Cổ phiếu ngân hàng và dòng vốn ngoại

(ĐTCK) Tin nới room dù chưa thực sự chi tiết nhưng đã mang lại tác động nhất định với dòng vốn ngoại, giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài trở nên sôi động hơn, đã có ít nhất 2 phiên khối ngoại mua ròng hơn 400 tỷ đồng/phiên, một con số khá hiếm trong vài năm trở lại đây. Cổ phiếu ngân hàng, sau những kế hoạch sáp nhập khá rõ ràng đang đóng vai trò dẫn dắt thị trường.
Vietcombank (mã VCB) lâu lắm rồi đã chạm ngưỡng 50.000 đồng/CP; BIDV (mã BID) đang đi theo kịch bản tích cực mà lãnh đạo ngân hàng này đặt ra, đó là tích lũy trên 21.000 đồng/CP, gần đến ngưỡng dự báo cuối năm là tăng tối đa 24.000 – 26.000 đồng/CP; ngoại trừ EIB và STB với kế hoạch sáp nhập chưa chốt thì CTG, ACB, MBB đang giữ vai trò động lực chính cho cả 2 sàn chứng khoán.

Cổ phiếu ngân hàng và dòng vốn ngoại đang gợi lại hình ảnh của một thời chứng khoán “vàng son” 2006-2007.

Thời kỳ đó, với hiệu ứng gia nhập WTO của Việt Nam, dòng vốn ngoại ồ ạt đổ vào thị trường, cổ phiếu ngân hàng với mệnh danh là “cổ phiếu vua” đã dẫn dắt và lan tỏa ra rất nhiều ngành khác kéo VN-Index chỉ trong vài tháng vượt ngưỡng 1.100 điểm. Câu chuyện có tính thời sự nhất thời gian đó cũng mang tên là “chứng khoán”.

So sánh một chút để thấy có những nét tương đồng giữa 2 thời kỳ khi mà hiện tại, một loạt hiệp định thương mại tự do đã và sắp ký, TPP được kỳ vọng  sớm hoàn tất vào cuối năm nay, kinh tế vĩ mô ổn định và đang trên đà lấy lại tốc độ tăng trưởng cao,...

Khả năng lặp lại một chu kỳ là có cơ sở.

Tất nhiên, nói về việc VN-Index trở lại 1.100 điểm hay những sự vô lý kiểu công ty chưa hoạt động đã có giá “6-7 chấm” thì còn quá sớm, nhưng chí ít việc nhiều doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt, cổ tức cao hơn lãi gửi tiết kiệm “không nên” có mức giá lẹt đẹt dưới mệnh giá như hiện nay.

Quay trở lại với thị trường, những điều kiện khách quan như đề cập là sáng sủa, tuy nhiên, sự thay đổi nội tại để hiện thực hóa các cơ hội thị trường lại tương đối chậm. Kế hoạch của cơ quan quản lý viết ra như rút ngắn thời gian giao dịch, chứng khoán phái sinh, đưa doanh nghiệp lớn lên niêm yết tập trung,… là ấn tượng, nhưng tồn tại quan ngại về khả năng triển khai.

Chẳng hạn, việc rút ngắn thời gian giao dịch là nhu cầu cấp thiết, nhưng kế hoạch đưa ra mới chỉ là T+2, chứ chưa nói là T+1 hay T+0 đã nhận được nhiều ý kiến ngược chiều. Trong bối cảnh đó, cơ quan quản lý lại chưa có thông điệp cương quyết để yêu cầu thực hiện.

Tại sao lại như vậy? Là do điều kiện ban hành quá sốc hay vì lý do gì khác? Nhưng dù lý do gì thì mỗi cuộc chơi đều cần có luật chơi, cách ban hành luật chơi cũng cần có luật. Còn với thị trường, “khách” của “chợ chứng khoán” là nhà đầu tư, họ xứng đáng được hưởng những dịch vụ đẳng cấp hơn hiện tại.

Cái được gọi là hiện tại, vốn vẫn được coi là tụt hậu so với chuẩn mực nhiều nước phát triển thấp hơn Việt Nam.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục