Cổ phiếu cần quan tâm ngày 24/2

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 24/2 của các công ty chứng khoán.
Cổ phiếu cần quan tâm ngày 24/2

Khuyến nghị mua DGC với giá mục tiêu 2021 là 72.800 đồng/CP

CTCK BIDV (BSC)

Kết quả kinh doanh năm 2020 ghi nhận tốc độ tăng trưởng vượt bậc với doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 6.236 tỷ (tăng 22,5% so với năm trước) và 948 tỷ (tăng trưởng 65,8%). Kết quả này tương đương với 95,3% và 101% dự phóng mới nhất của BSC.

Triển vọng năm 2021: BSC cho rằng nhu cầu Phốt pho vàng vẫn tiếp tục tăng trưởng sau khi nhận thấy triển vọng đơn hàng cho các thiết bị 5G (cần nhiều hơn 40% lượng chip so với 4G) khả quan trong năm 2020. Với các sản phẩm khác (Axit Photphoric, Phân bón), BSC giữ quan điểm thận trọng với doanh thu đi ngang/tăng nhẹ.

BSC dự phóng doanh thu và lợi nhuận sau thuế (mảng truyền thống) năm 2021 đạt 7.144 tỷ (tăng trưởng 14,5% so với năm trước) và 1.198 tỷ (tăng trưởng 26,4%). EPS FW 2021 = 7.572 đồng, PE FW 2021 = 7,8, thấp hơn 10% mức PE FW ngành và 55% mức PE FW của VN – Index.

BSC dự phóng giá trị RNAV Dự án Bất động sản 44 Đức Giang là 352 tỷ.

Chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu DGC với giá mục tiêu 2021 là 72.800 đồng, tăng 32% so với mức giá ngày 22/02/2021 là 58.400 đồng do (i) điều chỉnh dự phóng kinh doanh của năm 2021/+9% (mảng truyền thống) (ii) nâng mức PE mục tiêu lên 9.5 (iii) đưa vào dự phóng RNAV Dự án bất động sản 44 Đức Giang (giá trị ~ 352 tỷ)

Nâng giá mục tiêu đối với HSG lên 32.200 đồng/CP

CTCK BIDV (BSC)

BSC dự báo doanh thu thuần 2020/21F đạt 33.884 tỷ (tăng 23,1% so với cùng kỳ năm trước) với giả định sản lượng tiêu thụ 1,8 triệu tấn (tăng trưởng 11%). Biên lợi nhuận gộp dự báo đạt 16,3%, lợi nhuận sau thuế 1.683 tỷ đồng (tăng trưởng 46%), tương đương EPS = 3.580 đồng/CP (giả định đã trích 8% lợi nhuận sau thuế cho các quỹ khen thưởng phúc lợi và từ thiện).

BSC nâng giá mục tiêu với HSG lên 32.220 đồng/CP do (1) tăng 83% dự báo lợi nhuận sau thuế niên độ 2020/21 lên 1.683 tỷ sau khi đánh giá lại triển vọng tiêu thụ và diễn biến giá HRC và (2) nâng P/E mục tiêu từ 8 lên 9 lần bởi mặt bằng lãi suất thị trường giảm.

Mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu PVB nằm tại mức 21.3

CTCK BIDV (BSC)

Cổ phiếu PVB của Công ty cổ phần Bọc ống Dầu khí Việt Nam đang ở trong trạng thái tăng giá sau khi đã có giai đoạn giảm mạnh trong nửa cuối tháng 1. Thanh khoản cổ phiếu hiện đang có chiều hướng tăng trở lại.

Các chỉ báo xu hướng hiện đang ở trong trạng thái khả quan. Hôm nay, đường EMA12 vừa cắt lên trên đường EMA26 đông thời chỉ báo động lượng RSI đang ở trên giá trị 50 nên cổ phiếu có tiềm năng duy trì đà tăng trong ngắn hạn.

Ngưỡng hỗ trợ gần nhất của PVB nằm tại khu vực xung quanh 18.5. Mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu nằm tại mức 21.3, cắt lỗ nếu ngưỡng 17.3 bị xuyên thủng.

Khuyến nghị mua MBS với giá mục tiêu 28.300 đồng/CP

CTCK MB (MBS)

Chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu MBS với giá mục tiêu 28.300 đồng/CP trong bối cảnh (i) tăng trưởng khả quan của thị trường chứng khoán, (ii) tiềm năng mở rộng tệp khách hàng cá nhân nhờ hưởng lợi từ hệ sinh thái của Tập đoàn mẹ là Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), và (iii) giữ vững vị trí top 6 thị phần môi giới và top 3 IB.

