Cổ phiếu kín room cản trở khối ngoại bắt đáy

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhiều cổ phiếu về vùng định giá rẻ nhưng nhà đầu tư nước ngoài không thể nâng tỷ lệ sở hữu tại doanh nghiệp do room ngoại đã được lấp đầy.
Nhà đầu tư ngoại có xu hướng quan tâm tới các cổ phiếu đầu ngành. Nhà đầu tư ngoại có xu hướng quan tâm tới các cổ phiếu đầu ngành.

52 mã trên HOSE kín room

Tại cuộc đối thoại cùng cổ đông ngày 16/1/2023, ông Bolat Duisenov, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons (mã CTD) đã bày tỏ nỗi trăn trở về việc không thể mua vào cổ phiếu do tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư ngoại tại doanh nghiệp này đã kịch trần (39%).

Hội đồng quản trị CTD dự kiến sẽ xin ý kiến cổ đông thông qua việc nâng room lên 60% tại đại hội cổ đông thường niên sắp tới. Điều này, theo ông Bolat Duisenov, sẽ giúp khối ngoại có thêm dư địa mua vào cổ phiếu CTD, từ đó làm tăng sức hấp dẫn của cổ phiếu đối với các nhà đầu tư và quỹ ngoại.

Thực tế, CTD chỉ là một trong nhiều trường hợp vì vướng trần sở hữu nên khối ngoại không thể tăng tỷ lệ nắm giữ. Chẳng hạn, trong thời gian từ ngày 29/12/2022 đến ngày 27/1/2023, Quỹ Platinum Victory Pte. Ptd tiếp tục đăng ký mua vào 4.813.688 cổ phiếu REE (của Công ty cổ phần Cơ Điện Lạnh) để nâng sở hữu từ 33,64% lên 34,99% vốn điều lệ nhưng kết thúc thời gian đăng ký vẫn không mua được.

Kịch bản đăng ký mua vào mà không mua được của quỹ này lặp lại do nhà đầu tư ngoại không muốn bán vốn tại Cơ Điện Lạnh, một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thiết yếu điện, nước, bất động sản cho thuê văn phòng với dòng tiền mặt ổn định, dồi dào.

Theo dữ liệu thống kê của Công ty Chứng khoán SSI, tính đến cuối tháng 1/2023, trên sàn HOSE có 52 mã cổ phiếu đã kín room ngoại, trong đó có thể kể tới các mã như VPB, TCB, REE, PNJ, PSH, MWG, HUB, PET, CTD, DBT, CKG, ACB… Ngoài ra, hàng loạt cổ phiếu khác gần kín room như VIB, LPB, TPB, GMD, FPT, MBB…

Với việc thị trường vừa trải qua một năm mất mát, định giá cổ phiếu đang ở mức rẻ tương đối so với nhiều năm trở lại đây. Theo thống kê của Công ty Chứng khoán VNDirect, P/E bình quân của các cổ phiếu sàn HOSE chạm mức 9,11 lần vào ngày 15/11/2022 khi thị trường tạo đáy ngắn hạn, mức thấp kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây và sau nhịp hồi phục trong tháng đầu năm 2023, chỉ số này vẫn ở mức thấp, với 11,12 lần.

Tuy vậy, việc room ngoại được lấp kín đã cản trở việc nhà đầu tư ngoại “bắt đáy” nhiều cổ phiếu trong đợt bán tháo cuối năm 2022.

Nới room để hút dòng tiền

Số liệu thống kê cho thấy, trong 3 tháng cuối năm, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 24.771,2 tỷ đồng trên sàn HOSE; trong đó, tháng 10/2022, nhà đầu tư ngoại bán ròng 2.067,8 tỷ đồng; tháng 11/2022 mua ròng 14.926,6 tỷ đồng và tháng 12/2022 mua ròng 11.912,4 tỷ đồng.

Khối ngoại mua ròng mạnh trùng với giai đoạn thị trường bị bán tháo, nhà đầu tư trong nước hoảng loạn, liên tục bán ra và đặc biệt, tài khoản của hàng loạt lãnh đạo doanh nghiệp như DIC Corp (mã DIG), Hodeco (mã HDC), Đầu tư Hải Phát (mã HPX), Phát Đạt (mã PDR)… bị bán giải chấp. Mặc dù vậy, không phải tất cả các cổ phiếu khối ngoại đều có thể mua thêm được.

Thông thường, các quỹ ngoại khi chọn vào thị trường, họ sẽ chọn đầu tư vào các doanh nghiệp đầu ngành theo từng lĩnh vực mà chiến lược đầu tư đặt ra từ ban đầu khi thành lập. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đầu ngành như VPB, TCB, REE, PNJ, PSH, MWG, HUB, PET, CTD, DBT, CKG, ACB… hiện tại đều đã kín room. Điều này khiến dòng vốn ngoại khó đổ mạnh vào thị trường chứng khoán trong nước.

Trở lại với câu chuyện dự kiến nới room tại Coteccons, nhiều nhà đầu tư kỳ vọng đây sẽ là tín hiệu cho một làn sóng nới room ngoại tại nhiều doanh nghiệp trong năm 2023, từ đó giúp giao dịch ở một số cổ phiếu đầu ngành thêm sôi động.

Duy Bắc

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục