4 phiên tăng kịch trần liên tục.

Không ấn tượng như SHB, song nhiều mã ngân hàng khác cũng tăng điểm kể từ đầu năm đến nay như VPB (+37,5%), CTG (+23,4%), STB (+21,9%), ACB (+11%), VIB (+6%)…

Tại thời điểm trước Tết, hệ số giá trên lợi nhuận một cổ phiếu (P/E) của VN-Index là 15,5x và ước tính tăng trưởng lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) 2020 là 11% cho mức PE dự phóng năm 2020 là 13,9x, nhỉnh hơn một chút so với PE hiện tại 13,85x. Điều này có nghĩa nhuận của các doanh nghiệp được cho là sẽ đi ngang trong năm 2020.

Bởi vậy, kết quả kinh doanh sơ bộ của quý I/2020 và kế hoạch kinh doanh năm 2020 sẽ tác động không nhỏ lên nhóm cổ phiếu ngân hành nói riêng và thị trường nói chung.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia kinh tế phân tích: “Có 2 phân khúc trong nền kinh tế đó là hàng hóa và tiền tệ.

Phân khúc hàng hóa đang gặp khủng hoảng do chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, nhưng với phân khúc tiền tệ, chuỗi cung ứng chưa bị gián đoạn nên chưa bị ảnh hưởng. Đây là một trong những yếu tố hỗ trợ nhóm cổ phiếu ngân hàng trụ vững thời gian qua”.

Báo cáo của Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) nhận định, ngân hàng là một trong số không nhiều nhóm ngành ít chịu ảnh hưởng trực tiếp của dịch bệnh và khả năng sẽ còn diễn biến tích cực.

TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho biết, mức thị giá hiện tại của các cổ phiếu ngân hàng vẫn thấp hơn giá trị thực, nên kết quả kinh doanh tích cực trong năm 2019 sẽ là bàn đạp để nhóm này tăng mạnh thời gian tới.

Triển vọng tương lai tiếp tục hỗ trợ giá cổ phiếu

Thực tế, theo kết quả kinh doanh đã công bố, năm 2019, SHB đạt lợi nhuận 3.077 tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu ROE đạt 17,56%, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) đạt 11,7%.

Đáng chú ý, SHB đã mua lại toàn bộ nợ xấu đã bán cho VAMC trước thời hạn, nên đủ điều kiện chia cổ tức theo quy định với tỷ lệ 20,9% của năm 2017 và 2018 theo chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vào cuối năm 2019.

Số lượng cổ phiếu để chia cổ tức dự kiến được giao dịch trong tháng 3 này. Xét về quy mô và thị phần khách hàng, SHB tiếp tục nằm trong Top 5 ngân hàng thương mại tư nhân lớn nhất Việt Nam.

Hay như tại VPBank, lợi nhuận hợp nhất trước thuế trong năm 2019 đạt mức cao nhất trong lịch sử với 10.334 tỷ đồng, vượt 9% kế hoạch cả năm và tăng 12,3% so với năm 2018.

Trong đó, lợi nhuận trước thuế của riêng Ngân hàng mẹ là 5.835 tỷ đồng, chiếm gần 57% tổng lợi nhuận hợp nhất. Nếu tính riêng lợi nhuận được tạo ra từ hoạt động kinh doanh cốt lõi, tỷ lệ tăng trưởng lợi nhuận đạt tới 23,9%.

Lợi nhuận của VietinBank năm 2019 vừa qua đã tăng mạnh. Cụ thể, lợi nhuận riêng lẻ năm 2019 đạt gần 11.500 tỷ đồng, tăng hơn 26% so với kế hoạch và 83% so với năm 2018.

Theo đó, ROE năm 2019 đạt xấp xỉ 13%, lợi nhuận sau thuế trên tổng tài sản bình quân (ROA) đạt gần 0,8%.

Việc đạt kết quả kinh doanh hay chỉ số sinh lời cao là một trong những yếu tố tác động tích cực thị giá cổ phiếu của Ngân hàng.

Duy trì và tiếp nối kết quả kinh doanh tích cực của năm 2019, các ngân hàng cũng nhanh chóng có kế hoạch cho năm 2020.

Được biết, ngay từ đầu năm 2020, SHB đã thành lập và triển khai nhiệm vụ của 3 ban dự án chiến lược do Chủ tịch HĐQT trực tiếp chỉ đạo hoạt động, bao gồm: Ban Dự án chiến lược phát triển và đổi mới, Ban Dự án hiện đại hóa và chuyển đổi số, Ban Dự án tái cấu trúc quản trị và quản lý điều hành.

Hiện SHB đang triển khai việc xây dựng và thực hiện kế hoạch này với các nhà tư vấn chiến lược hàng đầu thế giới nhằm định hướng chiến lược phát triển bền vững trong dài hạn, hiện đại hóa Ngân hàng hướng tới ngân hàng số.

Với VPBank, theo báo cáo của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), mảng cho cho vay tiêu dùng của Ngân hàng mới chiếm 22- 23% tổng dư nợ cho vay, nhưng đã đóng góp bình quân khoảng 51% vào lợi nhuận sau thuế hợp nhất trong 3 năm qua.

Có thể nói, việc sở hữu công ty tài chính tiêu dùng FECredit có thị phần lớn nhất Việt Nam là yếu tố chính thúc đẩy tỷ lệ thu nhập lãi cận biện (NIM) của VPBank ở mức cao so với trung bình ngành từ 8-9%.

Trong khi đó, thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam được đánh giá còn nhiều tiềm năng để phát triển, dự đoán sẽ cán mốc 1 triệu tỷ đồng vào năm 2020.

Bên cạnh đó, hoạt động cũng chưa bị ảnh hưởng nhiều bởi Thông tư 18/2019/TT-NHNN nên của FECredit được kỳ vọng sẽ duy trì tăng trưởng cho vay tiêu dùng ở mức 14-15% mỗi năm và tiếp tục đóng góp trên 50% trong lợi nhuận hợp nhất của VPBank trong 4 năm tới.

Tại VietinBank, việc chưa tăng được vốn khiến CAR cận kề ngưỡng quy định trong suốt thời gian dài, dẫn đến không thể tăng trưởng kinh doanh mạnh mẽ. Đây là một trong những yếu tố khiến nhà đầu tư “trùng tay” với cổ phiếu CTG thời gian qua.

Tuy nhiên, thông tin sẽ sớm được Nhà nước tăng vốn tạo kỳ vọng sẽ thu hút nhà đầu tư hơn.

“Phân khúc tiền tệ sẽ đi sau phân khúc hàng hóa. Khi chuỗi cung ứng được khôi phục với điểm mấu chốt là Trung Quốc đưa hoạt động sản xuất về mức bình thường, sẽ giúp phân khúc hàng hóa ổn định dần trở lại và phân khúc tiền tệ sẽ không phải chịu khủng hoảng. Điều này tiếp tục củng cố niềm tin vững chắc của nhà đầu tư vào cổ phiếu nhóm ngân hàng”, TS. Hiếu phân tích.

Chính phủ đang đánh giá tác động của Covid-19 đến các doanh nghiệp để đưa ra những biện pháp hỗ trợ. Chính phủ phối hợp cùng các ngân hàng thương mại vừa công bố gói hỗ trợ tín dụng 285.000 tỷ đồng với lãi suất thấp và một gói hỗ trợ từ chính sách tài khóa giá trị tối thiểu 30.000 tỷ đồng tập trung vào giảm lãi vay, giãn nợ và giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế môi trường…

Đặc biệt, NHNN đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại rà soát và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng và dự thảo thông tư hướng dẫn có thể sẽ sớm được hoàn tất.

Bên cạnh đó, Chính phủ sẽ đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công, nhằm tạo việc làm và kích cầu. Các chính sách tài khóa và tiền tệ nếu được áp dụng đúng cách, sự cộng hưởng của chúng sẽ phần nào bù đắp tác động tiêu cực của Covid-19 đối với kết quả kinh doanh năm 2020 của các doanh nghiệp.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,285.0 -5.18 -0.4% 207,108 tỷ
HNX 243.18 -0.74 -0.3% 1,650 tỷ
UPCOM 91.41 -0.07 -0.07% 591 tỷ