Đối lập bức tranh ngành điện nửa đầu năm

(ĐTCK) Ảnh hưởng của yếu tố thời tiết đang khiến các doanh nghiệp thủy điện gặp khó khăn, trong khi các doanh nghiệp nhiệt điện có phần thuận lợi khi được huy động tối đa công suất, dẫn đến sự đối lập trong bức tranh kinh doanh ngành điện nửa đầu năm 2019.
Ảnh Internet Ảnh Internet

Thủy điện gặp khó

Với các doanh nghiệp thủy điện, tình hình thời tiết nói chung và hiện tượng El Nino nói riêng là một trong những yếu tố tác động mạnh nhất tới hoạt động kinh doanh. Trong nửa đầu năm nay, kết quả kinh doanh đều chung một kịch bản giảm sút, thậm chí thua lỗ do ảnh hưởng của hiện tượng này.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Ủy viên HĐQT CTCP Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (mã VSH) cho biết, El Nino đã gây khô hạn kể từ cuối năm 2018 đến giữa năm 2019. Hạn hán kéo dài trong nhiều tháng liền khiến các nhà máy thủy điện của VSH bị ảnh hưởng nặng nề do thiếu nước.

“Với tình trạng thời tiết như hiện tại, VHS chưa hoàn thành kế hoạch kinh doanh 6 tháng đầu năm. Tuy nhiên, theo yếu tố mùa vụ thì thời tiết sẽ tốt hơn từ giữa quý III/2019 đến cuối năm. Điều này sẽ giúp VSH bù đắp được khoản thiếu hụt sản lượng trong nửa đầu năm”, ông Thanh nói.

CTCP Thủy điện Miền Nam (mã SHP) đã công bố báo cáo tài chính quý II/2019 với lợi nhuận sụt giảm mạnh so với cùng kỳ. Cụ thể, trong kỳ, doanh thu thuần đạt 114 tỷ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ, trong khi giá vốn hàng bán giảm nhẹ hơn nên lợi nhuận gộp giảm 42,5% về 41,8 tỷ đồng, qua đó kéo lợi nhuận sau thuế giảm trên 50% xuống còn hơn 18 tỷ đồng. Quý I/2019, SHP  lỗ gần 13 tỷ đồng do đặc thù của ngành thuỷ điện. Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của SHP đạt gần 188 tỷ đồng, giảm 10,5%; lãi ròng vỏn vẹn hơn 5 tỷ đồng, giảm tới 72%.

Ông Đoàn Đức Hưng, Chủ tịch HĐQT SHP cho biết, mặc dù giá bán điện bình quân quý II và 6 tháng đầu năm 2019 tại ba nhà máy của Công ty tăng bình quân 17%, nhưng do thời tiết không thuận lợi, lưu lượng nước bình quân về các nhà máy thủy điện chỉ bằng 77% so với cùng kỳ, dẫn đến giảm sản lượng điện và doanh thu. Với kết quả này, SHP mới hoàn thành được 31% kế hoạch doanh thu và 3% kế hoạch lợi nhuận cả năm 2019 (601,4 tỷ đồng doanh thu và 165,7 tỷ đồng lãi ròng).

Tại CTCP Thủy điện Bắc Hà (mã BHA), kết thúc quý II/2019, doanh thu đạt 40,3 tỷ đồng, giảm 28% so với cùng kỳ 2018 và lỗ sau thuế 21,5 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, Công ty báo lỗ ròng 51 tỷ đồng (cùng kỳ 2018 lỗ 47,8 tỷ đồng). Tính đến thời điểm cuối quý II/2019, tổng tài sản Công ty đạt 1.989 tỷ đồng. Trong đó, nợ phải trả đến cuối quý là 1.71,5 tỷ đồng, bao gồm vay nợ thuê tài chính ngắn hạn hơn 50 tỷ đồng và vay nợ thuê tài chính dài hạn gần 1.235 tỷ đồng.     

Nhiệt điện tận dụng cơ hội

Những khó khăn từ các nhà máy thủy điện lại là cơ hội cho các doanh nghiệp nhiệt điện khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cần huy động nhiều hơn từ nhóm này để bù đắp sản lượng điện cung cấp ra thị trường, nhất là khi giá điện trên thị trường điện cạnh tranh có thể tiếp tục ở mức cao. Các nhà máy nhiệt điện, đặc biệt là điện than cho biết, đã được huy động hết công suất cho giai đoạn nửa đầu năm 2019.

Đại diện Công ty Nhiệt điện Ðông Triều thông tin, trong 6 tháng qua, Công ty đã duy trì vận hành liên tục, phát tối đa công suất các tổ máy. Theo đó, doanh thu và lợi nhuận 6 tháng đầu năm ước đạt lần lượt hơn 2.000 tỷ đồng và 215 tỷ đồng, hoàn thành tương ứng 60% và 116% kế hoạch cả năm.

Báo cáo kết quả kinh doanh quý II/2019 vừa công bố của CTCP Nhiệt điện Bà Rịa (mã BTP) cho thấy, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 469 tỷ đồng, tăng 190% và lợi nhuận sau thuế đạt 50,8 tỷ đồng, tăng gấp 7 lần so với cùng kỳ năm 2018. Tuy nhiên, lũy kế 6 tháng đầu năm 2019, doanh thu của BTP giảm 7,3% xuống 732 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế giảm 57% còn 50 tỷ đồng vì ghi nhận lỗ trong quý I/2019.

Giải thích việc lợi nhuận trồi sụt, ông Huỳnh Lin, Chủ tịch HĐQT BTP cho biết, hoạt động sản xuất điện tại miền Nam trong nửa đầu năm nay không đủ để tự cung ứng (thiếu hụt khoảng 30%), trong khi lưới điện quốc gia hiện đã hoạt động với công suất tối đa nên EVN cần BTP bù đắp lại lượng điện mà thủy điện chưa cung cấp được. Theo ông Lin, cách duy nhất để tăng lợi nhuận là tối đa hóa hệ số khả dụng (tức hiệu suất hoạt động). BTP hiện đang vận hành với hơn 90% công suất và kỳ vọng sẽ nâng lên cao hơn trong thời gian tới.

Theo quan sát hơn 10 năm gần đây, thủy văn thuận lợi khó diễn ra 3 năm liên tiếp. Sau 2 năm 2017, 2018 và giai đoạn nửa đầu năm 2019, CTCK Bảo Việt (BVSC) đánh giá, tình hình thủy văn không còn diễn biến tốt sẽ khiến nguồn cung điện từ các nhà máy thủy điện sụt giảm.

Dù vậy, việc sản lượng điện hợp đồng (Qc) năm 2019 tiếp tục hạ từ 85% về 80% sẽ là yếu tố tích cực hỗ trợ cho các doanh nghiệp do giá trên thị trường phát điện cạnh tranh cao hơn giá bán theo hợp đồng với nhà máy thủy điện.

Ngược lại, các nhà máy điện khí và điện than sẽ chịu ảnh hưởng suy giảm lợi nhuận do giá trên thị trường phát điện cạnh tranh thường thấp hơn giá bán theo hợp đồng.

Hoàng Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục