CII: Khuyến nghị mua vào
(CTCK Vitecombank – VCBS)
CII đã công bố BCTC hợp nhất quý I/2014 với doanh thu đạt 203,5 tỷ đồng (+167,8% so với cùng kỳ năm trước) và lợi nhuận sau thuế đạt 97,7 tỷ đồng (+137,5% so với cùng kỳ năm trước, hoàn thành 41,8% kế hoạch năm). Doanh thu tăng trưởng tốt nhờ doanh thu từ hoạt động thu phí và mảng xây dựng tăng trưởng mạnh.
Ngoài ra, nhờ CII đã hoàn nhập dự phòng 27,8 tỷ đồng liên quan đến khoản đầu tư vào cổ phiếu NBB, nên chi phí tài chính chỉ giảm 36,8% so với cùng kỳ năm trước, cũng như khoản lãi liên doanh liên kết lên đến 54,7 tỷ đồng (cùng kỳ năm 2013 âm 8,7 tỷ đồng), đã giúp lợi nhuận sau thuế tăng trưởng ấn tượng. Với mức giá 26.100 đồng/cp, P/E 2014 vào khoảng 11,9 lần. EPS 2014 sẽ bị ảnh hưởng bởi khả năng chuyển đổi từ TPCĐ thành cổ phiếu trong đợt đầu (6 tháng kể từ ngày phát hành), tức dự kiến cuối tháng 12/2014.
Chúng tôi tính EPS 2014 sẽ bị pha loãng tối đa còn 1.260 đ/cp, khi đó P/E 2014 sẽ dao động trong phạm vi từ 11,4 đến 15,5 lần, tương đương với nhóm cổ phiếu trong VN30. Chúng tôi khuyến nghị MUA CII.
IMP: PE dự phóng khoản 12x
(CTCK Maybank KimEng (MBKE)
Như đã thống nhất trong ĐHCĐ thường niên 2014, mức cổ tức tiền mặt chi trả cho 2013 của IMP là 2.500 đồng/cp, trong đó công ty đã tạm ứng đợt 1 là 1.000 đồng/cp. Phần cổ tức còn lại (1.500 đồng/cp) dự kiến sẽ thực hiện chi trả vào ngày 09/06/2014. Theo đó, ngày đăng ký cuối cùng là 19/05/2014.
Theo kế hoạch, trong quý II và quý III/2014, IMP sẽ thực hiện phát hành thêm cổ phiếu để nâng vốn điều lệ từ 167,1 lên 275,6 tỷ đồng thông qua 3 đợt: (1) phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 2:1; (2) phát hành ESOP 5%; và (3) phát hành riêng lẻ cho CĐ chiến lược 10% số cổ phiếu đang lưu hành.
Quý I/2014 dù doanh thu của IMP chỉ đạt 174,7 tỷ đồng, giảm 6% so với cùng kỳ của năm trước nhưng lợi nhuận ròng vẫn tăng 4,7% so với cùng kỳ của năm trước, đạt 21,7 tỷ đồng nhờ tỷ lệ chi phí bán hàng và quản lý/doanh thu giảm khá mạnh từ mức 33,4% trong quý I/2013 xuống còn 29,7% trong quý I/2014 và thuế suất thuế TNDN giảm xuống còn 22% trong năm nay.
Cổ phiếu IMP đang giao dịch ở mức PE dự phóng khoảng 12x, thấp hơn mức bình quân ngành 14x.
PVT: PE và PB khoảng 13x và 1,1x
(CTCK Maybank KimEng (MBKE)
Tổng CTCP Vận tải Dầu khí (PVT) vừa công bố kết quả kinh doanh công ty mẹ quý I/2014 với doanh thu tăng 22% so với cùng kỳ của năm trước, đạt 543 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu từ mảng vận tải chiếm gần 70% tổng doanh thu) tăng 18% so với cùng kỳ của năm trước và doanh thu từ mảng dịch vụ OFS/FPSO ăng 137% so với cùng kỳ của năm trước.
Thu nhập từ lãi tiền gửi quý I/2014 tăng gấp đôi so với cùng kỳ giúp PVT lãi ròng 7,2 tỷ đồng từ hoạt động tài chính, so với mức lỗ nhẹ khoảng 100 triệu đồng của quý I/2013. Chi phí quản lý doanh nghiệp cũng giảm 21,4% so với cùng kỳ của năm trước (công ty không có chi phí bán hàng). Mặc dù vậy, lợi nhuận sau thuế quý I/2014 của PVT chỉ tăng 8,4% so với cùng kỳ của năm trước, thấp hơn mức tăng trưởng của doanh thu, đạt 29,1 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do biên lợi nhuận gộp giảm từ 10,3% trong quý I/2013 xuống còn 7,2% trong quý I/2014.
Năm 2014, PVT đặt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận sau thuế giảm 6% và 42%, đạt lần lượt 4.675 và 136 tỷ đồng. Kế hoạch doanh thu giảm chủ yếu do Nhà máy lọc dầu Dung Quất dự kiến sẽ ngưng hoạt động để bảo trì trong tháng 5 và 6/2014. PVT hiện là công ty độc quyền vận chuyển 100% nguyên liệu dầu thô và 50% sản lượng đầu ra cho NM này. Ngoài ra, giàn Đại Hùng sẽ đi vào sửa chữa từ tháng 8/2014 đến tháng 4/2015.
PVT đã đưa thêm tàu PVT Mercury (trọng tải 104.000 DWT) vào hoạt động từ tháng 11/2013, giúp nâng tổng trọng tải đội tàu chở dầu thô (gồm 3 tàu) của PVT lên hơn 305.000 DWT. Ngoài ra, có khả năng PVT sẽ chính thức tham gia vận chuyển than cho nhà máy điện Vũng Áng trong quý II/2014 và xây dựng phương án vận chuyển cho các nhà máy nhiệt điện khác của Vinacomin như Nhiệt điện Thái Bình, Nhiệt điện Long Phú I. Do vậy, khả năng kết quả hoạt động 2014 của PVT sẽ khả quan hơn kế hoạch đề ra của công ty.
Dự kiến trong quý II/2014 PVT sẽ thực hiện việc phát hành cp thưởng tỷ lệ 10% như ĐHCĐ thường niên 2014 đã thông qua. Cổ phiếu PVT đang giao dịch ở mức PE và PB khoảng 13x và 1,1x, so với bình quân ngành 9x và 0,8x.
PGS: P/E đang được giao dịch tại 5,6x
(CTCK Maybank KimEng (MBKE)
PGS vừa công bố kết quả kinh doanh quý I/2014 với doanh thu thuần tăng 15,5% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 1.702,8 tỷ đồng. Trong đó, mảng CNG, chiếm 30,3% tổng doanh thu, tăng 18,5% so với cùng kỳ của năm trước, đạt 517,1 tỷ đồng. Mảng kinh doanh khí hóa lỏng, chiếm 66,6% tổng doanh thu, tăng 11,5% so với cùng kỳ của năm trước, đạt 1.116,9 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp quý I/2014 giảm hơn 2,5 điểm % so với cùng kỳ 2013 còn 15,4% nguyên nhân chủ yếu là do trong quý I/2014, giá khí đầu vào tăng (khoảng 5% so với cùng kỳ năm ngoái) nhanh hơn giá khí đầu ra.
Trong quý I/2014, PGS vẫn kiểm soát chi phí hoạt động khá tốt với tỷ lệ chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp/doanh thu ở mức 12,4% xấp xỉ quý I/2013. Lợi nhuận ròng giảm 45,5% so với cùng kỳ của năm trước còn 27,9 tỷ đồng.
PGS đặt mục tiêu 2014 với doanh thu đạt 6.785 tỷ đồng, giảm 1,6% so với năm trước. PGS dự kiến sản lượng tiêu thụ khí LPG tăng nhẹ 2,5% so với cùng kỳ của năm trước nhưng sản lượng CNG giảm 2% so với cùng kỳ của năm trước. PGS cho biết giá bán khí trong năm 2014 có thể giảm do gặp áp lực cạnh tranh từ các nguồn nguyên liệu khác. PGS thận trọng đặt kế hoạch lợi nhuận sau thuế 163 tỷ đồng, giảm 31,2% so với cùng kỳ của năm trước do công ty dự phòng trường hợp giá khí đầu vào có thể tiếp tục tăng theo lộ trình tăng giá bán khí của chính phủ. Lưu ý, PGS lần lượt vượt 11,5% và 30,6% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận sau thuế trong 2013. ĐHCĐ PGS đã thông qua phương án chia cổ tức 2014 bằng tiền mặt với tỷ lệ 12%. Ngoài ra, PGS cũng sẽ chia thêm cổ phiếu thưởng. Tỷ lệ chia thưởng cổ phiếu sẽ được HĐQT quyết định ngay khi có. Chúng tôi dự kiến tỷ lệ chia thưởng vào khoảng 1:1.
Trong năm 2014, PGS có kế hoạch mở rộng thị trường tiêu thụ ra các tỉnh miền Tây như Long An, Tiền Giang và Cần Thơ. Thị trường miền Tây vẫn còn khá mới và vẫn chưa được khai thác đúng mức và chúng tôi kỳ vọng việc tiếp cận thị trường mới này sẽ tạo động lực cho PGS tăng trưởng sản lượng đầu ra trong năm 2014.
PGS đang được giao dịch tại P/E 2014 là 5,6x, thấp hơn trung bình ngành trong khu vực được dự báo là 10,9x.
BCI: Khuyến nghị mua thêm
(CTCK FPT – FPTS)
Doanh thu và lợi nhuận 2013 của CTCP Đầu tư Xây dựng Bình Chánh (BCI – sàn HOSE) vẫn ổn định mặc dù thị trường bất động sản không thuận lợi. Doanh thu thuần đạt 350 tỷ đồng, tăng hơn 75% so với cùng kỳ nhờ nguồn thu ổn định từ việc cung cấp dịch vụ ở khu công nghiệp và khu dân cư hiện hữu và tiến độ bán hàng tốt ở dự án Nhất Lan 3. Lợi nhuận sau thuế đạt 95 tỷ, giảm 45% so với 2012.
BCI có ưu thế về tài chính với 1.753 tỷ đồng vốn chủ sở hữu (chiếm 51% tổng tài sản) và 515 tỷ nợ vay (chiếm 15% tổng tài sản) chịu lãi suất khá thấp là 11%. Tiền mặt dồi dào và dư địa vay còn nhiều đảm bảo nguồn lực đầu tư triển khai các dự án. Tính thanh khoản của BCI cũng rất khả quan với chỉ số thanh toán hiện hành là 3,54 lần và chỉ số thanh toán nhanh là 0,66 lần.
Cổ tức duy trì ổn định. Trong khi hầu hết các công ty bất động sản cùng ngành chật vật với thua lỗ hoặc không chi trả cổ tức nhiều năm nay thì BCI lại thực hiện cam kết cổ tức hàng năm rất tốt với tỷ lệ cổ tức hàng năm bình quân 16%, tương ứng tỷ
suất cổ tức bình quân giai đoạn 2009 – 2013 là 7,3%. Triển vọng công ty lạc quan trong cả ngắn hạn và dài hạn. Nguồn thu ổn định từ khu công nghiệp và khu dân cư sẽ tiếp tục đem lại hiệu quả kinh doanh ngắn hạn cho BCI. Bên cạnh đó, trên nền tảng quỹ đất sạch lớn (khoảng 321ha) và vay nợ thấp là lợi thế cho công ty tiếp tục đầu tư, định hướng kinh doanh hướng đến các sản phẩm phù hợp với thị trường hiện tại hơn. Các yếu tố cơ bản này trong dài hạn sẽ giúp BCI tiếp tục củng cố thương hiệu và dần dần đi vào một chu kỳ phát triển mới khi thị trường bất động sản phục hồi.
Ở mức giá đóng cửa ngày 05/05/2014, cổ phiếu BCI đang giao dịch ở mức chiết khấu 11% so với mức giá mục tiêu theo phương pháp NAV là 26.365 đồng.
Khuyến nghị: THÊM
>> Tải báo cáo
SBT: Khuyến nghị nắm giữ
(CTCK Bảo Việt - BVSC)
Với những khó khăn đã nêu về tồn kho cao, giá thành kém cạnh tranh, giá bán chịu ảnh hưởng lớn từ tình trạng dư cung trong nước, áp lực từ đường nhập khẩu, chúng tôi không đặt nhiều kỳ vọng vào ngành đường ở thời điểm hiện tại. Riêng đối với SBT, việc chủ động nắm bắt cơ hội để phát triển mảng năng lượng và cải thiện chuỗi giá trị sản xuất thông qua dự án Ethanol kỳ vọng sẽ làm giảm áp lực lên giá thành đường thành phẩm c ủa công ty; tuy nhiên điều này chỉ có thể diễn ra kể từ vụ 2015/2016 khi cả hai dự án đi vào hoạt động ổn định.
Tóm lại, với mức lợi nhuận kế hoạch 2014, lợi nhuận giữ lại và cân đối với nhu cầu đầu tư mới, BVSC kỳ vọng mức cổ tức năm nay cho năm 2014 có thể đạt khoảng 1.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng với suất cổ tức (dividend yield) khoảng gần 8,6%. Trong bối cảnh tâm lý thị trường tiêu cực thể hiện qua những phiên giảm điểm liên tục thời gian gần đây, việc nắm giữ một cổ phiếu thuộc nhóm ngành tiêu dùng thiết yếu với suất cổ tức cao, SBT là một lựa chọn khá an toàn.