Cổ phiếu ITA nổi sóng, tiền bắt đầu chảy mạnh vào chứng khoán

(ĐTCK) Sự ảm đạm nói chung trên thị trường gần đây về điểm số luôn được bù đắp bởi những con sóng ở các mã nhỏ và phiên hôm nay được ghi nhận bởi ITA, cùng một vài mã bất động sản, công ty chứng khoán.

Thị trường chứng khoán vẫn giao dịch với những phiên tăng, giảm đan xen với biên độ thay đổi của VN-Index gần như chỉ ở mức thấp, chủ yếu do dòng tiền đang bỏ rơi các cổ phiếu trọng số lớn, các bluechip. Đồng thời, dòng tiền đánh ngắn hạn, thậm chí chỉ là T+ đã lên ngôi và xoay vòng rất nhanh, tập trung ở các cổ phiếu thị giá nhỏ dưới mệnh giá.

Theo đó, trong phiên hôm nay phải kể đến ITA, khi thanh khoản đạt hơn 7,82 triệu đơn vị, mức cao nhất trong hơn 3 tháng qua, giá cổ phiếu tăng trần lên 4.540 đồng và còn dư mua ở mức giá này hơn 2,41 triệu đơn vị.

Khoảng 5 tháng trở lại đây, cổ phiếu ITA chủ yếu biến động trong vùng 4.000- 4.500 đồng và sau 3 phiên tăng liên tiếp khi đóng cửa hôm nay, ITA đã bứt khỏi các đường MA ngắn hạn là MA20 và MA100.

Thông tin mới về ITA không nhiều, nhưng đáng chú ý là tại Đại hội đồng cổ đông thường niên vào cuối tháng 4 vừa qua, ITA đã đặt mục tiêu kinh doanh và kế hoạch mở rộng khá tham vọng.

Theo đó, doanh thu và thu nhập cả năm dự kiến 774,4 tỷ đồng, lợi nhuận thuần 257,3 tỷ đồng. Dù vậy, trong quý I/2023, ITA mới chỉ đạt 61,5 tỷ đồng doanh thu thuần và 14,8 tỷ đồng lãi ròng.

Đối với mảng đầu tư, HĐQT ITA sẽ thực hiện các thủ tục đầu tư dự án Khu công nghiệp Tân Tạo - Long An có diện tích 414, 7 ha ở xã Bình Hòa Nam, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An.

Tuy nhiên, điều khiến nhà đầu tư bất ngờ nhất là việc ITA còn đặt mục tiêu niêm yết trên thị trường chứng khoán New York (NYSE) trong vòng 2-3 năm tới.

Trở lại với giao dịch trên thị trường phiên chiều 24/5, sức ép từ sắc đỏ lan rộng trong nhóm VN30 cũng như trên bảng điện tử nói chung đã khiến VN-Index rơi về dưới tham chiếu và ngừng rơi khi về gần 1.060 điểm. Thanh khoản đạt hơn 13.700 tỷ đồng, mức cao nhất trong hơn một tháng qua.

Đóng cửa, sàn HOSE có 168 mã tăng và 215 mã giảm, VN-Index giảm 4,06 điểm (-0,38%), xuống 1.061,79 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 794 triệu đơn vị, giá trị 13.770,4 tỷ đồng, tăng 10% về khối lượng và 7% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 111 triệu đơn vị, giá trị 2.412 tỷ đồng, trong đó, đáng kể có hơn 31 triệu cổ phiếu EIB ở mức giá tham chiếu, trị giá gần 610 tỷ đồng.

Rổ VN30 có tới 23 mã giảm, nhưng ngoài STB -2% xuống 27.400 đồng, các mã GVR, HPG, CTB mất 1,8%, thì còn lại chỉ giảm nhẹ.

Trong khi ở chiều ngược lại, MSN là cổ phiếu tăng tốt nhất +2% lên 71.800 đồng, VHM +1,5% lên 54.500 đồng, còn PDR, NVL và BCM chỉ tăng nhẹ.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, ngoài ITA nêu trên thì một số cũng đã đóng cửa trong sắc tím với thanh khoản khá, với đóng góp từ các mã nhỏ ngành bất động sản, xây dựng là chủ yếu như EVG, NHA, ST8, TDH, VNE, TDC, HHP, trong đó, EVG, TDC và HHP khớp lệnh 3,6 đến gần 3,9 triệu đơn vị.

Đáng chú ý khác là một số cổ phiếu công ty chứng khoán được kéo mạnh, điển hình là BSI khi cũng đã chạm giá trần +7% lên 30.600 đồng, khớp 3,87 triệu đơn vị. Hai cổ phiếu CTS và FTS cũng đã có lúc tăng lên giá trần, trước khi hạ nhiệt nhẹ, với CTS +6,1% lên 19.000 đồng và FTS +5,8% lên 29.400 đồng, cổ phiếu AGR +4,8% lên 13.050 đồng, ORS +3,3% lên 14.050 đồng, tuy nhiên, VND lại là đại diện giảm giá trong nhóm này khi -2,1% xuống 16.100 đồng, khớp lệnh cao nhất thị trường với 38,5 triệu đơn vị.

Các sắc đỏ đáng chú ý trong phiên cũng đều là những mã nhỏ, khi bị chốt lời hoặc tiếp tục cắt lỗ với IBC -3,8% xuống 2.290 đồng, QBS -3,8% xuống 2.780 đồng, HBC -3% xuống 8.390 đồng, HPX -3% xuống 3.890 đồng…

Trên sàn HNX, nhiều cổ phiếu lớn thu hẹp đà tăng cũng khiến HNX-Index đuối sức và rơi về gần sát tham chiếu khi kết phiên.

Đóng cửa, sàn HNX có 75 mã tăng và 86 mã giảm, HNX-Index tăng 0,17 điểm (+0,08%), lên 215,96 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 90,6 triệu đơn vị, giá trị 1.481,4 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 3 triệu đơn vị, giá trị 24,1 tỷ đồng.

Các cổ phiếu lớn như SHS, PVS, BAB đã về tham chiếu, trong khi PVI, VCS, CEO, NTP, IPA cũng đã đảo chiều giảm, dù mức giảm không lớn.

Sắc xanh chỉ còn tại MBS, IDC, APS, HUT, LIG, TAR, TIG, nhưng cũng chỉ trên dưới 1%.

Hai cổ phiếu tăng tốc phiên sáng này DVG và VC7 vẫn duy trì được giá trần khi đóng cửa tại 2.400 đồng và 11.100 đồng, khớp lần lượt 1,53 triệu và 0,53 triệu đơn vị.

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index cũng rơi về tham chiếu và giao dịch gần như đi ngang cho đến khi đóng cửa.

Chốt phiên, UpCoM-Index giảm 0,07 điểm (-0,08%), xuống 80,93 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 33,98 triệu đơn vị, giá trị 398,1 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 8,45 triệu đơn vị, giá trị 157,1 tỷ đồng.

Phần lớn các cổ phiếu thanh khoản tốt đã phân hóa, với cặp đôi dầu khí BSR và OIL giảm nhẹ, với BSR -0,6% xuống 16.500 đồng, khớp lệnh cao nhất UpCoM khi có 3,76 triệu đơn vị.

Loạt cổ phiếu giằng co và về tham chiếu như PAS, VAB, AAS, PXS, ABB, SBS, VHG, C4G, khớp từ 0,42 triệu đến 3,11 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều giảm, với VN30F2306 mất 3,4 điểm, tương đương -0,32% xuống 1.056,1 điểm, khớp lệnh hơn 183.500 đơn vị, khối lượng mở hơn 47.700 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ cũng lấn át, với CHPG2306 được tập trung giao dịch nhất khi có 1,38 triệu đơn vị khớp lệnh, giảm 7% xuống 1.060 đồng/cq.

Lạc Nhạn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục