Tâm lý thận trọng của dòng tiền khiến thị trường tiếp tục lình xình, giằng co quanh mốc 560 với VN-Index và quanh mốc tham chiếu với HNX-Index trong thời gian đầu của phiên giao dịch chiều. Sau gần 1 tiếng giao dịch, các chỉ số bắt đầu được kéo lên thông qua các trụ cột như MSN, VNM, VCB, VIC… và đặc biệt là BVH trên HOSE, trong khi trên HNX, chỉ số cũng được hỗ trợ bởi ACB, PVS… VN-Index ổn định trên mốc 561 điểm, trong khi HNX-Index cũng tiến sát mốc 77 điểm.
Tuy nhiên, do lực mua quá yếu, nên khi bước vào đợt khớp lệnh xác định giá đóng cửa, chỉ một đợt ra lệnh nhỏ của bên nắm giữ cổ phiếu đã khiến nhiều mã quay đầu giảm hoặc hãm đà tăng, kéo cả 2 chỉ số hụt hơi, VN-Index đánh mất mốc 560 điểm, trong khi HNX-Index may mắn giữ được sắc xanh nhạt.
Kết thúc phiên giao dịch chiều 7/5, VN-Index tăng 4,86 điểm (+0,88%), lên 559,97 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 52,4 triệu đơn vị, giá trị 895,4 tỷ đồng, chỉ bằng hơn 50% so với giao dịch của phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp khá lớn với 5,6 triệu đơn vị, giá trị 184 tỷ đồng. VN30-Index tăng 4,31 điểm (+0,71%), lên 609,51 điểm.
HNX-Index tăng nhẹ 0,01 điểm (+0,01%), lên 76,56 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 35,84 triệu đơn vị, giá trị 322,33 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận 2 triệu đơn vị, giá trị 22 tỷ đồng. HNX30-Index giảm 0,58 điểm (-0,39%), xuống 150,38 điểm.
Trên HOSE, điểm sáng và gây chú ý nhất dĩ nhiên là BVH. Sau khi duy trì mức tăng không quá mạnh trong phiên sáng, BVH bất ngờ nhận được lực cầu lớn trong phiên chiều, trong khi bên bán tiết giảm hàng, giúp BVH tăng thẳng lên mức giá trần 36.000 đồng/cổ phiếu. Kết thúc phiên, BVH được khớp 541.230 đơn vị và còn dư mua giá trần 368.840 đơn vị, trong đó, riêng nhà đầu tư nước ngoài đã mua vào 138.990 đơn vị.
Ngoài BVH, 5 trụ lớn là GAS, VNM, MSN, VIC, VCB vẫn duy trì sắc xanh, nhưng không giữ được mức cao nhất trong ngày. Ngoài ra, thị trường còn được hỗ trợ bởi các mã lớn khác như DPM, PVD, BID, MBB, STB, REE, CTG…
Trong khi đó, CII vẫn giậm chân ở mức sàn 24.300 đồng/cổ phiếu do lực mua quá yếu, trong khi đó, nhiều nhà đầu tư sau khi treo lệnh bán giá sàn không bán được đã hủy lệnh, vì vậy, dù khối lượng khớp không tăng lên nhiều trong phiên chiều, nhưng lượng dư bán giá sàn giảm gần 1 triệu đơn vị.
Nhóm cổ phiếu chứng khoán có sự phân hóa. Trong khi SSI quay đầu giảm giá, HCM và BSI lùi về tham chiếu, thì AGR một mình vọt lên mức giá trần 6.800 đồng với hơn 1,1 triệu đơn vị được khớp.
FLC vẫn ở giá 9.500 đồng của phiên sáng, giảm 200 đồng với hơn 3,4 triệu đơn vị được khớp, trong khi ITA về tham chiếu với hơn 3,7 triệu đơn vị được khớp. DLG bị bán mạnh hơn trong phiên chiều, nên lùi lại mức giá sàn 7.600 đồng với hơn 2,19 triệu đơn vị được khớp và còn dư bán sàn.
Trên HNX, gần như các mã dẫn dắt đều quay đầu giảm giá, ngoại trừ PVS vẫn duy trì mức tăng tốt 400 đồng (+1,6%), lên 25.400 đồng nhờ lực cầu ngoại.
PVA vẫn giữ được sắc tím, trong khi PSG bất ngờ đảo ngược tình thế, từ sàn vọt lên mức giá trần khi đóng cửa phiên.
KLF cũng bị bán mạnh trong phiên chiều, nên lùi về mức giá sàn 11.700 đồng/cổ phiếu với gần 1 triệu đơn vị được khớp, dù trước đó còn tăng 500 đồng, lên 13.500 đồng/cổ phiếu.
PVX và SHB đều giảm nhẹ 100 đồng, trong khi SCR giữ giá tham chiếu. Các mã chứng khoán trên HNX cũng đa số đóng cửa trong sắc đỏ, nhưng mức giảm không lớn.
Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục mua ròng với lượng mua vào ngày càng mạnh hơn. Trong phiên hôm nay, khối này mua ròng 2.676.220 đơn vị, giá trị 49,98 tỷ đồng trên HOSE và mua ròng 315.764 đơn vị, giá trị 7,66 tỷ đồng trên HNX.
Dù thị trường đã có phiên hồi phục trở lại sau 2 phiên giảm mạnh, nhưng việc thanh khoản sụt giảm sau phiên bắt đáy trước đó cho thấy, tâm lý của nhà đầu tư vẫn còn rất thận trọng và phiên hồi phục này chưa nói lên điều gì. Nếu dòng tiền không trở lại trong phiên kế tiếp, nhiều khả năng đây chỉ là phiên kéo lên để thoát hàng margin. Vì vậy, nhà đầu tư vẫn cần thận trọng và theo dõi diễn biến thị trường trong những phiên cuối tuần.