Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Pennies sẽ vẫn nổi sóng

(ĐTCK) Dù không đánh giá cao các cổ phiếu mang tính đầu cơ như SHN, nhưng trao đổi với nhà báo Hải Vân trong chuyên mục bàn tròn tuần này, một số chuyên gia cho rằng, với diễn biến thị trường hiện nay, một số cổ phiếu pennies dạng như SHN sẽ thu hút sự chú ý của nhà đầu tư trong tuần tới.
Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Pennies sẽ vẫn nổi sóng

Việc Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư 06 có hiệu lực từ ngày 15/7 tới đây, trong đó nội dung chủ yếu mang tính siết chặt hoạt động sở hữu chéo tại các tổ chức tín dụng và việc sở hữu vượt giới hạn phải khắc phục chậm nhất vào ngày 31/12/2015 được cho là nguyên nhân khiến nhóm cổ phiếu ngân hàng suy yếu trong tuần qua. Liệu nhóm cổ phiếu ngân hàng có chịu tác động thêm trong thời gian tới không, theo ông/bà?

Ông Hoàng Thạch Lân, chuyên gia chứng khoán

Theo tôi được biết, nhà đầu tư chủ yếu quan tâm đến nội dung các cổ đông đang sở hữu cổ phần vượt giới hạn sẽ phải giảm về đúng tỷ lệ tối đa đã quy định, trước 31/12/2015. Điều này góp phần giảm tình trạng lũng đoạn ngân hàng của cổ đông lớn.

Tuy nhiên, tôi không rõ cổ đông lớn họ sẽ giảm tỷ lệ này như thế nào và NHNN sẽ giám sát ra sao để đảm bảo việc giảm này là đúng thực chất. Tức là không loại trừ khả năng, cổ đông lớn sẽ bán phần cổ phiếu vượt quy định cho ai đó quen biết, chứ không bán khớp lệnh trên sàn (đối với cổ phiếu ngân hàng đang niêm yết). Do đó, nội dung này không gây tác động mạnh lên giá cổ phiếu niêm yết trong thời gian tới.

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Pennies sẽ vẫn nổi sóng ảnh 1

 Ông Hoàng Thạch Lân

Điều khiến nhóm cổ phiếu ngân hàng suy yếu, theo tôi là do đã bị định giá cao. Lưu ý rằng gần đây, khi định giá nhóm cổ phiếu này, các công ty chứng khoán thường dùng chỉ số P/B chứ không dùng P/E, mà ngay cả khi dùng P/B, thì số liệu cũng dẫn đến kết luận rằng giá cao. Đa số cổ phiếu ngân hàng đang chuyển sang trạng thái đầu cơ với kỳ vọng nới room, có mã đã có dấu hiệu quá bán theo phân tích kỹ thuật.

Ông Nguyễn Nhật Cường, Phó trưởng phòng đầu tư, CTCK VietinbankSC

Thông tư 06 có hiệu lực sẽ làm tăng lượng cung ra thị trường chứng khoán, do các ngân hàng đang sở hữu chéo vượt giới hạn sẽ phải bán cổ phiếu ngân hàng đề về tỷ lệ cho phép. Điểm nữa, thời gian để thực hiện khá ngắn (5 tháng). Việc này, dẫn tới lượng cung tăng lên trong bối cảnh dòng tiền nội vẫn khá yếu dẫn tới việc giá nhóm cổ phiếu này suy yếu.

Ông Nguyễn Vũ Phong, Phó giám đốc CTCK SeABank

Nhóm cổ phiếu ngân hàng tạm chững đà tăng trong tuần, nhưng đã khởi sắc trở lại phiên cuối tuần. Việc siết chặt hoạt động sở hữu chéo tại các tổ chức tín dụng không còn là thông tin mới đối với nhà đầu tư, cũng như đối với các tổ chức tín dụng.

Các tổ chức và cá nhân đã có nhiều thời gian chuẩn bị cho việc đảm bảo tỷ lệ sở hữu tại các tổ chức tín dụng không vượt giới hạn cho phép.