Tiêu điểm đầu tư: Tiềm năng mở rộng tệp khách hàng cá nhân lớn nhờ lợi thế (i) tiền thân là chứng khoán Thăng Long top 1 thị phần, và (ii) hưởng lợi từ hệ sinh thái của MBB.

MBB sở hữu hơn 5 triệu khách hàng tính đến cuối Q3 2020 và phục vụ hơn 80% khách hàng doanh nghiệp, do đó MBS hoàn toàn có khả năng mở rộng tệp khách hàng thông qua đẩy mạnh các hoạt động bán chéo với Ngân hàng mẹ và các công ty con khác trong Tập đoàn, đặc biệt đối với hoạt động IB và tư vấn phát hành trái phiếu – vốn nằm trong Top 3 các CTCK về mảng kinh doanh này.

Kế hoạch tăng vốn, bán vốn cho đối tác ngoại và đẩy mạnh đầu tư công nghệ số nhằm gia tăng thị phần môi giới trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt trong ngành khi có sự tham gia của các CTCK ngoại với lợi thế lớn hơn về vốn và chi phí thấp. Năm 2020, MBS chiếm 4,79% thị phần, tăng nhẹ so với mức 4,77% của năm 2019.

Kỳ vọng nâng cao hiệu quả kinh doanh nhờ ký hợp đồng tư vấn chiến lược giai đoạn 2021 – 2025 với Boston Consulting Group (BCG). Với những trường hợp ghi nhận dấu ấn tăng trưởng vượt bậc như Techcombank, VPBank… khi có sự tham gia tư vấn chiến lược của các đơn vị tư vấn hàng đầu (McKinsey, BCG, PwC…), chúng tôi kỳ vọng rằng hiệu quả kinh doanh của MBS sẽ được cải thiện đáng kể trong tương lai.

Tăng trưởng khả quan của TTCK Việt Nam nhờ (i) quy mô thị trường ngày càng tăng với số lượng tài khoản cá nhân mở mới tăng mạnh, (ii) kinh tế vĩ mô ổn định & hệ thống pháp luật hoàn thiện minh bạch hơn, và (iii) cơ hội từ nâng hạng thị trường.

>> Tải báo cáo

Khuyến nghị mua LPB với giá mục tiêu 18.700 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

Chúng tôi duy trì khuyến nghị mua dành cho Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPB) và nâng giá mục tiêu thêm 10,0% lên 18.700 đồng/CP.

Giá mục tiêu cao hơn của chúng tôi chủ yếu đến từ định giá cao hơn từ phương pháp thu nhập thặng dư do mức tăng 9,8% trong lợi nhuận sau thuế trung bình 2021-2025 cùng với P/B mục tiêu cao hơn cho LPB do ROE trung bình cao hơn.

Chúng tôi nâng lợi nhuận sau thuế 2021/2022/2023 thêm 6,2%/6,3%/8,3% chủ yếu do (1) thu nhập lãi thuần (NII) trung bình 3 năm tăng 9,8% và (2) thu nhập phí thuần (NFI) (bao gồm giao dịch ngoại hối) trung bình 3 năm tăng 14,9%, phần nào bị ảnh hưởng bởi mức tăng trung bình 3 năm 24,5% trong chi phí dự phòng và mức tăng trung bình 3 năm 11,7% trong chi phí hoạt động kinh doanh (OPEX).

Chúng tôi cập nhật giả định của chúng tôi rằng (1) LPB sẽ huy động vốn thành công từ các NĐT nước ngoài thông qua phát hành riêng lẻ vào cuối 2021 với mức giá 15.000 đồng/CP (so với 14.000 đồng/CP trước đây), (2) LPB sẽ tham gia vào thương vụ bancasurrance độc quyền vào cuối 2021 hoặc đầu 2022 sau khi hợp đồng với Dai-ichi Life hết hạn vào tháng 11/2021, và (3) LPB sẽ nhận được và ghi nhận toàn bộ phí tiếp cận từ hợp đồng bancasurrance độc quyền trong năm 2022. Giả định của chúng tôi về phí tiếp cận là 1,9 nghìn tỷ đồng.

ROE và ROA dự phóng 2021 đạt 14,3% và 0,84% so với trung vị ngành là 18,8% và 1,73%. P/B dự phóng 2021 theo giá mục tiêu của chúng tôi là 1,17 lần.

Rủi ro: (1) LPB không thể huy động vốn mới thông qua phát hành riêng lẻ cho NĐT nước ngoài trong năm 2021 và không ký kết hợp đồng bancasurrance để thay thế hợp đồng với Dai-ichi Life vào cuối 2021 hoặc đầu 2022; (2) các phòng giao dịch bưu điện (PTO) nâng cấp không ghi nhận doanh thu như dự kiến.

Khuyến nghị khả quan dành cho NT2 với giá mục tiêu 24.700 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

Chúng tôi giảm giá mục tiêu cho CTCP Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (NT2) thêm 6% còn 24.700 đồng/CP do điều chỉnh giảm dự báo lợi nhuận năm 2021/2022 và hạ khuyến nghị từ mua còn khả quan.

Chúng tôi cũng chuyển sang áp dụng 100% phương thức chiết khấu dòng tiền (DCF) so với áp dụng cả 3 phương thức DCF, P/E và EV/EBITDA trong mô hình định giá như trước đây.

Chúng tôi giảm dự báo lợi nhuận sau thuế báo cáo năm 2021/2022 thêm 26%/6% so với dự báo trước đây chủ yếu do giả định sản lượng điện thương phẩm thấp hơn. Chúng tôi tăng dự báo lợi nhuận giai đoạn 2023-2025 thêm trung bình 8% khi chúng tôi tăng giá hợp đồng mua bán điện (PPA) cố định thêm 10 đồng/kWh.

Chúng tôi cũng giảm dự báo cổ tức tiền mặt năm 2021 từ 2.000 đồng/CP còn 1.500 đồng/CP do mức giảm lợi nhuận kể trên.

Dựa theo dự báo của chúng tôi, NT2 hiện được giao dịch tại EV/EBITDA dự phóng năm 2021 là 5,3 lần – thấp hơn khoảng 50% so với trung vị EV/EBITDA trượt của các công ty cùng ngành trong khu vực (đối với các nhà máy điện riêng lẻ).

Chúng tôi dự báo cổ tức năm 2021/2022/2023 lần lượt ở mức 1.500/2.500/3.000 đồng/CP, tương ứng lợi suất cổ tức hấp dẫn trong khoảng 7%-13%, so với trung vị lợi suất trượt của các công ty cùng ngành chỉ ở mức 2,5%.

Yếu tố hỗ trợ: tỷ lệ thanh toán cổ tức cao hơn dự kiến.

Rủi ro: giá khí cao hơn dự kiến trong năm 2021.

Khuyến nghị mua PHR với giá mục tiêu 74.000 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

Chúng tôi duy trì khuyến nghị mua dành cho CTCP Cao su Phước Hòa (PHR) và nâng giá mục tiêu thêm 4,5% đạt 74.000 đồng/CP, tương ứng tổng mức sinh lời dự phóng 25,9%, bao gồm lợi suất cổ tức 6,5%.

Chúng tôi nâng giá mục tiêu chủ yếu nhờ số dư tiền mặt của PHR cao hơn, phần nào bù đắp cho điều chỉnh giảm dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số 2021/2022 của chúng tôi lần lượt 2,3%/3,3%.

Mức điều chỉnh giảm dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số chủ yếu phản ánh giả định kéo dài thời gian ghi nhận bán đất khu công nghiệp; tuy nhiên, chúng tôi duy trì giả định thời gian triển khai của các khu công nghiệp chính thuộc PHR trong giai đoạn 2021-2025.

Chúng tôi dự báo doanh thu 2021 đạt 1,7 nghìn tỷ đồng (tăng 1,3% so với năm ngoái) và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số đạt 1,1 nghìn tỷ đồng (tăng trưởng 1,5%). Lợi nhuận dự kiến chủ yếu được dẫn dắt bởi thu nhập từ đền bù 898 tỷ đồng cho chuyển đổi đất cao su tự nhiên của PHR sang khu công nghiệp VSIP III.

Chúng tôi cho rằng PHR sẽ là công ty được hưởng lợi chính từ nhu cầu đất khu công nghiệp gia tăng nhanh chóng tại tỉnh Bình Dương nhờ quỹ đất cao su có sự kết nối tốt với hệ thống hạ tầng đường bộ hiện hữu.

Ngoài ra, chúng tôi kỳ vọng diễn biến chuyển đổi mang tính chiến lược của PHR sang mảng khu công nghiệp sẽ mở khóa giá trị đất tiềm năng. Dựa theo dự phóng của chúng tôi vốn thận trọng hơn kế hoạch chuyển đối đất của PHR, chúng tôi cho rằng định giá của PHR là hấp dẫn khi ước tính giá trị dựa theo phương pháp Tổng của từng phần (SoTP) của PHR là 74.000 đồng/CP.

Rủi ro: Trì hoãn trong phê duyệt các khu công nghiệp trong tương lai; tỷ lệ hấp thụ thấp hơn dự kiến của đất khu công nghiệp; giá cao su tự nhiên tiếp tục giảm.

N.T

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục