Lãi trăm tỷ, cổ phiếu dược vẫn bị chê

Dù các doanh nghiệp dược có kết quả kinh doanh tốt và đều có tiềm năng rất lớn trong dài hạn, tuy nhiên, cổ phiếu ngành này lại có mức giá không hấp dẫn.
Các dự án nhà máy sản xuất dược phẩm của IMP và DHG sắp đi vào hoạt động (ảnh minh họa) Các dự án nhà máy sản xuất dược phẩm của IMP và DHG sắp đi vào hoạt động (ảnh minh họa)

 

Danh thu, lợi nhuận cả trăm tỷ

 

CTCP Dược Hậu Giang (DHG) báo cáo kết quả kinh doanh 9 tháng với doanh thu thuần 2.388 tỷ đồng, hoàn thành 74,6% kế hoạch năm và lợi nhuận sau thuế đạt 450 tỷ đồng. Với tình hình sản xuất hiện nay, dự kiến cuối năm lợi nhuận sau thuế của DHG khoảng 610 tỷ đồng, tăng 25,7% so với năm 2012.

 

Đóng góp một phần lớn vào lợi nhuận sau thuế của DHG là hợp đồng chuyển nhượng nhãn hàng Eugica đem lại lợi nhuận đột biến 127, 5 tỷ đồng. Nếu loại trừ khoản thu nhập bất thường này thì lợi nhuận sau thuế của DHG vẫn đạt 508 tỷ đồng, tăng 4,7% so với cùng kỳ 2012.

 

Với quy mô nhỏ hơn DHG nhiều nhưng doanh thu và lợi nhuận 9 tháng của CTCP dược phẩm Imexpharm (IMP) là “mong ước” của nhiều doanh nghiệp. Theo đó, 9 tháng IMP đạt hơn 610 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận trước thuế là 81,5 tỷ đồng. Nhiều khả năng IMP tiếp tục duy trì được kết quả kinh doanh 2012 với doanh thu cả năm ước 850 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế khoảng 79 tỷ tăng 2% so với thực hiện 2012.

 

Nhu cầu dùng thuốc trên đầu người của Việt Nam theo PriceWaterhouse Coopers tăng trưởng bình quân 16,7%/năm từ 9,9 USD năm 2004 lên 29,3 vào năm 2012. Dự kiến nhu cầu năm 2013 sẽ ở mức bình quân 34,2 USD so với mức bình quân 160 USD của thế giới thì cơ hội thị trường cho các doanh nghiệp dược phẩm ở Việt Nam là rất lớn.

 

Thực tế, các doanh nghiệp đang xây dựng, tiến hành triển khai chiến lược phát triển khác nhau. Nếu như DHG vẫn có chiến lược bán hàng tập trung các tỷnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long – Tây Nam Bộ với sản phẩm chủ lực vẫn là các dòng thuốc phổ thông, không đòi hỏi quá trình sản xuất phức tạp, không cần bác sĩ kê toa thì IMP lựa chọn hướng đi khác.

 

Với phương châm “Thuốc của IMP chỉ có 1 chất lượng và là chất lượng tốt nhất IMP có thể làm được”, Cty chấp nhận sử dụng nguyên liệu chất lượng tốt nhất có thể và bán với giá cao hơn khá nhiều so với các đối thủ cạnh tranh. Sự khác biệt trong chiến lược kinh doanh đưa DHG và IMP trở thành những Cty hàng đầu của ngành sản xuất kinh doanh dược phẩm.

 

Bằng lợi thế  hệ thống phân phối rộng phủ khắp cả nước với 12 Cty con, 24 chi nhánh, 68 quầy thuốc bệnh viện, 20.000 khách hàng và 1.000 nhân viên bán hàng, DHG giữ được vị trí dẫn đầu ngành, sẵn sàng cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài. Còn IMP là doanh nghiệp dược đầu tiên đáp ứng đủ điều kiện sản xuất thuốc theo hình thức nhượng quyền của các tập đoàn dược hàng đầu thế giới như Novartis (Thụy Sĩ), Sanofi Aventis (Pháp)...

 

 

Rủi ro nguyên liệu và chính sách

 

Sự phát triển của thị trường dược phẩm như điều rất hiển nhiên nhất là con người đang phải đối mặt với nhiều rủi ro sức khỏe như ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu,...

 

Tuy nhiên, các doanh nghiệp sản xuất dược trong nước vẫn phải đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức trong đó có rủi ro về giá nguyên liệu và rủi ro về chính sách.

 

Theo quy định, thuốc được xếp vào nhóm mặt hàng thiết yếu chịu sự quản lý về giá nên doanh nghiệp không thể linh động điều chỉnh giá khi nguyên liệu đầu vào biến động mạnh.

 

Tuy nhiên, Thông tư 01 của Bộ Y tế hướng dẫn về đấu thầu thuốc tại cơ sở y tế công cộng khiến các doanh nghiệp trong nước phải vừa cạnh tranh với thuốc giá rẻ từ Ấn Độ, Pakistan, Trung Quốc,..và vừa phải cạnh tranh với thuốc chất lượng cao của châu Âu, Hoa Kỳ,...

 

Ngoài ra, do Việt Nam chưa phát triển được ngành công nghiệp hóa dược nên các doanh nghiệp dược vẫn phải nhập khẩu hầu hết các nguyên liệu đầu vào. Đây là rủi ro chung của toàn ngành khi giá nguyên liệu thế giới biến động khó lường vì nguyên vật liệu chiếm đến 50 - 80% giá vốn.

 

 

Giá chưa đủ tốt để mua

 

Với những phân tích, đánh giá nhà đầu tư đều quan tâm, liệu trong nên mua hay nên bán cổ phiếu  dược phẩm, cụ thể ở đây là DHG và IMP.

 

Trước hết, về dài hạn có thể thấy tiềm năng rất lớn của doanh nghiệp dược, điều kiện cơ bản của doanh nghiệp cũng tốt. Các dự án của IMP, DHG đều đã đầu tư xong và chuẩn bị đưa vào vận hành.

 

Còn về ngắn hạn, DHG và IMP có EPS 2013 dự phòng là 9.334 đồng/CP và 4.824 đồng/CP. Với quy mô của DHG sử dụng P/E ngành trong nước không phù hợp do vậy lựa chọn P/E của doanh nghiệp trong khu vực làm tham chiếu,  P/E hợp lý là 10,7 thì giá CP hợp lý là 100.132 đồng/CP.

 

Còn IMP thì với P/E trung bình ngành là 8, giá cổ phiếu hợp lý khoảng 38.500 đồng. So sánh với giá dao động hiện tại của DHG là 100.000 – 110.000 đồng/CP và IMP là 36.000-38.000 đồng/CP thì thực sự không hấp dẫn để mua vào.

 

>> Quỹ ngoại lãi lớn từ ngành dược

>> Đi tìm “cổ phiếu nóng” quý IV!


Lao động

Tin cùng chuyên mục