Nhà băng ngóng nới room ngoại

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhiều ngân hàng đang "tự siết" tỷ lệ sở hữu nước ngoài (room) để dành phần ít ỏi trong tổng room 30% cho đối tác ngoại. Nới room hơn mức 30% là điều một số ngân hàng mong muốn.
Các nhà đầu tư ngoại đang chờ đợi quyết định “nới room” ngân hàng Các nhà đầu tư ngoại đang chờ đợi quyết định “nới room” ngân hàng

Nhà băng nào sẽ được nới room theo EVFTA?

Theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), trong 5 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực (1/8/2020), Việt Nam cam kết sẽ xem xét cho phép các tổ chức tín dụng EU được nâng mức nắm giữ lên tối đa 49% vốn điều lệ của 2 ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam (không áp dụng với 4 ngân hàng thương mại nhà nước là BIDV, Vietcombank, VietinBank và Agribank).

Trong báo cáo cập nhật về HDBank (HDB), Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MASVN) cho biết, HDBank là một trong số ít ngân hàng đang được xem xét nới giới hạn sở hữu nước ngoài lên 49% theo lộ trình quy định trong thỏa thuận thương mại EVFTA. Nhóm phân tích MASVN cho rằng, nhờ lợi nhuận trước thuế năm 2021 tăng trưởng vượt trội (tăng 39%), đạt 8.070 tỷ đồng, HDBank sẽ có nhiều dư địa để cân bằng giữa tăng trưởng lợi nhuận và củng cố chất lượng tài sản bằng cách tăng tỷ lệ bao phủ nợ xấu. Kế hoạch đưa ra cho năm 2022, HDBank dự kiến đạt mức lợi nhuận 9.800 tỷ đồng.

Với việc sử dụng trái phiếu chuyển đổi như một công cụ huy động mới, HDBank đã phần nào giảm được chi phí huy động, cũng như hỗ trợ giá cổ phiếu khi giá chuyển đổi được nhiều nhà đầu tư xem là mức giá tham chiếu cho cổ phiếu HDB. Theo MASVN, sử dụng trái phiếu chuyển đổi, cũng như phát hành trái phiếu quốc tế sẽ hỗ trợ cho lợi nhuận của HDBank. Thêm vào đó, phát hành trái phiếu chuyển đổi cũng giúp gia tăng tỷ lệ an toàn vốn (CAR) cho Ngân hàng. Nếu HDBank được chọn trở thành ngân hàng thí điểm nới room ngoại, sẽ là một điểm sáng hỗ trợ giá của cổ phiếu HDB.

Trong khi đó, Công ty Chứng khoán Bản Việt cho rằng, Sacombank là ứng cử viên rõ ràng nhất cho cam kết EVFTA này, vì hiện tại 32,5% lượng cổ phiếu đang lưu hành của Ngân hàng được giữ làm tài sản thế chấp cho một khoản nợ không thanh toán được đã được chuyển nhượng cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).

Việc bán 32,5% vốn của Sacombank trong một lần sẽ đem lại giá trị cao nhất cho VAMC. Tuy nhiên, do số cổ phần này vượt quá ngưỡng tối đa 30% hiện đang áp dụng cho các ngân hàng, nên việc bán sẽ phải được thực hiện theo một miễn trừ đặc biệt như EVFTA.

Sacombank cho biết, đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu và tài sản tồn đọng trong giai đoạn 2022 - 2026 thông qua việc triển khai quyết liệt các giải pháp thu hồi nợ, kết hợp quản trị rủi ro. Đồng thời, Ngân hàng dự kiến chậm nhất đến năm 2023, sẽ hoàn tất xử lý toàn bộ các vấn đề tồn đọng thuộc Đề án, qua đó chính thức hoàn thành trước hạn đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt. Trên cơ sở đó, Sacombank sẽ thực hiện các thủ tục xin phép Ngân hàng Nhà nước để thực hiện chi trả cổ tức cho cổ đông. Dự kiến, đến năm 2022, hoặc đầu năm 2023, Ngân hàng có thể chia cổ tức. Tuy nhiên, bản chất vấn đề là tái cơ cấu, khi tái cơ cấu thành công mới xử lý các vấn đề khác như chia cổ tức, bán 32,5% cổ phần cho cổ đông chiến lược nước ngoài.

Với “các ngân hàng 0 đồng” hiện đang chịu sự quản lý của Ngân hàng Nhà nước (bao gồm CB Bank, GP Bank và Ocean Bank), theo các công ty chứng khoán, không phải là ứng cử viên rõ ràng để mở room theo cam kết EVFTA.

Ngân hàng kỳ vọng được nới room, hút vốn ngoại

Trước áp lực tăng vốn để đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế Basel II, Basel III và tiếp sức cho nền kinh tế hồi phục, việc quy định tỷ lệ room ngoại không vượt quá 30% đang làm giảm cơ hội tiếp cận nguồn vốn ngoại của các ngân hàng Việt Nam.

HDBank và Sacombank được đánh giá là các ứng cử viên sáng giá cho việc nới room ngoại lên 49% theo cam kết của Hiệp định EVFTA.

Hiện nhiều ngân hàng đã kín hoặc gần kín tỷ room ngoại như ACB, ABBank, VietinBank, Eximbank, MB, MSB, OCB, Techcombank, Vietcombank, TPBank. Trong số 27 ngân hàng niêm yết, chỉ có 15 ngân hàng có tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trên 15%. Do cổ phiếu ngân hàng hấp dẫn nhà đầu tư ngoại, trong khi phải thúc đẩy tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược, nên từ đầu năm 2021 đến nay, nhiều ngân hàng đã phải khóa "room" ngoại để chờ cơ hội tốt hơn bán vốn cho đối tác nước ngoài.

Chẳng hạn tại VPBank, thời điểm tháng 5/2021, room ngoại của ngân hàng này là 20%. Tuy nhiên, để chuẩn bị bán 15% vốn cho đối tác chiến lược nước ngoài, ngân hàng này đã khóa room vốn ngoại là 17,5%.

Trong khi đó, hiện room ngoại tại OCB còn 10% và Ngân hàng đang đàm phán với đối tác ngoại để bán tiếp phần còn lại, chốt room ngoại theo quy định dưới trần 30%. Trước đó, vào giữa năm 2020, OCB hoàn tất thương vụ bán 15% cổ phần cho đối tác Nhật Bản là Ngân hàng Aozora, đưa mức vốn điều lệ hiện hữu tăng từ 7.898 tỷ đồng lên 8.767 tỷ đồng.

Nhiều ngân hàng khác đã và đang trong quá trình tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược nước ngoài như VietCapitalBank, Nam A Bank, Techcombank, HDBank...

Tuy nhiên, không phải ngân hàng nào cũng có sức hút với nhà đầu tư nước ngoài. Trên thị trường hiện vẫn còn rất nhiều ngân hàng có tỷ lệ sở hữu nước ngoài rất thấp, thậm chí vẫn còn nguyên 100% room ngoại chưa sử dụng đến như Bac A Bank, VietCapital Bank, KienLongBank, PG Bank, VietABank, VietBank…

Thậm chí, Thông tư 38/2014/NHNN đã mở cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài mua hơn 30% cổ phần của một ngân hàng 0 đồng khi có sự chấp thuận của Chính phủ từ năm 2014, nhưng đến nay không có người mua nào.

Theo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) và Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), ngân hàng nào có sức khỏe tốt nên được nới room ngoại lên trên 30%. Được biết, CIEM đang dự thảo báo cáo “Nghiên cứu tính cần thiết của việc điều chỉnh tăng giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại các tổ chức tín dụng”. Việc tăng vốn và kỳ vọng tăng room ngoại được đánh giá là chất xúc tác tích cực đối với giá cổ phiếu ngân hàng trong thời gian tới.

Trong buổi làm việc giữa CIEM với VNBA đầu tháng 11/2021, các chuyên gia cho biết, giới hạn tỷ lệ sở hữu vốn nước ngoài đang làm khó các ngân hàng Việt Nam trong việc tìm kiếm cổ đông chiến lược, hút vốn ngoại nâng cao năng lực tài chính, sức cạnh tranh.

Theo các chuyên gia, quy định tại Nghị định số 01/2014/NĐ-CP về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam, tỷ lệ sở hữu cổ phần nhà đầu tư nước ngoài không quá 5% vốn điều lệ đối với cá nhân nước ngoài; không quá 15% vốn điều lệ đối với tổ chức nước ngoài; không quá 20% vốn điều lệ đối với nhà đầu tư chiến lược; nhà đầu tư nước ngoài và người có liên quan không quá 20% vốn điều lệ, đang là rào cản trong việc hút vốn ngoại của các ngân hàng Việt Nam.

Với các ngân hàng thương mại nhà nước, hiện room ngoại còn lại của Vietcombank là 6,4% và BIDV là 13,3%, nên các nhà băng này vẫn còn dư địa để gia tăng vốn thông qua phương thức bán cổ phần cho các nhà đầu tư nước ngoài hơn là VietinBank (chỉ còn room 2,25%).

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó tổng giám đốc phụ trách Ban điều hành Vietcombank đề nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước tạo điều kiện để Vietcombank tiếp tục tăng vốn bằng cách cho phép Ngân hàng giữ lại lợi nhuận sau thuế để trả cổ tức bằng cổ phiếu, cũng như có lộ trình tăng giới hạn sở hữu nước ngoài, trước mắt là tăng lên 35%.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia phân tích tài chính, ngân hàng cũng cho rằng, áp lực tăng vốn của các ngân hàng thương mại để tiếp tục thực hiện tái cơ cấu gắn liền với xử lý nợ xấu, tiếp sức cho nền kinh tế hồi phục, nhất là nhằm nâng cao hệ số an toàn vốn (CAR) nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn Basel II và Basel III đang rất lớn, trong khi các nguồn vốn trong nước có hạn, việc quy định room ngoại không vượt quá 30% đang làm giảm cơ hội tiếp cận nguồn vốn dồi dào từ nước ngoài. Do đó, việc nới room ngoại hiện nay là việc rất cấp thiết.

Hầu hết các ngân hàng thương mại đều kỳ vọng được nới room ngoại để dễ dàng xoay xở phương án tăng vốn thông qua chào bán cho cổ đông nước ngoài, qua đó giúp gia tăng nội lực của các ngân hàng trong dài hạn, chia sẻ kinh nghiệm quản trị; tăng năng lực tài chính, đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu, nhất là nguy cơ nợ xấu vì ảnh hưởng bởi Covid-19.

Nguyễn Bảo Anh
Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2022

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục