Sau gần 1 giờ mở cửa khá “bình yên” khi VN-Index duy trì trạng thái biến động rung lắc nhẹ quanh mốc tham chiếu, thị trường đột ngột “bẻ lái” bởi áp lực bán mạnh diễn ra trên diện rộng. Chỉ số VN-Index lao dốc mạnh khi xuyên qua các ngưỡng hỗ trợ mạnh 1.250 điểm, 1.240 điểm, thậm chí có lúc rơi về sát vùng giá 1.220 điểm trước khi bật hồi đôi chút và khép lại phiên sáng đầu tuần với mức giảm lên tới 35 điểm.
Bước vào phiên giao dịch chiều, lực cầu vẫn tham gia mạnh mẽ nhưng áp lực bán thường trực khiến thị trường luôn trong trạng thái tràn ngập sắc đỏ. Tuy vậy, sự hồi phục của một số mã lớn và mã nhỏ cũng giúp VN-Index từng bước thu hẹp biên độ giảm.
Chỉ số VN-Index khép lại phiên giông tố với mức giảm hơn 20 điểm, tức đã bật hồi hơn 20 điểm so với đáy của phiên, nhờ diễn biến khởi sắc của nhóm cổ phiếu bất động sản nói chung, đặc biệt là pha quay xe đầy ấn tượng của cổ phiếu Vingroup.
Đặc biệt là thanh khoản thị trường bùng nổ, đạt mức cao nhất trong hơn 3 năm qua và cũng là một trong số ít phiên đạt con số trên 40.000 tỷ đồng. Đáng chú ý, theo thống kê của Báo Đầu tư Chứng khoán thì mức thanh khoản này đã trở lại thời hoàng kim cuối năm 2021 khi VN-Index leo đỉnh 1.500 điểm.
Trước đó, thị trường mới chỉ có 4 phiên có thanh khoản đạt trên 40.000 tỷ đồng, gồm phiên 10/1/2022 đạt hơn 41.810 tỷ đồng, phiên 3/11/2021 đạt gần 43.210 tỷ đồng, phiên 19/11/2021 đạt hơn 44.800 tỷ đồng và phiên cao nhất vào 23/12/2021 đạt hơn 45.560 tỷ đồng.
Chốt phiên, sàn HOSE có 103 mã tăng (7 mã tăng trần) và 407 mã giảm (9 mã giảm sàn), VN-Index giảm 20,22 điểm (-1,6%), xuống 1.243,56 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 1,71 tỷ đơn vị, giá trị 43.129,4 tỷ đồng, tăng 59,8% về khối lượng và 56,78% về giá trị so với phiên cuối tuần qua ngày 15/3. Giao dịch thỏa thuận có thêm gần 92,36 triệu đơn vị, giá trị 2.853,29 tỷ đồng.
Nhóm VN30 cũng chỉ còn giảm 20 điểm khi có 2 mã đảo chiều hồi phục thành công và 28 mã giảm. Trong đó, cặp đôi bất động sản khu công nghiệp là GVR và BCM giảm mạnh nhất khi lần lượt mất 5,9% và 4,3%.
Hai mã khởi sắc không ai khác chính là họ là Vingroup, gồm VIC và VRE. Pha quay xe đầy ấn tượng của cặp đôi này cũng đã giúp nhóm cổ phiếu bất động sản lấy lại sắc xanh.
Đặc biệt là VRE, từ điểm xuất phát dưới mốc tham chiếu khi mở cửa phiên chiều, lực cầu ồ ạt đổ vào đã giúp mã này nhanh chóng có được sắc xanh và trước khi bước vào đợt khớp lệnh ATC đã kéo trần thành công. Đóng cửa, VRE tăng 7% lên mức giá trần 27.550 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh bùng nổ đạt hơn 34,58 triệu đơn vị và dư mua trần hơn 2,17 triệu đơn vị.
Việc nhận tín hiệu đảo chiều của VRE được “châm ngòi” bởi anh cả VIC. Sau khi đảo chiều hồi phục sắc xanh ngay khi bước vào phiên chiều, cổ phiếu VIC tiếp tục nới rộng biên độ và đóng cửa tăng 3,8% lên sát mức giá cao nhất trong ngày 46.100 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh hơn 7,73 triệu đơn vị.
Ngoài VRE và VIC, nhiều mã bất động sản cũng xác nhận phiên ngược dòng đầy ngoạn mục, như DPG, QCG, DIG, TCH đều đã kéo trần thành công khi đóng cửa với giao dịch sôi động như DIG khớp lệnh tới hơn 78,93 triệu đơn vị, TCH khớp hơn 45,5 triệu đơn vị.
Hàng loạt mã bất động sản khác cũng có thời điểm tăng kịch trần và đóng cửa vẫn tăng tốt như HQC, SCR và ITC tăng 4,9%; SJS tăng 4%, DXG tăng 3,8%, PDR tăng 3,6%, HDC tăng 3,4%... Trong đó, DXG và NVL cùng khớp lệnh hơn 36 triệu đơn vị, HQC khớp 34,35 triệu đơn vị, PDR khớp 27,38 triệu đơn vị…
Ngoài nhóm cổ phiếu bất động sản khởi sắc, thị trường còn có thêm nhóm cổ phiếu dược phẩm ngược dòng thành công, nhờ DHG tăng 5,95%, DMC tăng 2,36%, DBT tăng 1,24%...
Các nhóm cổ phiếu còn lại đều mất điểm, trong đó nhóm phân bón và hóa chất giảm sâu nhất, với sự “đóng góp” của DGC và BFC giảm kịch sàn, DCM giảm 3,94%, DPM giảm 4,53%, LIX giảm 3,69%...
Nhóm chứng khoán vẫn thuộc top giảm mạnh của thị trường nhưng biên độ cũng thu hẹp đáng kể khi không còn mã nào nằm sàn nhưng cũng không mã nào đảo chiều khởi sắc thành công. Trong đó, VIX, VND và SSI vẫn là bộ 3 có giao dịch sôi động khi cùng thuộc top 5 thanh khoản cao nhất thị trường, tương ứng đạt 62,73 triệu đơn vị, hơn 50,77 triệu đơn vị và 48,61 triệu đơn vị. Đóng cửa, VIX giảm 5%, còn VND giảm 1,5%, SSI giảm 3%.
Tương tự nhóm ngân hàng cũng bớt giảm sâu, trong đó SHB và MBB giao dịch sôi động nhất với trên dưới 32 triệu đơn vị khớp lệnh, cùng đóng cửa giảm hơn 2%. Điểm sáng ngành thuộc về EIB khi cổ phiếu này đảo chiều tăng 3,1%, đóng cửa ở mức giá cao nhất trong ngày 18.400 đồng/CP và thanh khoản lên tới 30,58 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, thị trường cũng thu hẹp biên độ giảm và ghi nhận phiên giao dịch sôi động.
Chốt phiên, sàn HNX có 58 mã tăng và 125 mã giảm, HNX-Index giảm 2,86 điểm (-1,19%) xuống 236,68 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 181,92 triệu đơn vị, giá trị hơn 3.781 tỷ đồng, cùng tăng hơn 70% cả về lượng và giá trị so với phiên trước. Giao dịch thỏa thuận có thêm 4,58 triệu đơn vị, giá trị 107,45 tỷ đồng.
Các mã chứng khoán trên HNX cũng bớt tiêu cực hơn, trong đó SHS chỉ còn giảm nhẹ 1%, đóng cửa đứng tại mức giá 18.900 đồng/CP và thanh khoản vẫn sôi động nhất thị trường với gần 49,57 triệu đơn vị; MBS giảm 4% xuống 28.500 đồng/CP và thanh khoản đứng thứ 3 với hơn 9,65 triệu đơn vị khớp lệnh; các mã khác trong ngành như APS giảm 1,5%, BVS giảm 6,1%, VFS giảm 3,8%. VIG giảm 2,3%...
Ngoài ra, hàng loạt mã khác trong rổ HNX30 cũng không thoát khỏi sắc đỏ dù biên độ thu hẹp hơn như PVS giảm 2,9%, IDC giảm 3,2%, TNG giảm 3,1%, DTD giảm 6,5%...
Điểm sáng vẫn là CEO khi đà tăng nới rộng hơn trong phiên chiều. Đóng cửa, CEO tăng 3,6% lên mức 22.900 đồng/CP với thanh khoản ấn tượng lên tới hơn 35,29 triệu đơn vị.
Trên UPCoM, thị trường cũng dần thu hẹp biên độ giảm trong phiên chiều.
Đóng cửa, UPCoM-Index giảm 1,03 điểm (-1,13%) xuống 90,32 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 55 triệu đơn vị, giá trị 701,35 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 3,12 triệu đơn vị, giá trị 28,22 tỷ đồng.
Cổ phiếu DRI vẫn là điểm sáng của thị trường khi đà tăng tiếp tục được nới rộng hơn trong phiên chiều. Đóng cửa, DRI tăng 11,9% lên mức giá 11.300 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh hơn 2,34 triệu đơn vị.
Trong khi đó, 5 mã có thanh khoản sôi động hơn DRI đều đóng cửa trong sắc đỏ. Cụ thể, BSR, SBS, DDV, AAS đều giảm hơn 2%, còn VGI giảm 7,2%, với BSR có giao dịch cao nhất đạt 9,55 triệu đơn vị, còn lại đạt trong khoảng 2-5 triệu đơn vị.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều giảm mạnh trong khoảng 20-30 điểm, trong đó VN30F2403 giảm 29,1 điểm, tương đương -2,3% xuống 1.230,9 điểm, khớp lệnh gần 349.570 đơn vị, khối lượng mở gần 41.370 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ cũng tràn ngập, trong đó CSTB2322 giao dịch sôi động nhất khi khớp gần 6,29 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 13,8% xuống 500 đồng/cq. Tiếp theo là CHPG2326 khớp 5,34 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 17,4% lên 760 đồng/cq.