Thông tư 06/2015/TT-NHNN quy định thời hạn, trình tự, thủ tục chuyển tiếp đối với trường hợp sở hữu cổ phần vượt giới hạn quy định tại Điều 55 Luật Các tổ chức tín dụng.

Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, hiện vẫn có 5/33 ngân hàng thương mại cổ phần có cá nhân sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ 5% vốn điều lệ; có 5/33 ngân hàng thương mại cổ phần là tổ chức sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ 15% vốn điều lệ; có 8/33 ngân hàng thương mại cổ phần có nhóm cổ đông và người có liên quan sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ 20% vốn điều lệ.

 Thông tin này có lẽ sẽ không ảnh hưởng nhiều đến cổ phiếu các ngân hàng niêm yết do chịu ảnh hưởng chủ yếu của thông tin trên là các ngân hàng chưa niêm yết và thỉnh thoảng giao dịch trên OTC (ABB, Techcombank, PVCombank, Phương Nam, Bắc Á). Nó sẽ đẩy nhanh quá trình sáp nhập của nhiều ngân hàng nhỏ với cơ cấu sở hữu vi phạm quy định. Do đó, thông tư này sẽ không ảnh hưởng đến biến động giá cổ phiếu của nhóm ngân hàng đang niêm yết.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, CTCK SBS

Hoạt động tái cấu trúc hệ thống ngân hàng đã bắt đầu từ đầu 2012 và cho đến nay cơ bản đã gần hoàn tất sau 3 năm thực hiện quyết liệt. Thông tư 06 hướng dẫn chi tiết giới hạn sở hữu cho phép 5% với cá nhân và 15% với các tổ chức. Đây là một trong những bước đi mạnh mẽ nhằm hạn chế tình trạng sở hữu chéo không rõ ràng và một phần làm trong sạch hệ thống tính dụng khi mà một phần trong việc sở hữu này đến từ nguồn vay dài hạn.

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Pennies sẽ vẫn nổi sóng ảnh 2

 Ông Nguyễn Hồng Khanh

Ở các ngân hàng niêm yết hiện tại thì không bị vướng nhiều quy định này và việc thực hiện thoái vốn của các cá nhân và tổ chức cũng sẽ dễ dàng hơn là các ngân hàng chưa niêm yết. Vì vậy tôi cho rằng, thông tư này không ảnh hưởng lớn lắm đến các cổ phiếu ngân hàng đang niêm yết trên sàn.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, CTCK Maybank Kim Eng (MBKE)

Theo tôi, đây là thông tin tốt, mang tính chất tích cực nhiều hơn. Nhóm cổ phiếu ngân hàng đã dẫn dắt thị trường nửa đầu năm 2015 nhờ nợ xấu giảm, tái cơ cấu quyết liệt trong đó các NHTM cổ phần nhà nước làm đầu tàu, mở rộng các gói cho vay với doanh nghiệp. Bởi thế, Thông tư 06 giúp hệ thống ngân hàng nói riêng và hệ thống tài chính tiến tới ổn định và phát triển bền vững hơn.

Còn về việc nhóm cổ phiếu ngân hàng giảm chỉ là điều chỉnh trong một xu hướng tăng điểm dài hạn sau giai đoạn tăng mạnh vừa qua chứ không phải do Thông tư 06 (hoặc chỉ tác động rất nhỏ trong ngắn hạn).

Chúng ta có thể thấy rõ, chỉ có nhóm ngân hàng trên sàn HOSE bị điều chỉnh nhẹ, còn nhóm ngân hàng trên HNX, đặc biệt là ACB tăng tốc, giúp HNX-Index mạnh hơn VN-Index trong những phiên giao dịch vừa qua.

Việc điều chỉnh này được xem là nghỉ ngơi, tái tạo năng lượng để tiếp tục tăng tốc và một phần do NĐT nước ngoài giảm mua nhóm này. Do đó, Thông tư 06 sẽ tiếp tục hỗ trợ cho nhóm ngân hàng trong trung dài hạn.

Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó trưởng phòng phân tích BVSC

Tôi cho rằng, Thông tư 06 chỉ là đưa ra thời hạn đến ngày 31/12/2015 phải giảm sở hữu chéo tại các tổ chức tín dụng, còn việc sở hữu vượt giới hạn thì theo quy định một cá nhân không được sở hữu quá 5%, đối với tổ chức là 15%, còn nhóm cổ đông liên quan là 20%.

Như vậy, hiện nay còn khoảng 8/33 ngân hàng rơi vào tình trạng một nhóm cổ đông hoặc một tổ chức đang nắm vượt tỉ lệ cho phép, điển hình như EVN đang nắm 16% cổ phần ABBANK, PVN nắm 52% cổ phần PvcomBank, MSN nắm 19,5% Techcombank, ông Trầm Bê và gia đình sở hữu 20,8% cổ phần Phương Nam Bank…

Có thể thấy đa phần các trường hợp này đều rơi vào những ngân hàng nhỏ chưa niêm yết, vì vậy tôi cho rằng nếu thông tư 06 có hiệu lực thì sẽ chỉ tác động đến những ngân hàng nhỏ và gần như sẽ không tác động mấy đến các ngân hàng niêm yết trong thời gian tới.

Đà tăng của dòng chứng khoán đã chững lại và dòng tiền đang có dấu hiệu chảy vào cổ phiếu bất động sản và cổ phiếu đầu cơ, đặc biệt cổ phiếu SHN đã tăng trần nhiều phiên trong tuần qua và tăng kỷ lục hơn 500% chỉ trong vòng 2 tháng trở lại đây. Cổ phiếu nào sẽ lọt vào “tầm ngắm” của nhà đầu tư trong tuần tới, theo dự báo của ông/bà?

Ông Hoàng Thạch Lân, chuyên gia chứng khoán

Thị trường lên thì tự nhiên có rất nhiều cổ phiếu hot, kể cả hàng cơ bản, hay loại có cổ tức cao, hay những mã có kỳ vọng từ các sự kiện vĩ mô như TPP, FTA..., thậm chí, cả những mã kém nhưng tăng giá theo tin đồn, hay theo cách mà chúng tôi gọi là thuyết âm mưu.

Tôi biết trên thị trường có loại nhà đầu tư thích nhảy sóng liên tục, tuy nhiên, bởi tôi thiên về đầu tư giá trị, nên không ủng hộ cách nhảy mã này chọn mã kia hàng tuần. Đầu tư là 1 quá trình không thể tính bằng vài phiên.

Ông Nguyễn Nhật Cường, Phó trưởng phòng đầu tư, CTCK VietinbankSC

Nhóm cổ phiếu ngành tiêu dùng cơ bản như ngành điện, nước... có thể được nhà đầu tư quan tâm do lợi nhuận tăng trưởng ổn định và giá chưa tăng.

Ông Nguyễn Vũ Phong, Phó giám đốc CTCK SeABank

Mặc dù tín hiệu điều chỉnh đã xuất hiện, nhưng thị trường hầu như chỉ xuất hiện nhịp rung lắc trong phiên, trong khi dòng tiền vẫn đang luân chuyển giữa các nhóm cổ phiếu. Cụ thể, dòng tiền chảy sang nhóm chưa tăng hoặc đã có nhịp điều chỉnh nhẹ.

Tuần qua, thị trường đã trở lại nhóm bất động sản vì nhóm này hầu như chưa có nhịp tăng nào trong sóng vừa qua, mặc dù nhóm cổ phiếu chứng khoán và ngân hàng chững lại trong tuần nhưng lại khởi sắc ở phiên cuối tuần.

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Pennies sẽ vẫn nổi sóng ảnh 3

 Ông Nguyễn Vũ Phong

Nhóm cổ phiếu đầu cơ cũng tăng mạnh trong tuần qua, tiêu biểu là SHN. Tuy nhiên, chúng tôi lưu ý nhà đầu tư nên lựa chọn cổ phiếu có yếu tố cơ bản tốt và nhìn vào nội tại của doanh nghiệp, nhóm cổ phiếu đầu cơ có tình hình tài chính không lành mạnh sẽ tiềm ẩn những rủi ro khi dòng tiền rút ra khỏi thị trường.

Với diễn biến trong tuần qua thì chúng tôi cho rằng, VN-Index sẽ sớm tiến tới ngưỡng 605 điểm trong tuần tới. Tuy nhiên, áp lực bán sẽ sớm gia tăng nên nhà đầu tư giữ thành quả của sóng vừa qua. Nhà đầu tư nên thực hiện chốt lời từng phần đối với những mã đã tăng mạnh trong thời gian qua và chuyển sang nhóm đang tích lũy hoặc tăng ít như bất động sản, xây dựng, …

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, CTCK SBS

Trong đợt tăng điểm vừa rồi, trụ cột chính vẫn là nhóm cổ phiếu ngân hàng và một vài cổ phiếu chứng khoán. Khi thị trường tăng trưởng thì cơ hội cũng đến với những cổ phiếu đầu cơ và sẽ không lạ khi trên sàn xuất hiện các cổ phiếu nhỏ tăng trần liên tục.

Thị trường hưng phấn thì nhóm cổ phiếu chứng khoán là tầm ngắm tiếp theo của nhà đầu tư và trong đợt này nhóm cổ phiếu dầu khí cũng sẽ quay trở lại đón sóng mới.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, CTCK Maybank Kim Eng (MBKE)

Quan sát của tôi cho thấy, nhóm này thu hút được rất lớn các NĐT cá nhân khi các bluechips lớn đã đi được một đoạn xa, một phần vì giá cổ phiếu thấp hơn nhiều mặt bằng chung và các thông tin doanh nghiệp cũng tự mình "cứu mình" như SHN.

Những cổ phiếu dạng pennies này tuần tới dạng giống như SHN vẫn sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm như SDU, VHG, TTZ, SHI, KTB, C47..., bên cạnh một số mã dầu khí như PVG, PGS, PXT... và các mã ngân hàng đã có tuần điều chỉnh như VCB, CTG, BID...

Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó trưởng phòng phân tích BVSC

Tôi cho rằng, có 3 nhóm ngành có khả năng sẽ thu hút được sự chú ý của dòng tiền trong tuần tới:

Đầu tiên phải kể đến nhóm ngành chứng khoán (SSI, HCM, BVS…). Việc thị trường chứng khoán đang diễn biến tương đối thuận lợi cả về điểm số lẫn thanh khoản, có thể giúp triển vọng kết quả kinh doanh của các CTCK khởi sắc trở lại trong thời gian tới.

Cùng với đó, những kỳ vọng về lộ trình nới “room” cho nhà đầu tư ngoại hay việc triển khai các sản phẩm chứng khoán phải sinh sẽ là những yếu tố giúp nhóm ngành này thu hút được sự quan tâm của dòng tiền.

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Pennies sẽ vẫn nổi sóng ảnh 4

Ông Nguyễn Xuân Bình 

Kế đến là nhóm cổ phiếu dầu khí (PVS, PVB, PXS…) khi giá dầu đã hồi phục đáng kể từ đáy và đang có xu hướng dao động ổn định quanh 60 USD/thùng trong bối cảnh giá của các cổ phiếu thuộc nhóm ngành này đang có nhiều cơ hội thoát khỏi kênh giá đi ngang sau một thời gian tích lũy tương đối dài trước đó.

Cuối cùng là nhóm cổ phiếu bất động sản. Đây là nhóm sẽ được hưởng lợi từ xu hướng lãi suất thấp và các chính sách hỗ trợ thị trường bất động sản của chính phủ có hiệu lực từ 01/07 tới đây. Tuy nhiên, tôi cho rằng nhóm ngành này sẽ có diễn biến phân hóa theo từng phân khúc cổ phiếu.

Tuần qua, thị trường rộ lên tin đồn, cụ thể là liên quan đến HAG và đã có những tác động bất lợi đối với cổ phiếu này cho thấy, nhà đầu tư vẫn chưa thoát khỏi tin đồn. Ông/bà đánh giá như thế nào về sự tồn tại của tin đồn và nó đang tác động ra sao đến tâm lý nhà đầu tư?

Ông Hoàng Thạch Lân, chuyên gia chứng khoán

Tin đồn là 1 sản phẩm có mặt ở mọi TTCK, không thể ngăn ngừa hay dẹp bỏ, mà chỉ có thể xác nhận hay bác bỏ thông qua kênh quan hệ đầu tư - IR, hoặc qua công bố thông tin chính thức (ở Việt Nam là qua các Sở GDCK).

Ở Việt Nam, tin đồn lan rất nhanh, rộng qua các diễn đàn và các kênh liên lạc phổ biến như Skypes hay Facebook, nhưng cơ chế xác nhận hay bác bỏ tin đồn đa phần rất chậm.

Không phải công ty niêm yết nào cũng có bộ phận IR để phản ứng kịp thời. Hơn nữa, cơ quan quản lý chưa thực hiện được vụ chế tài, xử phạt nào nổi bật liên quan đến tin đồn để mang tính răn đe và nâng cao nhận thức của nhà đầu tư, riết rồi nhà đầu tư quen và đua theo tin đồn. "Nếu tin đồn có thể kéo giá lên, mang lại lợi nhuận chênh lệch giá thì tại sao lại không tin mà mua theo", tôi nghĩ đó là lối suy nghĩ chung, một loại phản xạ có điều kiện.

Trường hợp HAG thì "quy trình tạo tiền" ngược lại 1 chút, đó là khiến nhà đầu tư nhỏ lẻ sợ hãi. Do TTCK Việt Nam không cho bán khống, nên khi doanh nghiệp bị cố ý tung tin đồn xầu thì chỉ có thể là dìm hàng, “rung cây dọa khỉ” cho giá xuống để rồi mua lại. May mắn thay, bản thân lãnh đạo HAG đã phản ứng khá kịp thời. Tuy nhiên, xét về bản chất, đây chỉ là 1 trường hợp cá biệt, tức là vẫn chưa có cơ chế hữu hiệu về tổng thể. Do đó, nhà đầu tư sẽ vẫn phải "sống chung với lũ".

Ông Nguyễn Nhật Cường, Phó trưởng phòng đầu tư, CTCK VietinbankSC

Đối với thị trường Việt Nam, thông tin không chính thống ảnh hưởng mạnh tới thị trường. Điều này một phần do thông tin từ các doanh nghiệp niêm yết còn chậm, thiếu chủ động và một phần từ cách giao dịch thiên về đầu cơ của nhà đầu tư. Vì vậy, khi xuất hiện các thông tin đồn lập tức ảnh hưởng nhanh và mạnh đến giao dịch của các cổ phiếu này như trường hợp của HAG vừa qua.

Để khắc phục điểm này, tổ chức phát hành cần quan tâm tới hoạt động IR hơn nữa sẽ giúp cổ đông không bị giao động bởi các thông tin đồn đoán trên thị trường.

Ông Nguyễn Vũ Phong, Phó giám đốc CTCK SeABank

Tin đồn là một trong những nhân tố tạo biến động giá trên thị trường, sự xuất hiện tin đồn là điều không ngạc nhiên trên TTCK. Những tin đồn thất thiệt chỉ tác động ngắn hạn đến biến động giá của cô phiếu. Về trung và dài hạn, nhà đầu tư vẫn nhìn vào nền tảng kết quả hoạt động của doanh nghiệp và lúc này nhà đầu tư có thời gian nhìn nhận đánh giá lại mức độ đúng sai của tin đồn đó. Đối với cổ phiếu HAG, nhà đâu tư vẫn có kỳ vọng cao về hoạt động của doanh nghiệp này trong trung và dài hạn.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, CTCK SBS

Vừa qua, một số vụ việc liên quan đến xử lý các ngân hàng yếu kém diễn ra khá liên tục và đến khi nhà đầu tư nhận thông tin chính thức thường đã muộn và gần như không trở tay kịp, như trường hợp VNCB hay Ocean Bank.

Đầu tư trên thị trường chứng khoán thì thông tin chiếm vai trò quan trọng nhất, vì vậy, tin đồn sẽ luôn tồn tại song hành và gây tác động tâm lý rất lớn.

Ở phía các nhà quản lý, cần có cơ chế kiểm soát thông tin và công bố đầy đủ dữ kiện cần có kịp thời và đúng lúc từ đó nhà đầu tư có nguồn thông tin tin cậy để đánh giá và quản trị được các rủi ro trong đầu tư.

Đối với nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ cần liên tục cập nhật thông tin hoạt động doanh nghiệp mình đầu tư cổ phiếu và để an toàn nhất chính là hạn chế đầu tư theo tin đồn để tránh các rủi ro tiềm ẩn.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, CTCK Maybank Kim Eng (MBKE)

Tin đồn thường được gán là xấu, tin tốt thì không được nói thế bao giờ. Về nguyên tắc, nó tác động rất mạnh mẽ theo hướng tiêu cực ảnh hưởng đến TTCK và bản thân mã cổ phiếu đó. Tuy nhiên, thời gian gần đây tin đồn có phần giảm bớt và mức tác động xấu cũng yếu hơn. Một phần các NĐT bị "chai" và quá quen với việc "sống chung với lũ" chấp nhận một điều là thị trường vẫn luôn tồn tại tin đồn.

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Pennies sẽ vẫn nổi sóng ảnh 5

Ông Phan Dũng Khánh 

Bên cạnh đó, sau các loại tin đồn các năm trước, các NĐT cũng bình tĩnh và phản ứng thận trọng hơn, họ cũng tìm các nguồn khác để kiểm tra trước khi phản ứng thật sự với tin đồn nên tác động tiêu cực của nó có giảm lại thời gian gần đây, dĩ nhiên trừ khi tin đồn biến thành tin có thật.

Chúng ta cũng có thể thấy tin đồn tác động đến mã cổ phiếu HAG, làm mã này giảm chỉ khoảng 1.000-2.000 đồng khi bắt đầu có trong khoảng 10 ngày qua chứ từ đầu năm thì không có những dạng tin này, nhưng cổ phiếu HAG cũng đã rớt từ 23.500 về 18.000 đồng, thậm chí còn nhận được các tin tốt như mở rộng quy mô, lĩnh vực kinh doanh, mua lại cổ phiếu quỹ. Bởi thế, tin đồn vẫn sẽ có tác động xấu, nhưng mức độ ảnh hưởng theo tôi sẽ không lớn như lúc trước khi bản lĩnh của NĐT qua "chinh chiến" đã được "tôi luyện" nhiều hơn, giúp họ mạnh mẽ hơn.

Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó trưởng phòng phân tích BVSC

Tin đồn là một phần tất yếu trên TTCK đặc biệt là đối với TTCK Việt Nam, còn đang trong giai đoạn phát triển khá non trẻ. Một vấn đề lớn của chúng ta là thông tin thiếu minh bạch, nhà đầu tư luôn phải đối mặt với tình trạng “bán tín bán nghi” và trong bối cảnh đó thì việc họ bị tác động của các “tin đồn” là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, nếu quan sát cả một giai đoạn trong khoảng 5 năm trở lại đây, có thể thấy nhà đầu tư đã trưởng thành và có nhiều kinh nghiệm hơn rất nhiều.

 Mức độ chịu tác động của các thông tin “nhiễu” đã dần giảm bớt cả về cường độ và thời gian. Các doanh nghiệp cũng đã chủ động hơn khi đối phó với các tin đồn thất thiệt, giúp nhà đầu tư giảm thiểu các thiệt hại liên quan.

Hải Vân

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục