Khóa room, nới room và kế hoạch bán cổ phần
Số liệu từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam cho thấy, tính đến ngày 15/2/2023, 16 ngân hàng có tỷ lệ sở hữu nước ngoài trên 15%, một số ngân hàng đã kín hoặc gần kín room ngoại là ACB, MSB, TPBank, Sacombank, ABBank; một số ngân hàng khác duy trì tỷ lệ sở hữu nước ngoài thấp hơn mức tối đa theo quy định là 30% để tạo dư địa huy động vốn như VIB (20,5%), OCB (22%), Techcombank (22,47%), MB (23,23%).
Cuối tháng 11/2022, VIB công bố thông tin về ngày đăng ký cuối cùng để chốt danh sách cổ đông thực hiện lấy ý kiến bằng văn bản, trong đó có nội dung điều chỉnh room ngoại. Theo lãnh đạo VIB, tỷ lệ này có thể được điều chỉnh lên 30%, trong trường hợp được đại hội cổ đông thông qua.
Ngoài ra, VIB dự kiến đề xuất đại hội ủy quyền cho Hội đồng quản trị chủ động quyết định các nội dung công việc về room ngoại trong phạm vi nhỏ hơn hoặc bằng 30% vốn điều lệ.
Hiện cổ đông chiến lược nước ngoài của VIB là Commonwealth Bank of Australia, nắm giữ khoảng 20% cổ phần từ năm 2010 đến nay.
Tương tự, tại OCB, theo kế hoạch được đại hội cổ đông thường niên 2021 thông qua, Ngân hàng sẽ chào bán riêng lẻ 70 triệu cổ phiếu cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Mức giá chào bán không thấp hơn giá trị sổ sách trên mỗi cổ phần của Ngân hàng thời điểm cuối quý gần nhất tại thời điểm phát hành.
Trong trường hợp nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phiếu phát hành riêng lẻ, OCB sẽ trình đại hội nới room ngoại lên mức tối đa 30%. Hiện tại, room ngoại đang được khoá ở mức 22%.
Trước đó, giữa năm 2020, OCB bán 15% cổ phần cho đối tác Nhật Bản là Ngân hàng Aozora, nâng vốn điều lệ từ 7.898 tỷ đồng lên 8.767 tỷ đồng.
Riêng vấn đề room ngoại tại Sacombank hiện còn nhiều tranh cãi. VSD cho rằng, room ngoại tại Sacombank đã chạm trần 30%, trong khi Ngân hàng khẳng định chưa có văn bản nào đề nghị VSD tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài từ 23,63% lên 30% khi chưa được sự chấp thuận của đại hội cổ đông.
Sacombank cho biết, Ngân hàng sẽ tiếp tục làm việc với cơ quan chức năng, Ngân hàng Nhà nước để bảo vệ quyền lợi về vấn đề room ngoại và đề nghị VSD có văn bản giải thích thỏa đáng, hướng xử lý minh bạch, đảm bảo quyền lợi cho các bên liên quan.
Theo quy định tại Nghị định 01/2014/NĐ-CP, tỷ lệ sở hữu cổ phần của một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài không được vượt quá 20% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng Việt Nam và tổng tỷ lệ sở hữu cổ phần của tất cả các nhà đầu tư nước ngoài tại một tổ chức tín dụng trong nước không được vượt quá 30% vốn điều lệ.
Vì thế, với những cổ phiếu trong nhóm ngân hàng có triển vọng và tiềm năng, nhưng đã kín room ngoại, thì chỉ cần “hở” room liền lập tức có nhà đầu tư nước ngoài mua vào như tại VPBank, MB, Techcombank.
Vừa qua, Eximbank đã điều chỉnh room ngoại từ 30% xuống 29,97043%, bởi giữa tháng 1/2023, SMBC thông báo bán xong 132,8 triệu cổ phiếu Eximbank vào ngày 13/1/2023. Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu của SMBC tại Eximbank giảm từ 15,07% (185,3 triệu cổ phiếu) xuống 4,27% (52,51 triệu cổ phiếu) và không còn là cổ đông lớn. Trên thị trường xuất hiện thông tin, việc SMBC rút vốn khỏi Eximbank là để tìm kiếm cơ hội đầu tư vào một ngân hàng khác của Việt Nam, cái tên được nhắc tới là VPBank, sau khi nhà băng này nâng room ngoại từ 15% lên 17% và SMBC đã hoàn tất mua 49% FE Credit (công ty con của VPBank).
Chỗ còn nguyên, chỗ kỳ vọng nới thêm room
Theo đề xuất của Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng yếu kém có thể được nới room ngoại lên tới 49%.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng không chỉ hấp dẫn các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước, nhưng khẩu vị đầu tư của khối ngoại khá chọn lọc và không dàn trải. Điều này thể hiện rất rõ qua tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại không ít ngân hàng hiện đã chạm ngưỡng tối đa 30%, thì đa số nhà băng khác vẫn còn trống rất nhiều, thậm chí còn nguyên room như SeABank, Bac A Bank, Nam A Bank, VietCapital Bank, KienLongBank, PG Bank, VietABank, VietBank, SHB, LienVietPostBank…
Trong đó, tại kỳ đại hội cổ đông thường niên 2022, SHB đã trình kế hoạch chào bán không quá 20% vốn điều lệ cho nhà đầu tư nước ngoài.
Với SeABank, ngân hàng này được cho sẽ chào bán tối đa 15% cổ phần cho các nhà đầu tư nước ngoài, sau hơn 3 năm đối tác Pháp là Tập đoàn Société Générale thoái vốn vào năm 2019. Trước đó, năm 2008, Société Générale sở hữu 15% vốn của SeABank, rồi nâng sở hữu lên mức trần 20%.
Có những ngân hàng khóa room ngoại ở mức rất thấp để “giữ chỗ” cho đối tác chiến lược như LienVietPostBank (5%), Ngân hàng Bản Việt (5%), số khác khoá room ngoại để giảm bớt ảnh hưởng của nhóm nhà đầu tư nước ngoài đối với giá cổ phiếu và cấu trúc cổ đông.
Nhưng dù đã kín room hay vẫn còn trống nhiều, điểm chung của các ngân hàng là đều mong được nới room ngoại lên trên 30%, nhằm tạo dư địa cho các phương án huy động vốn trong tương lai.
Theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), trong 5 năm kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực (1/8/2020), Việt Nam cam kết xem xét cho phép 2 tổ chức tín dụng châu Âu được sở hữu tới 49% vốn điều lệ của 2 ngân hàng Việt Nam, ngoại trừ BIDV, VietinBank, Vietcombank và Agribank.
Công ty Chứng khoán Bản Việt cho rằng, Sacombank là ứng cử viên sáng giá nhất cho cam kết EVFTA trên, vì hiện tại, 32,5% cổ phiếu đang lưu hành của Ngân hàng được giữ làm tài sản thế chấp cho một khoản nợ không thanh toán được đã được chuyển nhượng cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam.
Theo đề xuất của Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng yếu kém có thể được nới room ngoại lên tới 49%. Cơ quan này đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 01/2014/NĐ-CP của Chính phủ về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam.
Dự thảo sửa đổi, bổ sung Khoản 2, Điều 6 về hình thức mua cổ phần đối với nhà đầu tư nước ngoài. Theo đó, nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần trong trường hợp tổ chức tín dụng cổ phần chào bán cổ phần, phát hành cổ phần để tăng vốn điều lệ.
Bên cạnh đó, dự thảo bổ sung Khoản 6a, Điều 7 về tỷ lệ sở hữu cổ phần đối với nhà đầu tư nước ngoài. Trong trường hợp đặc biệt, để thực hiện phương án chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng yếu kém, Chính phủ quyết định tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài tại tổ chức tín dụng nhận chuyển giao bắt buộc vượt giới hạn quy định khi phê duyệt phương án chuyển giao bắt buộc, nhưng không vượt quá 49% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng nhận chuyển giao bắt buộc.
Vietcombank, MB, HDBank đã lấy ý kiến cổ đông về nhận chuyển giao bắt buộc. Trong khi đó, VPBank đang trong quá trình lấy ý kiến cơ quan quản lý nhà nước về việc nhận chuyển giao bắt buộc. Các ngân hàng chuyển giao bắt buộc là CB, OceanBank, DongABank và GPBank.
Như vậy, nếu dự thảo Nghị định được thông qua, MB, HDBank và VPBank có thể sẽ được nới room ngoại lên tới 49%. Đối với BIDV và Vietcombank, Chính phủ sẽ thực hiện theo Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025” nêu tại Quyết định 689/QĐ-TTg ngày 8/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ và “Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến 2025, định hướng đến 2030" nêu tại Quyết định 986/QĐ-TTg ngày 8/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó nêu rõ kế hoạch sắp xếp và tỷ lệ vốn dự kiến Nhà nước nắm giữ tại 2 ngân hàng. Tính đến thời điểm hiện tại, Nhà nước đang nắm giữ 80,9% vốn tại BIDV và 74,8% vốn tại Vietcombank.
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng, việc tham gia của nhà đầu tư nước ngoài trong những năm qua đã mang lại những thay đổi tích cực về tài chính, công nghệ, quản trị và điều hành tại các tổ chức tín dụng theo hướng tiếp cận gần hơn với các thông lệ, chuẩn mực quốc tế. Do đó, nâng giới hạn sở hữu nước ngoài là cần thiết.