Cổ phiếu ngành điện nhấp nháy

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Với nhu cầu tiêu thụ điện ngày càng tăng, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế phục hồi, ngành điện năm 2021 được kỳ vọng sẽ có một năm tích cực, song trên thực tế vẫn còn nhiều mối lo ngại.
Cổ phiếu ngành điện nhấp nháy

Thủy điện lạc quan nhưng không còn nhiều dư địa khai thác

Năm 2020, thủy điện là loại hình phát điện có công suất lớn nhất, chiếm 30% tổng công suất toàn hệ thống; nhiệt điện than và nhiệt điện khí chiếm lần lượt 29% và 15% tổng công suất.

Kể từ quý II/2020, lượng mưa tăng mạnh do hiện tượng La Nina quay trở lại trong chu kỳ ENSO. Tính tới cuối năm 2020, đáy của La Nina khá sâu nên năm 2021 được Công ty Chứng khoán Rồng Việt nhận định sẽ có lượng mưa nhiều, tạo ra lợi nhuận cho các nhà máy thuỷ điện.

Về mức huy động, thuỷ điện luôn là nguồn được ưu tiên hàng đầu, nhất là các nhà máy thuỷ điện nhỏ, vì vậy sản lượng thuỷ điện năm nay có cơ hội tăng cao.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, trong quý I/2021, nguồn thủy điện được huy động mạnh khi đóng góp 13,86 tỷ kWh cho toàn hệ thống, tăng 55,4% so với quý I/2020. Theo EVN, quý III là thời kỳ lũ chính vụ ở miền Bắc, thực hiện khai thác cao thủy điện và tối thiểu nhiệt điện than theo điều kiện kỹ thuật, nên hệ thống điện miền Bắc có thể cân đối được nguồn, truyền tải Trung - Bắc duy trì ở mức thấp.

Quy hoạch Điện VIII đang được xây dựng theo hướng giảm dần tỷ trọng thủy điện.

Trong ngắn hạn, thủy điện tiếp tục lạc quan, nhưng do đã khai thác gần hết tiềm năng nên Đề án Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn tới năm 2045 (Quy hoạch Điện VIII) đang được xây dựng theo hướng giảm dần tỷ trọng thủy điện. Cụ thể, điện năng sản xuất từ nguồn thủy điện chiếm tỷ trọng 30% vào năm 2020 sẽ giảm còn 24% vào năm 2025, 18% vào năm 2030 và 9% vào năm 2045.

Trên sàn chứng khoán, nhiều doanh nghiệp thủy điện ghi nhận lợi nhuận năm 2020 tăng cao so với năm 2019 như Thủy điện A Vương (AVC) tăng 6,2 lần, Thủy điện Thác Bà (TBC) tăng 70%, Thủy điện miền Trung (CHP) tăng 29%, Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (VSH) tăng 20%, Thủy điện sông Ba Hạ (SBH) tăng 18%, Thủy điện Bắc Hà (BHA) lãi 60 tỷ đồng trong khi năm 2019 lỗ 40 tỷ đồng...

Điện năng lượng tái tạo dư thừa

Lĩnh vực điện năng lượng tái tạo năm 2020 có cuộc chạy đua quyết liệt của các nhà đầu tư, doanh nghiệp điện mặt trời nhằm hưởng cơ chế giá FIT (có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2020 theo Quyết định 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ).

EVN cho biết, tính đến cuối năm 2020 có 101.029 công trình điện mặt trời mái nhà được đấu nối vào hệ thống điện và tổng công suất lắp đặt lên tới 9.296 MW, gần bằng 5 lần công suất lắp đặt của Nhà máy thủy điện Hòa Bình. Các con số này tiếp tục tăng mạnh trong những tháng đầu năm 2021.

Theo đó, trong quý I/2021, sản lượng điện năng lượng tái tạo đóng góp cho hệ thống 7,79 tỷ kWh, tăng hơn 180% so với cùng kỳ năm 2020.

Việc phát triển quá nhanh các dự án năng lượng tái tạo trong khi hạ tầng truyền tải không thể phát triển theo kịp đã gây ra tình trạng tắc nghẽn đường dây truyền tải và không thể giải tỏa hết được công suất điện của các dự án.

Theo Trung tâm Điều tiết điện Quốc gia, tổng sản lượng điện năm 2021 ước đạt 267,9 tỷ kWh, tăng 7,15% so với năm 2020. Công suất điện mặt trời và điện gió dự báo sẽ tăng gấp đôi, nhưng với tốc độ tăng trưởng tiêu thụ trên, các công ty năng lượng tái tạo sẽ khó có thể hoạt động hết công suất thiết kế, đặc biệt là trong bối cảnh tình hình thuỷ văn năm 2021 được dự báo là thuận lợi cho thuỷ điện.

EVN dự kiến, trong năm nay sẽ cắt giảm khoảng 1,3 tỷ KWh điện mặt trời, điện mặt trời áp mái. Về điện gió, nguồn điện đưa vào vận hành thời gian tới sẽ đối mặt tình trạng sản xuất ra không bán được hết, có thể bị cắt giảm công suất ở mức cao.

Việc tiết giảm khả năng phát các nguồn năng lượng tái tạo trong thời gian qua cũng như hiện nay là bắt buộc phải thực hiện để đảm bảo an toàn cung cấp điện (nguồn năng lượng điện mặt trời, điện gió không thực sự ổn định, thời gian phát điện tập trung vào một số thời điểm trong ngày).

Được biết, Công ty cổ phần Xây lắp điện 1 (PC1) đang phát triển 3 dự án điện gió bao gồm Liên Lập, Phong Huy và Phong Nguyên. Ba dự án này được khởi công từ tháng 5/2020 và dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 9/2021 và đều nằm ở tỉnh Quảng Trị, nơi đã có hàng chục dự án được bổ sung vào quy hoạch, hàng chục dự án khác đang xếp hàng chờ phê duyệt.

Theo EVN, khó có thể giải tỏa hết công suất các dự án điện gió tại Quảng Trị hiện nay. Dự án bổ sung nhiều, trong khi đường truyền tải hiện hữu không thể đáp ứng được đã làm nảy sinh nhiều nguy cơ.

Các dự án của PC1 nằm trong nhóm dự án cần giải tỏa công suất từ trạm biến áp 220kV Lao Bảo và 220kV Đông Hà - Lao Bảo. Hai trạm biến áp này đã được khởi công từ cuối năm 2019 nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và vướng mắc giải tỏa mặt bằng nên nhiều khả năng sẽ chậm tiến độ.

Cho đến thời điểm hiện nay, EVN đã ký hợp đồng mua bán điện với 113 dự án điện gió, tổng công suất 6.038 MW. Căn cứ báo cáo của các chủ đầu tư, số dự án đã đưa vào vận hành thương mại là 12, tổng công suất 582 MW; số dự án dự kiến tiếp tục đưa vào vận hành thương mại trước ngày 31/10/2021 là 87, tổng công suất 4.432 MW; số dự án không thể vận hành thương mại trước ngày 31/12/2021 là 14, tổng công suất 1.024 MW.

Nhiệt điện ngày càng khó

Với nguồn điện từ năng lượng tái tạo dồi dào, sản lượng điện hợp đồng (Qc) các nhà máy nhiệt điện đang suy giảm.

EVN cho biết, quý I năm nay, nguồn nhiệt điện khí huy động đạt 7,44 tỷ kWh, giảm 21,4%; nguồn nhiệt điện than huy động đạt 29,75 tỷ kWh, giảm 12,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Về phía doanh nghiệp, theo báo cáo của Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - CTCP, trong 2 tháng đầu năm 2021, Nhà máy điện Nhơn Trạch 1 chỉ được giao Qc tổng cộng 8 triệu kWh. Do giá thị trường thấp (kể cả trong ngày được giao Qc) nên nhà máy không được huy động. Đây là một trong những nguyên nhân khiến doanh nghiệp không hoàn thành chỉ tiêu kinh doanh đề ra trong 2 tháng đầu năm.

Trước đó, các nhà máy điện khí bị ảnh hưởng đáng kể trong nửa đầu năm 2020 do nguồn cung khí không ổn định; từ nửa cuối năm 2020, EVN giảm huy động sản lượng từ nhóm nhà máy nhiệt điện (bao gồm điện khí và điện than) để tận dụng sản lượng từ nhóm thuỷ điện.

Theo Công ty cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng (HND), trong năm 2020, nhiều dự án điện mặt trời được đưa vào khai thác thương mại là nguyên nhân khiến hệ thống hạn chế huy động các tổ máy nhiệt điện than của Công ty.

Công ty cổ phần Nhiệt điện Phả Lại (PPC) nhận định, 2021 sẽ là một năm có nhiều thách thức như sản lượng điện sản xuất và Qc được giao ở mức thấp, gây khó khăn trong quá trình vận hành cũng như kết quả kinh doanh; biến động giá than tác động trực tiếp đến chi phí sản xuất - kinh doanh, ảnh hưởng đến tính cạnh tranh trong quá trình tham gia thị trường điện.

Nhóm nhiệt điện chịu tác động bất lợi do sản lượng hợp đồng thấp cùng với giá than và khí đầu vào tăng.

Trong khi đó, gần một nửa tổng nhu cầu than ở Việt Nam đến từ các nguồn nhập khẩu, chủ yếu từ Úc và Indonesia (khoảng 68% trên tổng sản lượng nhập khẩu). Giá khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) tăng mạnh trong suốt tháng 3/2021.

Vì thế, PPC thận trọng khi đề ra kế hoạch sản xuất - kinh doanh năm 2021: sản lượng điện sản xuất 4,4 tỷ kWh, điện thương phẩm 3,6 tỷ kWh, lần lượt giảm 24% và 32% so với năm 2020; tổng doanh thu 5.658 tỷ đồng, giảm 31%; lãi trước thuế 415 tỷ đồng, giảm 66% so với năm 2020.

Quỳnh Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,290.18 7.09 0.55% 258,687 tỷ
HNX 243.92 1.07 0.44% 1,863 tỷ
UPCOM 91.48 0.35 0.39% 587 tỷ