Ảnh hưởng bởi đà bán tháo của chứng khoán quốc tế, thị trường trong nước cũng đã nhanh chóng trở lại trạng thái biển đỏ trong phiên sáng cuối tuần 28/2, sau nhịp hồi nhẹ ngày hôm qua (27/2). Chỉ số VN-Index cắm đầu đi xuống ngay khi mở cửa và có thời điểm bị đẩy xuống sát mốc 875 điểm, nhưng đã may mắn lấy lại mốc 880 điểm trước khi chốt phiên sáng.
Bước sang phiên chiều, diễn biến thị trường vẫn tiêu cực khi áp lực bán càng dâng cao hơn. Chỉ số VN-Index tiếp tục thủng đáy của phiên sáng, rơi xuống mức 872 điểm chỉ sau hơn 15 phút giao dịch.
Tuy nhiên, lực cầu bắt đáy nhập cuộc đã giúp thị trường bật ngược đi lên. Chỉ số VN-Index thu hẹp biên độ giảm, một lần nữa giữ vững mốc 880 điểm và đã kết phiên tại mức giá cao nhất trong phiên chiều.
Đóng cửa, sắc đỏ vẫn chiếm áp đảo với 294 mã giảm, gấp hơn 3,5 lần so với mã tăng (81 mã), VN-Index giảm 16,25 điểm (-1,81%) xuống 882,19 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 241,89 triệu đơn vị, giá trị 4.792,97 tỷ đồng, tăng 48,76% về khối lượng và 37,73% về giá trị so với phiên 27/2.
Giao dịch thỏa thuận đóng góp 57,58 triệu đơn vị, giá trị 1.557,29 tỷ đồng, trong đó VNM thỏa thuận hơn 7 triệu đơn vị, giá trị 734,38 tỷ đồng; EIB thỏa thuận 23,52 triệu đơn vị, giá trị hơn 400 tỷ đồng.
Nhóm VN30 vẫn chỉ duy nhất PLX xanh nhạt khi tăng chưa tới 1%, còn lại đều mất điểm. Trong đó, một số mã thu hẹp biên độ giảm là động lực giúp thị trường hãm đà rơi, điển hình là bộ 3 cổ phiếu nhà Vingroup có VHM và VIC chỉ giảm chưa tới 0,5%, còn VRE giảm hơn 1%.
Bên cạnh đó, nhiều mã lớn khác vẫn giảm khá sâu, đáng kể là SAB -6,47% xuống sát mức giá sàn và cũng là mức giá thấp nhất trong ngày 162.000 đồng/CP. Ngoài ra, BID -3,4% xuống 45.500 đồng/CP, GAS -4,05% xuống 75.800 đồng/CP, VCB -1,9% xuống 72.400 đồng/CP, VNM -2,7% xuống 104.500 đồng/CP, BVH -2,66% xuống 54.900 đồng/CP, TCB -2,2% xuống 22.250 đồng/CP.
Các mã CTG, MSN, MBB, HPG, MSN, VPB cũng có mức giảm trên 1-2%.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, một số mã như ASM, HHS, AMD, IDI, DRH, OGC đã đảo chiều hồi phục. Đáng kể QCG và YEG tiếp tục duy trì sắc tím.
Cổ phiếu STB vẫn dẫn đầu thanh khoản thị trường với hơn 11,94 triệu đơn vị được khớp lệnh; tiếp theo đó là CTG, FLC, MBB cùng khớp trên 7 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, sau hơn 30 phút lình xình ở mốc 107 điểm, lực cầu gia tăng mạnh đã giúp thị trường đi lên và chỉ số HNX-Index đã hồi phục thành công.
Đóng cửa, với 31 mã tăng và 54 mã giảm, HNX-Index tăng 0,31 điểm (+0,29%) lên 109,58 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 65,54 triệu đơn vị, giá trị 702,14 tỷ đồng, tăng 56,31% về khối lượng và 53,3% về giá trị so với phiên 27/2. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 1,83 triệu đơn vị, giá trị 13,91 tỷ đồng.
Tâm điểm đáng chú ý là cặp đôi SHB và SHS cùng được kéo tăng trần. Trong đó, SHB kết phiên tại mức giá 9.600 đồng/CP với khối lượng khớp lên tới 34,25 triệu đơn vị, còn SHS +9,72% lên 7.900 đồng/CP và khớp lệnh 2,39 triệu đơn vị.
Bên cạnh đó, nhiều mã bluechip cũng đảo chiều hồi phục, hỗ trợ tốt cho thị trường như VCG +2,04% lên 25.000 đồng/CP, PVB và DGC cũng hồi nhẹ, các mã ngành dược như DHT, DP3 tăng khá tốt..
Trái lại, ACB dù vẫn giao dịch trong sắc đỏ nhưng biên độ giảm đã thu hẹp đáng kể, chỉ -1,18% xuống 25.200 đồng/CP, khối lượng khớp lệnh gần 5,96 triệu đơn vị.
Trên UPCoM, thị trường đi ngang dưới mốc tham chiếu trong suốt cả phiên chiều
Đóng cửa, với 27 mã tăng và 34 mã giảm, UPCoM-Index giảm 0,47 điểm (-0,85%) xuống 55,05 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 16,6 triệu đơn vị, giá trị 171,29 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đóng góp thêm 1,23 triệu đơn vị, giá trị 43,22 tỷ đồng.
Nhiều mã lớn vẫn duy trì đà giảm như GVR -1,61% xuống 12.200 đồng/CP, VGI -1,44% xuống 27.300 đồng/CP, VEA -1,72% xuống 40.000 đồng/CP, ACV -2,47% xuống 51.300 đồng/CP…
Trong khi đó, LPB đảo chiều hồi nhẹ khi +1,43% lên 7.100 đồng/CP, khối lượng giao dịch dẫn đầu thị trường UPCoM, đạt hơn 3,3 triệu đơn vị.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều đảo chiều giảm điểm. Trong đó, mã có ngày đáo hạn gần nhất (19/3) là VN30F2003 vẫn được giao dịch mạnh nhất với 203.810 hợp đồng được chuyển nhượng, khối lượng mở 20.300 hợp đồng, kết phiên giảm 2,02%% xuống 830,1 điểm
Trên thị trường chứng quyền, chỉ còn 1 mã giữ sắc xanh và 6 mã đứng giá, còn lại đều chuyển đỏ. Trong đó, có thanh khoản nhất là CROS2001 với 60.844 đơn vị, đóng cửa giảm 16,67% xuống 100 đồng.