Cổ phiếu cao su khó “vượt dốc”

(ĐTCK) Giá bán cao su đã về gần sát với giá thành. Điều này không chỉ khiến lợi nhuận của nhiều DN cao su sụt giảm mà còn ảnh hưởng đến giá cổ phiếu của những DN này.
Quý I/2015, nhiều DN cao su tiếp tục ghi nhận sự sụt giảm mạnh về lợi nhuận Quý I/2015, nhiều DN cao su tiếp tục ghi nhận sự sụt giảm mạnh về lợi nhuận

Lợi nhuận giảm, thu chủ yếu từ thanh lý cây cao su

Theo Tập đoàn Cao su Việt Nam (VNR), giá cao su thế giới đã giảm về mức 1.500 USD/tấn, so với mức giá 5.000 USD/tấn năm 2011. Giá bán cao su trong nước hiện dao động quanh mức 31 triệu đồng/tấn, trong khi giá thành vào khoảng 30 triệu đồng/tấn, đã ảnh hưởng đáng kể đến kết quả kinh doanh của nhiều DN cao su.

CTCP Công nghiệp Cao su miền Nam (CSM) đang trên đà giảm lãi vì giá cao su giảm mạnh. Doanh thu năm 2014 của CSM tuy cao hơn năm 2013, nhưng lợi nhuận sau thuế lại giảm 8%. Lợi nhuận quý I/2015 tiếp tục sụt giảm mạnh, tới 30,4% so với cùng kỳ năm 2014, chỉ đạt 54,6 tỷ đồng.

Lợi nhuận trước thuế quý I/2015 của CTCP Cao su Đồng Phú (DPR) đạt 37,7 tỷ đồng, giảm hơn 28% so với cùng kỳ 2014. Theo Nghị quyết HĐQT lần 2 của DPR, lợi nhuận của Công ty chủ yếu đến từ thanh lý vườn cây. Trước tình hình giá mủ cao su giảm, HĐQT yêu cầu Ban Tổng giám đốc Công ty tích cực trong việc thanh lý vườn cây theo kế hoạch là 464 héc-ta, nhằm đảm bảo lợi nhuận. Kế hoạch lợi nhuận trước thuế cả năm 2015 cũng được DPR điều chỉnh ở mức 120 - 155 tỷ đồng, giảm so với mức 155 tỷ đồng dự kiến trước đó. 

Dự báo giá bán cao su bình quân năm 2015 chỉ ở mức 31,3 triệu đồng/tấn, thấp hơn 38 - 40 triệu đồng/tấn của năm 2014, CTCP Cao su Tây Ninh (TRC) đặt kế hoạch doanh thu năm 2015 là 447 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 40 tỷ đồng, cổ tức 15%. Trong khi con số này của năm 2014 tương ứng là 598 tỷ đồng và 161 tỷ đồng.

Kết thúc quý I/2015, TRC đạt 85,3 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận sau thuế 20,3 tỷ đồng, giảm 40% về doanh thu và 60% về lợi nhuận so với cùng kỳ 2014.

CTCP Cao su Hòa Bình (HRC) cũng đã công bố kết quả kinh doanh quý I/2015 với tổng doanh thu đạt 55 tỷ đồng (trong đó doanh thu từ cao su đạt 26,9 tỷ đồng), lợi nhuận trước thuế đạt 28 tỷ đồng. Đóng góp đáng kể vào lợi nhuận cho HRC là khoản doanh thu khác từ việc thanh lý vườn cây cao su, đạt gần 28 tỷ đồng. Trong quý II, Công ty đặt kế hoạch doanh thu 28 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ thanh lý cao su 8,5 tỷ đồng.

Nghị quyết HĐQT ngày 26/3/2015 của HRC đặt kế hoạch tài chính 2015 với doanh thu 166,5 tỷ đồng, giảm 30% so với kết quả đạt được năm 2014, trong đó sẽ có 31 tỷ đồng đến từ hoạt động thanh lý vườn cây. 

Đến giá cổ phiếu sụt giảm

Giá cao su giảm không chỉ khiến lợi nhuận của các DN cao su sụt giảm, mà còn tác động đến giá cổ phiếu của những DN này. Thống kê giá cổ phiếu của 6 DN cao su niêm yết trên HOSE từ đầu năm đến nay cho thấy, có đến 4 cổ phiếu giảm giá. Trong đó, PHR giảm mạnh nhất, tới hơn 21% giá trị từ mức 24.500 đồng/CP xuống mức 19.300 đồng/CP (kết thúc phiên giao dịch ngày 20/3).

Giá cổ phiếu DPR có xu hướng giảm từ đầu năm đến nay và giảm rõ nhất kể từ đầu tháng 3. Hiện DPR đang giao dịch quanh mức 33.000 đồng/CP, giảm gần 10% so với thời điểm đầu năm.

Cổ phiếu TRC cũng lình xình quanh mức giá 23.000 - 24.000 đồng/CP trong hơn 2 tháng trở lại đây.

HRC và DRC là 2 mã giữ được mức tăng nhẹ. Trong đó, HRC tăng 6,7% giá trị. Hiện đang giao dịch tại mức giá 46.400 đồng/CP. Tuy nhiên, cổ phiếu này gần như không có thanh khoản. Khối lượng giao dịch trung bình trong 10 phiên gần đây của HRC chỉ đạt 218 cổ phiếu.

VNR kêu gọi giảm 30% suất đầu tư

Trước biến động giảm mạnh của giá cao su, mới đây, VNR đưa ra lời kêu gọi các công ty thành viên trong Tập đoàn phải quản lý chặt suất đầu tư, mục tiêu từ năm 2015 trở đi giảm 30% suất đầu tư tổng thể, để hạ giá thành.

“Hiện giá cao su đang xuống thấp, nếu giậm chân tại chỗ và có tư tưởng chờ giá lên thì làm cao su sẽ không có hiệu quả. Mục tiêu đặt ra là tổng thu hoạch trên 1 héc-ta đất, trong đó cây cao su là chủ lực. Một số đơn vị để giảm suất đầu tư và tăng hiệu quả sử dụng đất đã thực hiện trồng xen canh trên vườn cao su như trồng cà phê, keo lai…, đã mang lại hiệu quả rất tốt”, ông Trần Ngọc Thuận, Tổng giám đốc VNR cho biết.

Được biết, tại cuộc họp giao ban lần thứ 4/2015, theo chỉ đạo của VNR, Ban Kế hoạch đầu tư của Tập đoàn đã đưa giải pháp và lộ trình tiết giảm 30% chi phí suất đầu tư. Theo đó, xem xét cắt giảm mức phân bón trên cây trồng. Cụ thể, đối với cây trồng mới, năm thứ nhất, bón phân bình thường theo đúng quy trình. Đối với vườn cây chăm sóc từ năm thứ 2 đến năm thứ 4, giảm 50% hàm lượng phân bón theo quy trình. Đối với vườn cây chăm sóc từ năm thứ 5 trở đi, kiến nghị không bón phân.

Đối với vườn cây đầu tư từ năm 2014 trở đi, theo thỏa thuận suất đầu tư với VNR, các đơn vị ở Đông Nam Bộ giảm 2,6% suất đầu tư, Nam Trung Bộ giảm 14%, miền núi phía Bắc giảm 0,5%, Campuchia giảm 7%.        

Linh Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục