Cổ phiếu thủy sản đối mặt nguy cơ giảm tốc

(ĐTCK) Nhóm cổ phiếu thủy sản ghi nhận mức hồi phục cao hơn so với thị trường chung thời gian qua. Tuy nhiên, làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ 2 tại các thị trường xuất khẩu chính là Mỹ, Trung Quốc, châu Âu, châu Mỹ - La tinh… đang khiến nhóm này đứng trước nguy cơ giảm tốc trở lại.
Ảnh Shutterstock. Ảnh Shutterstock.

Số ca nhiễm Covid-19 vẫn không ngừng tăng tại nhiều quốc gia cũng như khu vực trên thế giới. Đơn cử, tại Mỹ, nhiều bang liên tục công bố ca nhiễm mới và chưa có dấu hiệu dịch được kiểm soát, hiện số ca nhiễm Covid-19 đã vượt 2 triệu người.

Cùng Brazil với hơn 1 triệu ca nhiễm, đây là 2 nước có tỷ lệ người nhiễm Covid-19 cao nhất thế giới hiện nay. Ở Đức, các trường học và nhà trẻ tại quận G-tersloh của bang Nordrhein-Westfalen phải đóng cửa để làm chậm đà lây lan của dịch.

Thậm chí tại Trung Quốc, chính quyền Bắc Kinh đã tái phong tỏa một số thành phố, ngừng mọi sự kiện thể thao, đóng cửa các phòng tập gym, các trường học, ngừng hàng nghìn chuyến bay tại đây… nhằm hạn chế sự bùng phát của Covid-19.

Trong khi đó, Việt Nam nằm trong số hiếm hoi quốc gia khống chế tốt dịch bệnh. Điều này phần nào tác động tích cực lên thị trường chứng khoán nói chung, nhóm cổ phiếu thủy sản nói riêng.

Ngoài ra, kỳ vọng từ việc mở cửa nền kinh tế trên toàn cầu giúp hoạt động xuất khẩu nhanh chóng khôi phục trở lại, các hiệp định thương mại tự do Việt Nam tham gia sẽ mở cửa và tạo điều kiện cho nhóm doanh nghiệp xuất khẩu, bao gồm cả thủy sản, cũng là yếu tố quan trọng giúp cổ phiếu ngành này ghi nhận mức hồi phục cao hơn so với thị trường chung thời gian qua.

Nỗi lo dịch bệnh Covid-19 tái bùng phát và ngày một lan rộng, nhất là tại các thị trường chính như Mỹ, Trung Quốc, châu Âu… buộc các doanh nghiệp thủy sản phải thận trọng với kế hoạch kinh doanh 2020.   

Tuy nhiên, hiện tại, nỗi lo dịch bệnh Covid-19 tái bùng phát và ngày một lan rộng, nhất là tại các thị trường chính như Mỹ, Trung Quốc, châu Âu… buộc các doanh nghiệp thủy sản phải thận trọng với kế hoạch kinh doanh 2020, nhất là khi kết quả kinh doanh quý I/2020 không như kỳ vọng.

Theo đó, hầu hết doanh nghiệp thủy sản đều đặt kế hoạch kinh doanh năm 2020 giảm so với thực hiện năm 2019.

Cổ phiếu thủy sản đối mặt nguy cơ giảm tốc ảnh 1

Tại CTCP Vĩnh Hoàn (VHC), trước diễn biến khó lường của dịch bệnh, doanh nghiệp đưa ra 2 kịch bản lợi nhuận cho năm 2020, lần lượt là 1.063 tỷ đồng và 800 tỷ đồng, giảm tương ứng 9,8% và 32,1% so với thực hiện năm 2019. Trong quý I/2020, VHC đạt lợi nhuận 152,1 tỷ đồng, mới hoàn thành tương ứng 14,3% và 19% các kế hoạch đề ra.

Được biết, trong năm 2019, VHC có tổng doanh thu các mặt hàng cá tra là 5.628 tỷ đồng, trong đó thị trường Mỹ chiếm 54% cơ cấu doanh thu, Trung Quốc 20%, Anh 5%, Canada 3%, Bỉ 3%, Úc 2%, Hà Lan 2%…, cho thấy sự phụ thuộc xuất khẩu cá tra vào các thị trường này.

Với CTCP Nam Việt (ANV), năm 2020, Công ty đặt kế hoạch doanh thu 3.000 tỷ đồng, lợi nhuận 200 tỷ đồng, lần lượt giảm 33,1% và 71,6% so với thực hiện năm 2019. Kết thúc quý đầu năm nay, ANV đạt 43,4 tỷ đồng lợi nhuận, hoàn thành 21,7% kế hoạch cả năm.

Liên quan tới thông tin về thị trường, theo báo cáo thường niên năm 2018, thị trường Trung Quốc chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng doanh thu của ANV, đạt 20%, tiếp đến là Brazil (17%), Thái Lan (14%), châu Âu (13%), Colombia (10%), Mexico chiếm 9% và các thị trường khác.

Tuy nhiên, trong báo cáo thường niên năm 2019, ANV chỉ đưa ra thông tin chung, mà không đề cập tới tỷ trọng doanh thu cụ thể, cho thấy khả năng cơ cấu xuất khẩu chưa có sự dịch chuyển lớn, vẫn tập trung chủ yếu tại Trung Quốc, châu Âu, châu Mỹ Latinh - đều là những khu vực có số lượng người nhiễm Covid-19 lớn.

Cổ phiếu thủy sản đối mặt nguy cơ giảm tốc ảnh 2

Làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ hai có nguy cơ ngăn cản đà hồi phục của nhóm cổ phiếu thủy sản.

Hay với CTCP Đầu tư và phát triển đa quốc gia (IDI), doanh nghiệp công bố kế hoạch năm 2020 với doanh thu 7.145 tỷ đồng, lợi nhuận 160 tỷ đồng, cũng lần lượt giảm 7,6% và 50,9% so với thực hiện năm 2019.

Trong quý I/2020, IDI ghi nhận lợi nhuận là 14,1 tỷ đồng, mới hoàn thành 8,8% kế hoạch lợi nhuận cả năm. Trong năm qua, thị trường xuất khẩu chính của IDI là Trung Quốc chiếm 45,19% doanh thu, Mexico (19%), Hồng Kông (8,97%), Ấn Độ (4,44%)…

Tại CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MPC), Công ty đặt kế hoạch doanh thu năm 2020 là 15.206 tỷ đồng, giảm 10,5% so với thực hiện năm 2019, nhưng lợi nhuận tăng tới 105,8%, đạt 915 tỷ đồng.

Đặt mục tiêu tăng trưởng cao, nhưng kết quả quý I/2020 không nhiều khả quan khi ghi nhận lợi nhuận 55,1 tỷ đồng, mới đạt 6% kế hoạch cả năm.

Được biết, MPC chủ yếu xuất khẩu tôm, năm 2019 xuất khẩu đạt 643,71 triệu USD, trong đó thị trường Mỹ chiếm 38,21%, Nhật (20,6%), châu Âu (11,25%), Canada (9,75%)…

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, kết thúc năm 2019, Việt Nam xuất khẩu được 2 tỷ USD sản phẩm cá tra, giảm 10% so với năm 2018.

Trong đó, Trung Quốc là thị trường lớn nhất chiếm 36% tổng kim ngạch, tiếp sau là Mỹ (13%), châu Âu (12%) và Đông Nam Á (11%).

Trong tất cả các thị trường nhập khẩu cá tra, chỉ có Trung Quốc và Đông Nam Á có mức tăng trưởng so với năm 2019, lần lượt ở mức 37% và 8%, các thị trường còn lại đều giảm giá trị nhập khẩu so với cùng kỳ.

Đối với xuất khẩu tôm, năm 2019 đạt 3,38 tỷ USD, giảm gần 5% so với năm 2018, dẫn đầu là châu Âu với 20,6% tổng kim ngạch, tiếp đến là Mỹ (19,5%), Nhật Bản và các thị trường khác.

Số liệu thống kê cho thấy sự phụ thuộc lớn của các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam vào các thị trường Mỹ, Trung Quốc, châu Âu và thực tế này không dễ thay đổi trong một sớm, một chiều.

Với làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ 2 đang diễn ra, sức tiêu thụ của những thị trường này được cho là sẽ giảm trong thời gian tới.

Mặt khác, kỳ vọng từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU vừa được Quốc hội thông qua cũng sẽ chỉ phát huy hiệu quả khi dịch được khống chế. Những yếu tố bất định này có thể tác động tới hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, cũng như triển vọng tăng trưởng cổ phiếu ngành này.

Vũ Duy Bắc

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục