Vì sao cổ phiếu SHB nổi sóng lớn?

(ĐTCK) Trong bối cảnh chỉ số chứng khoán giảm điểm, những cổ phiếu đi ngược thị trường chung không nhiều, bao gồm các mã phục hồi kỹ thuật và các mã có “câu chuyện riêng”, chẳng hạn SHB, PHR, DRH, YEG… 
Vì sao cổ phiếu SHB nổi sóng lớn?

Một trong những mã đang nhận được sự quan tâm của thị trường là SHB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội.

Chỉ trong 5 phiên giao dịch, giá cổ phiếu SHB tăng từ 7.300 đồng/cổ phiếu lên 10.500 đồng/cổ phiếu, tức tăng hơn 40%, trong đó có 4 phiên tăng trần (từ 26/2 - 2/3). Đây là cổ phiếu tăng giá tích cực nhất trong nhóm ngân hàng và đạt mức cao nhất gần 2 năm qua.

Hiện tại, SHB đang trong giai đoạn phát hành cổ phiếu, gồm cổ phiếu để trả cổ tức và cổ phiếu mới với giá 10.000 đồng/cổ phiếu.

Theo thông báo mới nhất, Ngân hàng đã phát hành cổ phiếu trả cổ tức, nhưng quyền mua cổ phiếu mới chưa đến hạn chót đóng tiền mua.

Ông Hoàng Thạch Lân, Giám đốc Tư vấn khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Rồng Việt cho biết, hiện thị giá cổ phiếu SHB tương đương với giá phát hành cổ phiếu mới.

Trong trường hợp này, để cổ đông “yên tâm” đóng tiền mua cổ phiếu mới phát hành, thông thường (nhưng không phải là chắc chắn) thị giá (trước điều chỉnh) cần cao hơn giá phát hành.

“Tôi cho rằng, vấn đề ở đây là tâm lý, vì đối với những ai đang sở hữu cổ phiếu SHB với giá vốn trên dưới 8.000 đồng/cổ phiếu, dù phải đóng tiền mua quyền với giá 10.000 đồng/cổ phiếu thì hiện đã có lời trên tài khoản.

Theo tôi tính toán, thị giá đã cao hơn giá vốn (đã điều chỉnh). Do đó, tôi dự đoán, có lẽ họ đang chốt lời một phần, nhưng giá cổ phiếu SHB vẫn được đẩy lên, có thể vì vấn đề tâm lý”, ông Lân nói.

Báo cáo tài chính của SHB cho thấy, trong năm 2019, Ngân hàng đạt lợi nhuận trước thuế 3.077 tỷ đồng, tăng 46,9% so với năm 2018 và vượt kế hoạch (3.068 tỷ đồng).

Tại ngày 31/12/2019, tổng tài sản của SHB đạt hơn 365.600 tỷ đồng, tăng 13,1% so với đầu năm. Trong đó, cho vay khách hàng tăng 22,2%, đạt 265.200 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng đạt 259.300 tỷ đồng, tăng 15,2%. Tỷ lệ cho vay/tiền gửi khách hàng vượt mức 100%.

Trong năm 2019, SHB đã phát hành thêm 10.000 tỷ đồng giấy tờ có giá, nâng tổng giá trị tại thời điểm cuối năm 2019 lên 26.700 tỷ đồng, tăng 60% so với đầu năm.

Cuối năm 2019, SHB có tổng nợ xấu 4.857 tỷ đồng, giảm 6,6% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu/cho vay khách hàng giảm từ mức 2,4% đầu năm xuống 1,83%.

Nhìn chung, SHB ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan trong năm 2019, nhưng so với mặt bằng chung của các ngân hàng thì các con số trên không quá nổi trội.

Khi giá cổ phiếu tăng vọt, có những “đồn đoán” rằng, SHB đang thuộc 1 trong 2 ngân hàng sẽ được phép nới room ngoại lên 49% theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).

Cụ thể, Hiệp định thương mại tự do và Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA) đã được Nghị viện châu Âu (EP) thông qua.

Theo đó, đối với lĩnh vực ngân hàng, trong vòng 5 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực, Việt Nam cam kết sẽ xem xét tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng EU nâng mức nắm giữ cổ phần lên 49% vốn điều lệ tại 2 ngân hàng TMCP của Việt Nam.

Cam kết này không áp dụng với 4 ngân hàng TMCP mà Nhà nước đang nắm cổ phần chi phối là BIDV, VietinBank, Vietcombank và Agribank.

Chính vì vậy, SHB là một trong những ngân hàng được kỳ vọng sẽ được nới room. Đây là yếu tố giúp giá cổ phiếu tăng mạnh.

Trước đó, cổ phiếu SHB đã có thời gian tích lũy gần 2 năm, nhưng gần đây giá tăng tốc, nhanh chóng tiến đến vùng đỉnh 10 năm qua là ngưỡng 11.000 đồng/cổ phiếu.

Một số công ty chứng khoán nhận định, cổ phiếu SHB nhiều khả năng sẽ sớm có các phiên rung lắc mạnh.

Theo phân tích của Công ty Chứng khoán Yuanta, khi nhìn vào các yếu tố tăng trưởng thì SHB chỉ ở mức “trung tính”, thậm chí thấp hơn so với không ít ngân hàng khác.

Yếu tố kỳ vọng là động lực tạo ra xu hướng chính cho cổ phiếu này, nên đà tăng của cổ phiếu mang tính chất đầu cơ cao và tính bền vững sẽ khó duy trì. Do đó, các nhà đầu tư nên tiết chế việc mua đuổi ở những phiên giao dịch tới.

Hoàng Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục