Đó là những thông tin được lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải và lãnh đạo doanh nghiệp ngành giao thông chia sẻ tại hội thảo “Cơ hội đầu tư vào cổ phiếu ngành xây dựng hạ tầng” do CTCK SHS tổ chức cuối tuần qua.
Thêm hàng
Theo ông Vũ Anh Minh, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp Bộ Giao thông Vận tải, hiện thị trường thứ cấp còn rất nghèo nàn hàng hóa cổ phiếu hạ tầng do Nhà nước vẫn còn nắm giữ nhiều doanh nghiệp, tỷ lệ sở hữu tại nhiều doanh nghiệp còn rất lớn. Song với quan điểm của Bộ trưởng Đinh La Thăng là Bộ sẽ thực hiện cổ phần hóa các DNNN trực thuộc một cách triệt để, Nhà nước chỉ làm những gì các thành phần kinh tế khác không được làm, không muốn làm và không làm được, tới đây thị trường sẽ có nhiều cổ phiếu hạ tầng. Trong năm 2015, Bộ sẽ tập trung cổ phần hóa 10 tổng công ty, trong đó có 7 doanh nghiệp hạ tầng. Ngoài ra, với các chính sách khuyến khích xã hội hóa đầu tư vào cơ sở hạ tầng mới được ban hành, dự báo sẽ có nhiều doanh nghiệp được thành lập mới theo mô hình CTCP.
“Trong vòng 2 năm qua, cả nước đã huy động trên 200.000 tỷ đồng đầu tư vào kết cấu hạ tầng”, ông Minh nói.
Về hàng hóa mới, giới đầu tư đang quan tâm tới các đợt IPO của các doanh nghiệp lớn trong ngành giao thông như Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) với quy mô vốn điều lệ 22.000 tỷ đồng, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam quy mô vốn 8.900 tỷ đồng… Bộ Giao thông Vận tải đang gút lại đề án cổ phần hóa ACV theo hướng, bán ra ngoài 25% cổ phần, trong đó bán cho nhà đầu tư chiến lược khoảng 20% và 5% sẽ IPO. ACV hiện đang khai thác, quản lý 22 cảng hàng không dân dụng, trong đó có 6 cảng hàng không quốc tế có lưu lượng hành khách, hàng hóa lớn nhất nước hiện nay là Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Phú Bài, Cam Ranh, Cần Thơ.
Nhiều doanh nghiệp hạ tầng sau CPH đã có kết quả kinh doanh tăng trưởng tốt. Đơn cử tại Cienco 1, theo chia sẻ của lãnh đạo Công ty này, năm 2014, sản lượng doanh thu của Công ty tăng 10% so với năm trước, lợi nhuận trên vốn điều lệ đạt 12%, dự kiến trả cổ tức 10%.
“Với những doanh nghiệp đã CPH, hiện Bộ đang khẩn trương thực hiện việc bàn giao vốn để các doanh nghiệp thực hiện niêm yết cổ phiếu trên sàn tập trung”, ông Minh cho biết.
Thêm chất
Có thể kể tên một số mã cổ phiếu hạ tầng trên 2 sàn được nhiều nhà đầu tư quan tâm như HUT, CII, FCN và VCG… Nghị định 15/2015/NĐ-CP đầu tư theo hình thức đối tác công - tư đã tạo cú hích lớn đến các nhà đầu tư tham gia lĩnh vực hạ tầng khi quy định tỷ lệ vốn đối ứng tham gia của nhà đầu tư tối thiểu là 15% thay vì 30% như trước kia, đồng thời bổ sung nhiều hình thức hợp đồng (trước kia chỉ có 3 hình thức là BOT, BT và BTO). Trong khi đó, nhu cầu vốn phát triển hạ tầng giao thông vận tải đến năm 2020 theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ đã lên tới 187.895 tỷ đồng. Rõ ràng, doanh nghiệp trong lĩnh vực này có thể linh hoạt hơn khi đầu tư, nguồn việc lớn hơn và đặc biệt có thể gọi vốn dễ hơn. Cơ hội cải thiện hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp là rất lớn.
Trong khi đó, định giá cổ phiếu của những doanh nghiệp hạ tầng đang niêm yết kể trên hiện khá thấp. Hiện bình quân 4 cổ phiếu trên có P/B là 1,2 lần; P/E đạt 9,02 lần, ROE đạt 20,88%, so với các chỉ số tương tự của các cổ phiếu trên HOSE lần lượt là 2,51; 12,57 và 19,6%.