Cổ phiếu đầu tư công được kỳ vọng

(ĐTCK) Cổ phiếu ngành xây dựng được kỳ vọng hưởng lợi rõ nét từ hoạt động đầu tư công năm 2025, nhất là các dự án đường cao tốc, trong khi định giá nhóm này đã giảm khá sâu trong năm 2024.
Chính phủ đề ra kế hoạch vốn đầu tư công năm 2025 là hơn 790.000 tỷ đồng

Lạc quan với ngành xây dựng

Để có thể đạt mức tăng trưởng GDP hai con số như mục tiêu của Thủ tướng, việc đẩy nhanh đầu tư công, đặc biệt là nâng cấp cơ sở hạ tầng và sự phục hồi của ngành bất động sản sẽ là hai chủ điểm đầu tư lớn trong năm 2025.

Đây là lý do chính để các công ty chứng khoán lạc quan hơn về các ngành xây dựng, vật liệu xây dựng, bất động sản nhà ở và công nghệ thông tin trong năm nay.

Theo Tổng cục Thống kê, năm 2024, tăng trưởng toàn ngành xây dựng ước tính đạt 7,8 - 8,2%, đánh dấu mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2020, nhờ một số dự án hạ tầng quốc gia lớn như Cao tốc Bắc - Nam, 2 đường vành đai quanh Hà Nội và TP.HCM, Sân bay quốc tế Long Thành.

Bộ Giao thông - Vận tải duy trì tỷ lệ giải ngân ấn tượng, đi đầu trong việc giải ngân vốn đầu tư công, đến hết tháng 11/2024 đã giải ngân 52.750 tỷ đồng, đạt 70% kế hoạch năm 2024 được giao, cao hơn mức bình quân chung cả nước (60,4%) và mục tiêu hết năm tài chính sẽ đạt 95% kế hoạch được giao.

Trong năm qua, bộ này đã khởi công 10 dự án, khánh thành đưa vào khai thác 8 dự án, tháo gỡ khó khăn trong giải phóng mặt bằng và nguồn nguyên liệu đầu vào, một số dự án thành phần Cao tốc Bắc - Nam đoạn từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa dự kiến sẽ hoàn thành vượt tiến độ từ 3 - 6 tháng.

Năm 2025 là năm cuối trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025. Theo đó, Chính phủ đề ra kế hoạch vốn đầu tư công năm nay là hơn 790.000 tỷ đồng (Quốc hội chưa thông qua), tăng đáng kể so với kế hoạch hơn 670.000 tỷ đồng của năm 2024.

Có sự đồng nhất quan điểm ở nhiều công ty chứng khoán khi đánh giá khả quan về ngành xây dựng năm 2025, nhờ đa số các dự án đang ở cuối kỳ của dự án xây lắp, điểm rơi ghi nhận doanh thu, lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp, nên dự kiến sẽ có bức tranh tăng trưởng tốt. Đồng thời, 2025 là năm cuối chu kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025.

Kế hoạch của Bộ Giao thông - Vận tải là giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục tăng, năm 2025 khoảng 87.000 tỷ đồng (tăng 14,4%), đảm bảo nguồn công việc trong các năm tới cho nhóm doanh nghiệp xây dựng hạ tầng.

Một số cổ phiếu đáng quan tâm

Doanh thu và lợi nhuận ngành xây dựng có triển vọng tăng mạnh, nhất là với các công ty có backlog cao và những công ty tham gia vào các dự án đầu tư công lớn.

Trong 3 quý đầu năm 2024, nhiều doanh nghiệp niêm yết trong ngành xây dựng báo kết quả kinh doanh tăng trưởng cả về doanh thu và lợi nhuận so với cùng kỳ năm 2023. Một số doanh nghiệp có lượng backlog hạ tầng lớn (đặc biệt là backlog tại các dự án thành phần Cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2) ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng tích cực, với mức tăng 2 con số. Cụ thể, doanh thu và lợi nhuận 9 tháng đầu năm 2024 của LCG lần lượt tăng 51% và 70%; lợi nhuận của C4G tăng 51%, con số này tại VCG tăng 176%, tại CTD tăng 110%, tại CC1 tăng 40%, tại HHV tăng 20%.

Theo tính toán của Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research), trong năm 2024, các cổ phiếu ngành xây dựng có hiệu suất kém hơn VN-Index, do định giá cao trước đó của các cổ phiếu trong ngành. Hiện tại, định giá P/E ngành xây dựng đã giảm đáng kể, từ 45 lần xuống 20 lần, nhờ sự điều chỉnh giá và lợi nhuận cải thiện.

Bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc SSI Research cho biết, doanh thu và lợi nhuận ngành xây dựng sẽ tăng mạnh, nhất là với các công ty có backlog cao và những công ty tham gia vào các dự án đầu tư công lớn, bao gồm CTD, HHV, VCG. Tuy nhiên, biên lợi nhuận mỏng vẫn sẽ là một thách thức đối với ngành này.

Đối với các cơ hội đầu tư, SSI Research lựa chọn CTD là cổ phiếu ưa thích. Luận điểm đầu tư đến từ ngành xây dựng cải thiện sẽ thúc đẩy tăng trưởng doanh thu và giảm thiểu rủi ro tiềm ẩn từ các khoản dự phòng, do các chủ đầu tư bất động sản được kỳ vọng có thanh khoản tốt hơn. Ngoài ra, các khoản đầu tư liên kết vào tòa Emerald 68 (tỉnh Bình Dương) dự kiến sẽ bắt đầu tạo lợi nhuận cho CTD trong năm 2026.

Với backlog ước tính đạt 25.000 tỷ đồng, hoạt động kinh doanh cốt lõi là xây dựng nhà ở và công nghiệp của CTD sẽ giúp doanh nghiệp ổn định hoạt động. Trong khi đó, đầu tư vào mảng bất động sản dự kiến bắt đầu tạo lợi nhuận đáng kể từ năm 2026. Tuy nhiên, rủi ro với cổ phiếu CTD là tác động pha loãng từ kế hoạch phát hành 1,5 triệu cổ phiếu ESOP tại mức giá 10.000 đồng/cổ phiếu trong năm 2025 và các khoản phải thu có thể bị ghi giảm ngoài dự kiến.

Cổ phiếu VCG được nhiều nhà đầu tư quan tâm thời gian qua, nhờ sở hữu khối lượng backlog hạ tầng lớn (đặc biệt là các công trình giao thông dự kiến bàn giao trong năm 2025), sẽ hỗ trợ kết quả kinh doanh thời gian tới. Theo ước tính, tổng giá trị backlog của VCG là gần 25.000 tỷ đồng, dự kiến sẽ hoàn thành nhóm gói thầu chậm nhất là năm 2027, đảm bảo nguồn ghi nhận doanh thu trong các năm tới. Dự kiến, khối lượng backlog của VCG sẽ tiếp tục, đến từ các dự án đầu tư công mới của Chính phủ.

LCG cũng là doanh nghiệp xây lắp hạ tầng đang sở hữu lượng backlog lớn, gần 7.000 tỷ đồng, bao gồm backlog chuyển tiếp từ năm 2023 tại các dự án như Vũng Áng - Bùng, Vân Phong - Nha Trang, Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và phần thêm mới trong năm 2024 từ hợp đồng giá trị 1.400 tỷ đồng tại dự án Cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng.

Theo ước tính của một số công ty chứng khoán, nguồn backlog lớn giúp LCG có thể duy trì doanh thu ổn định tới cuối năm 2026, điểm rơi bàn giao một loạt dự án cao tốc từ cuối năm 2024 đến năm 2026. Một loạt dự án hạ tầng quan trọng như các dự án thành phần của Cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 mà LCG đang thi công sẽ đến hạn hoàn thành trong giai đoạn từ qúy II/2025 (30/4/2025) đến cuối năm 2025, theo chủ trương chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Giao thông - Vận tải. Hai gói thầu thi công lớn nhất của LCG là Vũng Áng - Bùng, Vân Phong - Nha Trang đều đang đạt tiến độ thi công tích cực, có thể ghi nhận doanh thu và lợi nhuận đáng kể khi tiến hành bàn giao.

Trong số các doanh nghiệp xây lắp được Bộ Giao thông - Vận tải chỉ định thầu dự án Cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2, ngoài VCG, C4G còn có HHV. Giai đoạn 2025 - 2026 được xem là điểm rơi lợi nhuận của các doanh nghiệp này

Cao điểm công việc của mảng xây lắp trong giai đoạn 2024 - 2026, kế hoạch đẩy mạnh đầu tư công từ Chính phủ giai đoạn 2021 - 2025 đã đem đến nhiều hợp đồng xây lắp lớn cho HHV.

Hiện tại, backlog của HHV đạt hơn 2.900 tỷ đồng (gấp khoảng 3 lần doanh thu xây lắp năm 2023). Kỳ vọng, doanh nghiệp sẽ đẩy mạnh ghi nhận doanh thu mảng xây lắp cho tới năm 2026, với tỷ lệ CARG đạt 16% trong giai đoạn 2024 - 2026, do đây là giai đoạn hoàn thành các dự án.

Tuy nhiên, HHV dự kiến huy động hơn 1.490 tỷ đồng từ việc phát hành hơn 149 triệu cổ phiếu (khoảng 34,5% số cổ phiếu đang lưu hành) cho cổ đông hiện hữu và phát hành riêng lẻ. Việc phát hành liên tục sẽ giúp HHV có thêm nguồn lực để phát triển các dự án, nhưng cũng đem đến rủi ro pha loãng EPS.

Nhã An

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục