Thông tư 06 sẽ tác động đến cổ phiếu ngân hàng

(ĐTCK) Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư 06 có hiệu lực từ ngày 15/7 tới trong đó nội dung minh bạch sở hữu lớn tại các tổ chức tín dụng và việc sở hữu vượt giới hạn phải khắc phục chậm nhất vào ngày 31/12/2015.
Thông tư 06 sẽ minh bạch sở hữu lớn của tại các tổ chức tín dụng Thông tư 06 sẽ minh bạch sở hữu lớn của tại các tổ chức tín dụng

ĐTCK đã có cuộc trao đổi với ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Chiến lược Đầu tư CTCK Maritimebank, đánh giá tác động của văn bản này. 

Ông đánh giá như thế nào về tác động của văn bản mới đến cổ đông các ngân hàng?

Có 2 điểm nhấn chính của Thông tư 06, theo đó yêu cầu các cổ đông lớn giảm tỷ lệ sở hữu tại các ngân hàng xuống dưới giới hạn cho phép vào cuối năm nay cùng với việc các ngân hàng có những cổ đông sở hữu tỷ lệ cổ phần cao hơn mức cho phép sẽ phải cung cấp cụ thể những thông tin chi tiết tỷ lệ sở hữu kèm theo phải đưa ra lộ trình giảm tỷ lệ này xuống dưới giới hạn cho phép chậm nhất là ngày 31/12/2015.

Cá  nhân tôi cho rằng, Thông tư này có ảnh hưởng mạnh đến các cổ đông sở hữu ngân hàng nói chung và các cổ đông cá nhân nói riêng.

ông Lê Đức Khánh
 

Ông có thể chia sẻ chi tiết hơn thống kê về sở hữu của cổ đông lớn tại các ngân hàng hiện nay?

Thống kê hiện nay cho thấy, có 5 trên 33 ngân hàng thương mại cổ phần có cá nhân sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ 5% vốn điều lệ; 5 trong số 33 ngân hàng thương mại cổ phần có tổ chức sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ 15% vốn điều lệ; 8/33 ngân hàng thương mại cổ phần có nhóm cổ đông và người có liên quan sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ 20% vốn điều lệ.

Khi Thông tư 06 có hiệu lực, các cổ đông đang sở hữu vượt mức cho phép sẽ phải có lộ trình giảm tỷ lệ cổ phần sở hữu và cũng phải cung cấp thông tin chi tiết tỷ lệ sở hữu này. Với diễn biến TTCK hiện nay, ngoài một số ngân hàng đang niêm yết trên 2 Sở GDCK TP. HCM và Sở GDCK Hà Nội, thì với các ngân hàng chưa niêm yết, việc giảm tỷ lệ sở hữu xuống là điều khó khả thi trong một khoảng thời gian ngắn, hoặc nếu buộc phải giảm, sẽ bất lợi về lợi ích của cổ đông hiện hữu.

Riêng những cổ đông cá nhân có khả năng chi phối hoạt động của ngân hàng, tổ chức tín dụng, việc giảm tỷ lệ sở hữu có thể sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi cổ đông cũng như các khoản cho vay ưu đãi từ phía ngân hàng khi thông tư 06 đi vào hiệu lực.

Vậy ông định lượng như thế nào ảnh hưởng của việc thực thi Thông tư 06 đến cổ phiếu ngân hàng niêm yết và chưa niêm yết?

Tôi cho rằng, cổ đông của các ngân hàng đang niêm yết chắc chắn sẽ không bị tác động nhiều như các ngân hàng TMCP chưa niêm yết, bởi sở hữu của cổ đông lớn tại các ngân hàng này đã được công bố định kỳ và nếu có phải thoái vốn, họ cũng sẽ dễ dàng thực thi được. Ngoài 9 ngân hàng lớn hiện nay đang niêm yết (VCB, MBB, BID, EIB, STB, ACB…), số lượng cổ phiếu ngân hàng chưa niêm yết đang lưu hành ngoài thị trường là rất lớn và được nhiều tổ chức, cá nhân nắm giữ.

Nếu những cổ đông lớn của khối ngân hàng này thực thi nghiêm Thông tư 06, cổ phiếu (OTC) của các ngân hàng TMCP chưa niêm yết sẽ có biến động. Mức biến động sẽ cao hơn cổ phiếu ngân hàng niêm yết do thanh khoản cũng như sự yêu thích của giới đầu tư đối với cổ phiếu chưa niêm yết không cao.

Có ý kiến cho rằng, Thông tư 06 thể hiện một nỗ lực mới của NHNN trong việc tạo sức ép yêu cầu các ngân hàng xử lý nhanh hơn và dứt điểm sở hữu chéo. Tuy nhiên, nếu các ngân hàng không tự xử lý thì có thể dẫn đến các NHTM buộc phải sáp nhập, hợp nhất để hoàn tất quá trình tái cấu trúc hệ thống?

Tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm và định hướng của NHNH về cơ cấu và làm lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng. Theo nội dung Thông tư 06 thì việc các cổ đông cá nhân và tổ chức có liên quan phải có lộ trình về việc giảm tỷ lệ sở hữu xuống giới hạn cho phép là cần thiết.

Nếu các ngân hàng không tự xử lý được thì việc họ phải sáp nhập hoặc hợp nhất sẽ là điều khó tránh khỏi. Tôi tin rằng, trong thời gian tới, chúng ta sẽ được chứng kiến nhiều thương vụ M&A ngành ngân hàng.

Hải Vân thực hiện

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục