Cổ phiếu dược: Mua là được

Cổ phiếu của các doanh nghiệp dược đầu ngành đang đem lại lợi nhuận không nhỏ cho các nhà đầu tư nắm giữ dài hạn và xu hướng này dự báo vẫn còn tiếp diễn.
Cổ phiếu dược: Mua là được

Động thái kinh doanh của các doanh nghiệp dược niêm yết thời gian gần đây cho thấy, mặc dù chi phí đầu vào tăng, nhưng lợi nhuận vẫn cải thiện đáng kể nhờ doanh số bán hàng tăng mạnh. Trong số các cổ phiếu dược niêm yết, có hai tên tuổi đáng chú ý là DHG (Dược Hậu Giang) và TRA (Traphaco). Nếu Dược Hậu Giang là doanh nghiệp đầu ngành trong mảng tân dược, thì Traphaco đang chi phối phần lớn thị phần đông dược.

Dược Hậu Giang đang dẫn đầu về sản lượng và thị phần trong nhóm các công ty dược nội địa trong 5 năm qua. Nếu tính cả doanh nghiệp nước ngoài, Dược Hậu Giang hiện nằm trong tốp 3 doanh nghiệp đứng đầu với thị phần 2,4%, xếp sau hai tập đoàn lớn là Sanofi Group (3,5% thị phần) và Glaxo Smith Kline Group (3,2% thị phần).

Trong 6 tháng đầu năm 2014, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của Dược Hậu Giang đạt hơn 1.700 tỷ đồng; tổng lợi nhuận trước thuế đạt gần 355 tỷ đồng, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2013.

Suốt một giai đoạn dài, DHG luôn là cổ phiếu khá yên tâm cho nhà đầu tư, vì chu kỳ dài hạn luôn theo chiều hướng đi lên.

Đơn cử, năm 2011, thị giá cổ phiếu DHG chỉ khoảng 30.000 đồng/cổ phiếu, thì đến năm 2012, đã lên mặt bằng 40.000 đồng/cổ phiếu. Năm 2013 là giai đoạn tăng giá khá mạnh của DHG với mặt bằng giá cuối năm 2013 đạt 80.000 đồng/cổ phiếu và chu kỳ tăng của cổ phiếu này vẫn tiếp diễn sang năm 2014, thậm chí có thời điểm vọt lên trên 100.000 đồng/cổ phiếu. Hiện giá DHG vẫn ở mức khá cao, khoảng 95.000 đồng/cổ phiếu.

Theo đánh giá của ông Lê Đình Minh Phương, Trưởng phòng Phân tích (Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam), tháng 4/2014, Dược Hậu Giang đã đưa vào hoạt động 2 nhà máy tại Khu công nghiệp Tân Phú Thạnh, nâng tổng công suất vận hành từ 4,6 lên 9,6 tỷ đơn vị. “Việc được hưởng ưu đãi thuế đối với hai nhà máy này trong 15 năm sẽ là yếu tố cải thiện lợi nhuận cho Dược Hậu Giang trong các năm tới”, ông Phương nhận định.

Khác với Dược Hậu Giang, Traphaco là công ty dược dẫn đầu trong phân khúc thị trường thuốc đông dược, chi phối tới 60% sản phẩm đông y trong các bệnh viện.

6 tháng đầu năm 2014, Traphaco đạt doanh thu 557 tỷ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 54 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ năm 2013. Nguyên nhân dẫn tới sự sụt giảm này là do Công ty có sai phạm trong việc in nhãn, nên đã bị lực lượng chức năng thu giữ hơn 52.000 hộp thuốc Boganic. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra, các cơ quan chức năng xác định, các sản phẩm của Traphaco vẫn đạt chất lượng, nên đã trả lại sản phẩm thu giữ, để Công ty tiếp tục lưu thông trên thị trường.

Sau sự việc trên, hiện cổ phiếu TRA vẫn được đánh giá còn nhiều tiềm năng, do một số lợi thế về chính sách của cơ quan quản lý trong việc khuyến khích phát triển các dòng sản phẩm đông dược. Dự kiến, tình hình kinh doanh của Traphaco sẽ phục hồi trong nửa cuối năm 2014 với ước tính doanh thu 1.860 tỷ đồng, tăng 10,5% so với năm trước và lợi nhuận sau thuế ước đạt 162 tỷ đồng, tăng 8,7%.

Ông Lê Đình Minh Phương cho biết, Bộ Y tế đang có gói hỗ trợ kỹ thuật cho nhóm sản phẩm đông y, nên sẽ mang lại hiệu quả tích cực cho Traphaco nhờ vào vị trí hàng đầu trong dòng thuốc đông dược.

Về động thái cổ phiếu TRA, đây cũng là cổ phiếu tăng giá khá ổn định về mặt dài hạn. Mặt bằng giá cổ phiếu TRA hồi cuối năm 2011 vẫn còn dưới 20.000 đồng/cổ phiếu, thì đến cuối năm 2012 đã lên mức trên 40.000 đồng/cổ phiếu và vượt lên mốc 75.000 đồng/cổ phiếu vào cuối năm 2013.

Đầu năm 2014, cổ phiếu TRA có lúc lên tới gần 90.000 đồng/cổ phiếu, nhưng sau sự kiện liên quan đến Boganic, thị giá cổ phiếu TRA có lúc điều chỉnh về mặt bằng khoảng 75.000 đồng/cổ phiếu. Song đến nay, tình hình đã ổn định trở lại và TRA hoàn toàn có thể sớm lấy lại phong độ trong nửa cuối năm 2014 và dự báo sẽ thiết lập mặt bằng giá mới vào đầu năm 2015.

Ngoài ra, các cổ phiếu dược niêm yết trên sàn cũng đều có những lợi thế riêng trong ngành dược. Dược phẩm Imexpharm (IMP) là công ty có thế mạnh trong các sản phẩm về kháng sinh với năng lực cao về trình độ công nghệ, Xuất nhập khẩu Y tế Domesco (DMC) là doanh nghiệp có hệ thống phân phối rộng - quy mô sản xuất lớn, Dược phẩm Cửu Long (DCL) là công ty gần như độc quyền trong sản phẩm viên nang mềm…

Chí Tín
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục