Giao dịch chứng khoán: Dòng tiền vẫn chực chờ giải ngân

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngay từ phiên đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, rất nhiều nhà đầu tư đã tìm kiếm thông tin, sàng lọc doanh nghiệp tốt để đầu tư, xuống tiền.
Mỗi khi có hiện tượng rũ hàng là lập tức xuất hiện lực cầu gom mạnh. Mỗi khi có hiện tượng rũ hàng là lập tức xuất hiện lực cầu gom mạnh.

Lực mua đuổi gia tăng

Đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 lần thứ ba theo nhiều nhà đầu tư bám sàn lại là tin tốt với logic “giãn cách xã hội chả biết làm gì, dân tình lại chơi chứng khoán”. Dòng tiền chờ gần như vẫn nằm nguyên vẹn trong thị trường nên mỗi khi có hiện tượng rũ hàng là lập tức xuất hiện lực cầu gom mạnh.

Khối lượng giao dịch tăng so với những phiên trước Tết cho thấy lực mua đuổi đã gia tăng và củng cố cho xu hướng tăng trở lại của VN-Index. Chỉ số cũng đã phá vỡ vùng kháng cự 1.127 điểm, phát đi tín hiệu cho thấy xu hướng tăng đang mạnh lên.

Khảo sát của Báo Đầu tư Chứng khoán cho thấy, nhà đầu tư tổ chức và cá nhân vẫn đặt mối quan tâm lớn tới kênh đầu tư chứng khoán trong năm 2021.

Một tổ chức đầu tư trên thị trường cho biết, trước Tết, họ đã chốt lời nhiều cổ phiếu trong danh mục và hiện số dư tiền ước khoảng 600 tỷ đồng. Họ đã lên danh mục các cổ phiếu dự kiến mua vào và chờ thị trường có nhịp điều chỉnh để chớp cơ hội thật nhanh.

“Tôi cho rằng, thị trường sẽ sớm đến điểm mua hợp lý hơn, không có gì phải sốt ruột để mua đuổi ở thời điểm này”, lãnh đạo tổ chức đầu tư này chia sẻ với người viết hôm 18/2.

Tiền rẻ và mức độ tham gia thị trường dễ dàng hơn các kênh đầu tư khác vẫn là yếu tố hấp dẫn của thị trường chứng khoán. Không chỉ kênh tiết kiệm đã duy trì lãi suất thấp nhất, chỉ còn chưa đầy 6%/năm, kênh trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục ghi nhận mức lãi suất giảm mạnh, hiện chỉ còn 7 - 7,5%/năm.

Trưởng phòng nguồn vốn một công ty chứng khoán lớn cho biết, hiện công ty đã hủy sản phẩm trái phiếu linh hoạt và dự kiến tiếp tục giảm lãi suất trái phiếu xuống thêm 0,5%/năm vào tuần cuối tháng 2.

Như vậy, lãi suất trái phiếu kỳ hạn 1 tháng ở công ty này chỉ chưa đầy 7%/năm. Với những diễn biến như trên, tiền được nhận định vẫn nằm nguyên trong thị trường chứng khoán, chờ đợi và tìm kiếm các cơ hội đầu tư hấp dẫn trong năm 2021.

Lực mua đuổi đã gia tăng và củng cố cho xu hướng tăng trở lại của VN-Index.

Vấn đề quan trọng với các nhà đầu tư là lọc cổ phiếu để đầu tư. Bởi vậy, những bài báo có sự xuất hiện của lãnh đạo cấp cao nhất của doanh nghiệp nói về các kế hoạch năm 2021, những dự án ra mắt sớm, tiến bộ bán hàng, giá trị hợp đồng… được giới đầu tư đón đọc và chia sẻ trên các diễn đàn rất tích cực.

Chẳng hạn, với Công ty cổ phần Đạt Phương, kết quả kinh doanh và các chỉ số tài chính của Công ty đều rất tốt, năm 2021, doanh nghiệp đặt kế hoạch tăng trưởng 27% về doanh thu và lợi nhuận hợp nhất so với năm 2020, nhưng giá cổ phiếu chưa tăng tương xứng. Nhiều chuyên viên phân tích của các công ty chứng khoán cho rằng, sớm hay muộn, những doanh nghiệp như vậy sẽ được dòng tiền chú ý.

Thị giá cổ phiếu nhiều doanh nghiệp tăng trưởng hai con số như FPT vẫn tăng tốt và đã liên tục vượt dự phóng của các công ty chứng khoán đưa ra trong thời gian gần đây.

Trong khi nhu cầu trên thị trường là rất lớn thì nửa đầu năm nay, hàng hóa mới tung ra thị trường thứ cấp được phân tích là không nhiều. Trước hết là hàng thuộc diện thoái vốn, cổ phần hóa.

Mặc dù vào đầu năm, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện Quyết định số 908/QĐ-TTg ngày 29/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh mục doanh nghiệp có vốn Nhà nước thực hiện thoái vốn trong giai đoạn 2020, song các bên bán vốn nhà nước đều đang chờ Thông tư hướng dẫn Nghị định 140/2020.

Ngay cả khi Thông tư được ban hành cũng phải 60 ngày sau mới có hiệu lực. Bởi vậy, trong nửa đầu năm 2021, hầu như rất khó có đợt thoái vốn nhà nước nào được triển khai. Một lãnh đạo của SCIC cho biết, vì Nghị định 140/2020 không có điều kiện chuyển tiếp nên hiện nay cả HOSE và HNX đều từ chối bán đấu giá cổ phần thoái vốn nhà nước.

Bởi thế, ngay các doanh nghiệp đã hoàn tất hồ sơ bán vốn, có định giá cũng không thể tiến hành bán vốn ra thị trường.

Còn về cổ phiếu phát hành thêm, cũng không có nhiều đợt phát hành mới được cấp phép gần đây và tiến hành chào bán trong nửa đầu năm. Các doanh nghiệp mới nộp hồ sơ niêm yết của phải chờ các quy định mới hướng dẫn thi hành Luật Chứng khoán.

Thông tin vắc-xin phòng dịch Covid-19 sẽ được nhập khẩu về trong tháng 2 và đà tăng của thị trường chứng khoán Mỹ, châu Á, đặc biệt là thông tin về kế hoạch kinh doanh mới của các doanh nghiệp niêm yết là động lực chính cho sự hưng phấn của nhà đầu tư trong phiên giao dịch đầu năm.

Nhiều cổ phiếu hưởng lợi từ giãn cách xã hội

Trong phiên giao dịch đầu năm mới, cổ phiếu DGW của Công ty cổ phần Thế giới số tăng trần phiên thứ hai tiếp sau phiên tăng trần cuối năm.

Thế giới số là một trong những công ty được hưởng lợi khi xu thế làm việc và học tập từ xa tăng lên.

Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán Phú Hưng, doanh thu mảng máy tính xách tay và máy tính bảng của DGW năm 2020 duy trì tăng trưởng hai chữ số, đạt 4.350 tỷ đồng (tăng 46% so với năm trước đó). Thị phần của DGW trên thị trường laptop đã mở rộng lên 41% vào cuối quý IV/2020.

Chứng khoán Phú Hưng dự báo doanh thu của DGW tăng trưởng 47% trong năm 2021 nhờ hai ngành hàng cốt lõi nói trên và mở rộng ngành hàng mới.

Thị giá cổ phiếu DGW tăng trần cũng kéo theo PET - công ty phân phối sản phẩm điện thoại, máy tính lớn trên thị trường cũng tăng trần vào cuối phiên giao dịch đầu tiên của năm Tân Sửu.

Ông Đào Văn Đại, Phó tổng giám đốc PET cho biết, như kinh nghiệm năm 2020, sau thời gian giãn cách xã hội, doanh thu mặt hàng máy tích xách tay và điện thoại thông minh bùng nổ. Năm 2020, doanh số máy tính xách tay của PET tăng trưởng 30%, trong khi năm 2019 chỉ tăng trưởng 5%.

Mảng phân phối điện thoại di động của PET gần như không tăng trưởng trong năm 2019 thì đã đạt mức tăng trưởng hai con số trong năm 2020. Riêng doanh thu sản phẩm Samsung tăng từ 3.000 lên 5.000 tỷ đồng trong năm 2020.

PET, DGW, MWG là những cổ phiếu không bị tác động tiêu cực, thậm chí phần nào còn hưởng lợi trong bối cảnh dịch bệnh.

Cổ phiếu bất động sản tỉnh lẻ lên ngôi

Nhóm cổ phiếu bất động sản đang thu hút dòng tiền đầu tư mạnh mẽ. Đáng chú ý là sự lên ngôi của cổ phiếu các doanh nghiệp hoạt động đầu tư kinh doanh chủ yếu tại một địa phương. Trong danh sách cổ phiếu tăng trần trong phiên đầu năm, có cổ phiếu CCL, NHA.

Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển đô thị Dầu khí Cửu Long (CCL) là doanh nghiệp gắn với dự án lớn và duy nhất là Khu đô thị 5A – Mekong Central quy mô hơn 110 ha tại Cần Thơ.

Dự án này được triển khai suốt 13 năm và đến thời điểm này đã hoàn thành pháp lý, hạ tầng để triển khai kinh doanh. Do giá vốn dự án thấp, trong khi giá đất đang tăng mạnh nên nhà đầu tư kỳ vọng việc doanh nghiệp đưa từng phần dự án vào khai thác đủ để tạo lợi nhuận hấp dẫn trong nhiều năm cho cổ đông.

Thị giá cổ phiếu CCL đã tăng từ mức 4.000 đồng/cổ phiếu ở vùng đáy đầu tháng 4/2020 lên hơn 10.000 đồng/cổ phiếu hiện nay và tiếp tục tăng trần khi nhà đầu tư kỳ vọng tăng trưởng kinh tế thúc đẩy giá đất ở các tỉnh phía Nam tăng cao.

Ở thị trường phía Bắc, do thu hút đầu tư nước ngoài tăng mạnh, đất ở các tỉnh như Hà Nam, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương đều tăng rất mạnh, với mức tăng từ 50 - 70% trong năm 2020, giúp các doanh nghiệp bất động sản như Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Nhà Nam Hà Nội (NHA) hưởng lợi.

NHA vừa chuyển sàn sang HOSE ngay trước Tết Nguyên đán. Với tài sản lớn là các dự án thuộc tỉnh Hà Nam đang triển khai và tài chính mạnh (không vay nợ), cổ phiếu NHA sớm được các nhà đầu tư quan tâm.

Quy mô vốn vừa phải cộng với lượng cổ phiếu cô đặc là đặc điểm giúp cổ phiếu của doanh nghiệp bất động sản tỉnh lẻ hấp dẫn với nhà đầu tư nhỏ lẻ. Dự báo đây sẽ là dòng cổ phiếu đem lại tỷ suất khá ấn tượng cho nhà đầu tư trong nửa đầu năm 2021.

Hương Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,215.68 -0.93 -0.08% 303,258 tỷ
HNX 228.83 -0.88 -0.39% 2,702 tỷ
UPCOM 88.63 -0.35 -0.39% 724 tỷ