Các chỉ báo khả quan
Trên khía cạnh kỹ thuật, xu hướng trung hạn của VN-Index đang tích cực, chỉ số trong sóng tăng 5 với mục tiêu là 1.250 điểm (cuối tuần qua đóng cửa tại 1.173,5 điểm). Ngưỡng hỗ trợ gần nhất quanh 1.120 điểm (MA20) và xa hơn là 1.105 điểm (MA50).
Theo ông Lê Quang Minh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam, VN-Index đang có sự cải thiện trong ngắn hạn từ mức trung tính trước Tết Nguyên đán lên mức khả quan (xem bảng 1).
Xu thế ngắn hạn của các chỉ số theo phân tích kỹ thuật. |
Sự tích cực đến từ việc nhóm nhà đầu tư cá nhân trong nước quay trở lại mua ròng sau khi bán ròng vào tuần cuối tháng 1 và đầu tháng 2 (xem đồ thị 1). Động thái này giúp thị trường hồi phục nhanh sau khi sụt giảm bởi các giao dịch bán ra chốt lời và tâm lý e ngại khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát trước Tết.
Đồ thị 1: Mua bán ròng của các nhóm nhà đầu tư. |
“Chúng tôi kỳ vọng, nhóm nhà đầu tư này tiếp tục có động thái giao dịch tích cực khi mặt bằng lãi suất được duy trì ở mức thấp”, ông Minh nói.
Về dài hạn, ông Minh nhìn nhận, việc thị trường điều chỉnh theo thông tin tiêu cực từ Covid-19 sẽ sớm qua đi. Thay vào đó, nhà đầu tư sẽ chú ý nhiều hơn đến thông tin tích cực đến từ kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết.
Đồ thị 2: Tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp trên 3 sàn (so với cùng kỳ). |
Hiện tại, quá nửa doanh nghiệp niêm yết đã công bố kết quả kinh doanh quý IV/2020, tổng lợi nhuận sau thuế khối doanh nghiệp phi tài chính tăng 9,8% so cùng kỳ năm 2019, trong khi 3 quý trước đó đều giảm so cùng kỳ. Một số ngành có lợi nhuận tăng trưởng ấn tượng như tài nguyên cơ bản (205,8%), hóa chất (127,7%), truyền thông (56,2%), hàng cá nhân và gia dụng (22,4%), viễn thông, bán lẻ (19%). Khối doanh nghiệp tài chính có kết quả kinh doanh tăng trưởng cao: lãi ròng ngành ngân hàng tăng 25,7%, bảo hiểm tăng 115,6%, dịch vụ tài chính tăng 135,4%.
Chia sẻ quan điểm về thị trường trong ngắn hạn, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Khối Khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, VN-Index có thể sẽ kiểm định lại mức kháng cự 1.200 điểm trong tuần này.
Điểm tích cực là chỉ số VN30 xác lập mức đỉnh kỷ lục (phiên 18/2/2021) và đồ thị giá của chỉ số này có dấu hiệu bước vào giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng khả quan, kỳ vọng xu hướng tăng có thể sẽ mở rộng về các mức cao hơn. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý tiếp tục tăng mạnh và rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức thấp.
Ông Thế Minh nhận định, khi chỉ số tiến sát mốc 1.200 điểm, sự rung lắc, điều chỉnh có thể xảy ra, nhưng kịch bản có xác suất cao sau đó là sớm lập đỉnh mới. Các khó khăn chung vẫn hiện hữu, nhưng những cái xấu nhất đã phản ánh trong năm 2020. Theo đó, năm 2021 sẽ là năm nối tiếp những điều tích cực hơn, đặc biệt với các doanh nghiệp duy trì được đà tăng trưởng.
Cổ phiếu ngân hàng được nhận định sẽ là yếu tố chính thúc đẩy chỉ số VN-Index vượt mốc 1.200 điểm ngay trong quý I/2021.
Dĩ nhiên, thị trường có một số áp lực, chẳng hạn, dầu khí đang là nhóm kéo chủ lực cho chỉ số cùng với nhóm ngân hàng, trong thời gian tới có thể trở thành nhóm cản trở chỉ số tiến lên các mức cao. Bởi lẽ, giá dầu sau khi tăng mạnh cần có thời gian để thiết lập vùng giá mới, điều này sẽ ảnh hưởng đến các cổ phiếu dầu khí thuộc dòng sản xuất như GAS, OIL, PLX, BSR…
Trái lại, dòng cổ phiếu ngân hàng trước đây có lo ngại nợ xấu sẽ tăng mạnh trong quý I/2021 khi không còn được giãn nợ, nhưng đến thời điểm hiện tại, khả năng các ngân hàng ít chịu áp lực này. Thay vào đó, chi phí dự phòng sẽ được rải ra, giúp rủi ro ở nhóm cổ phiếu ngân hàng giảm xuống. Nhiều ngân hàng cũng đã mạnh tay trích lập dự phòng trong năm 2020 nên năm nay sẽ đỡ hơn.
Thị trường sẽ có nhiều đợt tăng giảm
Ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam, chi nhánh Hồ Chí Minh dự báo, thị trường chứng khoán năm 2021 sẽ thường xuyên có các đợt tăng giảm (thay vì tăng mạnh liên tục như giai đoạn tháng 4 - 12/2020), nhưng xu thế chung là tăng. Hiện nay, các thông tin tích cực hơn dần xuất hiện, vắc-xin phòng ngừa Covid-19 sắp có…
Về tâm lý nhà đầu tư, sau một năm đạt kết quả khả quan, họ có tâm lý bảo vệ thành quả trước Tết Nguyên đán, nhưng giờ đây “bắt đầu chương mới”, không để tiền nằm yên trong tài khoản. Động thái khối ngoại mua ròng trong các phiên sau Tết góp phần giúp tâm lý nhà đầu tư nội tích cực hơn.
Bản thân các nhà đầu tư nội trong các phiên điều chỉnh mạnh đã tỉnh táo hơn, nhanh nhạy chốt lời nhiều hơn, thay vì để lòng tham chi phối, neo giữ nhằm “ăn dày” như trước. Vì vậy, dòng tiền đảo trụ liên tục.
“Có thể chu kỳ mới đã bắt đầu với các tín hiệu tích cực, các phiên điều chỉnh là cần thiết để thị trường tăng bền vững hơn”, ông Phương nói.
Tiềm năng tăng trưởng kinh tế cũng như doanh nghiệp đang có dự phóng tốt, lợi nhuận trên mỗi cổ phần (EPS) năm 2021 dự kiến tăng 20 - 25% đã tạo niềm tin cho thị trường. Bên cạnh đó, các yếu tố khác hỗ trợ như tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam sẽ được nâng cao trong rổ chỉ số MSCI; khối ngoại (cụ thể là các quỹ ngoại) giải ngân nhiều mỗi khi thị trường điều chỉnh; dòng tiền rẻ trên toàn cầu vẫn đang dồi dào…
Về dư nợ giao dịch ký quỹ (margin), đây luôn là thông tin được nhà đầu tư quan tâm và tỏ ra e ngại mỗi khi thị trường điều chỉnh. Thực tế, các phiên sụt giảm trước Tết được nhiều chuyên gia đánh giá là có tác động không nhỏ từ dòng margin bị siết lại. Tuy nhiên, các công ty chứng khoán đã chủ động nguồn tài chính hơn và lượng margin trước Tết hiện “ngót” khoảng 20% nên giờ đây không còn đáng lo ngại.