Cổ phiếu cần quan tâm ngày 24/11

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 24/11 của các công ty chứng khoán.
Cổ phiếu cần quan tâm ngày 24/11

FPT: Khuyến nghị nắm giữ

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

Theo công bố của FPT về KQKD 10 tháng 2014, tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận không có biến động đáng kể so với các tháng trước đó. Doanh thu hợp nhất đạt 27.296 tỷ, tăng 22% so với cùng kỳ trong khi lợi nhuận sau thuế (của cổ đông công ty mẹ) đạt 1.345 tỷ, tăng 6% so với cùng kỳ.

Doanh thu hợp nhất duy trì tốc độ tăng trưởng hơn 20% so với cùng kỳ với đóng góp từ mảng phát triển phần mềm (+27%); dịch vụ viễn thông (+18%); phân phối sản phẩm CNTT và ĐTDĐ (+19%) và bán lẻ (+77%).

Về lợi nhuận, ngoại trừ mảng phân phối và bán lẻ ghi nhận lợi nhuận tăng 41% so với cùng kỳ do mảng phân phối vẫn duy trì được tỷ suất lợi nhuận trước thuế hơn 3% và mảng bán lẻ đã có lãi 36 tỷ (vượt kế hoạch đặt ra) trong khi trong cùng kỳ vẫn lỗ hơn 20 tỷ; lợi nhuận ở các mảng hoạt động khác đều ít nhiều sụt giảm so với cùng kỳ do (1) điều kiện thị trường trong nước vẫn chưa thuận lợi cho các mảng giải pháp phần mềm, tích hợp hệ thống, nội dung số; và (2) chi phí tăng ở mảng viễn thông do đầu tư thực hiện quang hoá.

Điểm sáng là thị trường nước ngoài đang dần đóng góp tỷ trọng cao hơn trong cơ cấu lợi nhuận của FPT. Trong 10 tháng 2014, doanh thu từ thị trường nước ngoài đạt 2.874 tỷ, tăng 38% so với cùng kỳ và lợi nhuận trước thuế đạt 460 tỷ, tăng 6% so với cùng kỳ.

Như vậy, thị trường nước ngoài đóng góp 10,5% tổng doanh thu hợp nhất và 22,5% tổng lợi nhuận trước thuế hợp nhất. Trong đó, hoạt động xuất khẩu phần mềm vẫn là nguồn đóng góp chủ yếu, bên cạnh đó các mảng hoạt động khác (như tích hợp hệ thống) cũng đang hướng sang các thị trường nước ngoài, trước mắt là thị trường các nước đang phát triển trong khu vực (Bangladesh, Philippines, …).

Điểm lưu ý là tỷ suất lợi nhuận của hoạt động xuất khẩu phần mềm giảm so với cùng kỳ là do hợp nhất kết quả kinh doanh của FPT Slovakia (mà FPT thực hiện M&A hồi tháng 5/2014) v với tỷ suất lợi nhuận thấp hơn. Hiện nay Tập đoàn đang tiến hành tái cơ cấu FPT Slovakia, chuyển khoảng 50% công việc về Việt Nam với chi phí thấp hơn nhằm tăng hiệu suất sinh lời của công ty con này.

Về kết quả kinh doanh  2014, chúng tôi giữ nguyên dự báo doanh thu hợp nhất đạt 32.286 tỷ, tăng 19,5% và lợi nhuận sau thuế (của cổ đông công ty mẹ) đạt 1.658 tỷ, tăng 3% so với cùng kỳ. Duy trì khuyến nghị Nắm giữ với giá mục tiêu 55.000VND/cp.

VSC: PE đang giao dịch khá hợp lý, ở mức 8,4 lần

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

Công ty vẫn chưa công bố ngày chốt quyền nhận cổ tức tạm ứng, tuy nhiên dự kiến việc chi trả sẽ được thực hiện trong tháng 12/2014. Kế hoạch cổ tức tiền mặt cho 2014 của VSC là 2.000 đồng/cp, tương đương với tỷ suất cổ tức khoảng 3,6%. Mảng kinh doanh chính là cảng biển không còn dư địa để tăng trưởng do cảng container duy nhất của công ty là Green Port đã hoạt động ở mức toàn dụng. Mặc dù vậy , doanh thu 9 tháng đầu năm 2014 vẫn tăng trưởng khá tốt, đến 12,3% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu là nhờ đóng góp từcác mảng: (1)kho CFS; (2)vận tải; và (3)kho bãi, đại lý tàu,...

Tuy nhiên, trong 9 tháng đầu năm 2014, biên lợi nhuận gộp của VSC đã thu hẹp khá đáng kể và chi phí bán hàng và quản lý cũng gia tăng, khiến lợi nhuận sau thuế 9 tháng đầu năm 2014 của công ty chỉ tăng nhẹ 0,5% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng của doanh thu.

VSC đang giao dịch khá hợp lý ở mức 8,4 lần PE 2014 và 1,9 lần PB, so với mức 8,5 lần PE và 1,4 lần PB của bình quân ngành. Mặc dù tiềm năng tăng trưởng của VSC trong 2014 và 2015 không cao, do bị hạn chế về công suất hoạt động. Tuy nhiên, về dài hạn, khi cảng mới VIP Greenport với vị trí thuận lợi được đưa vào hoạt động (khoảng 2016) sẽ tạo nên bước tăng trưởng tốt cho VSC.

VSH: Khuyến nghị nắm giữ

CTCK Sài Gòn (SSI)

CTCP Thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh (VSH – sàn HOSE) đã ký hợp đồng mua bán điện với EVN sau 4 năm. VSH vừa công bố đã đạt được thỏa thuận giá mua bán điện với EVN cho năm 2010-2013 và từ năm 2014 trở đi.

Mặc dù, VSH không đạt được mức giá như hầu hết các nhà đầu tư kỳ vọng, chúng tôi cho rằng giá điện mới tốt hơn nhiều so với giá EVN đưa ra trước đó và mức giá tự ước tính. Chúng tôi nâng khuyến nghị BÁN lên NẮM GIỮ cổ phiếu VSH với giá giá mục tiêu 1 năm là 16.100 đồng/cổ phiếu,

TNG: Lo ngại về sức khỏe tài chính

CTCK MB (MBS)

Chúng tôi có chuyến thăm doanh nghiệp đến TNG vào ngày 19/11/2014. Trong 10 tháng đầu năm 2014, doanh thu của Công ty đạt mức 1,147 tỷ VNĐ, lợi nhuận sau thuế đạt mức 45 tỷ VNĐ.

Kế hoạch kinh doanh quý IV/2014: doanh thu dự kiến 350 tỷ, lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 15 tỷ. Lũy kế cả năm 2014, doanh thu dự kiến đat 96.7% kế hoạch, lợi nhuận sau thuế đạt 110% kế hoạch, EPS dự kiến 3.700 đồng.

Công ty đặt ra kế hoạch kinh doanh năm 2015, doanh thu dự kiến 1800 tỷ và lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 75 tỷ. Công ty lạc quan với triển vọng kinh doanh của mình dựa trên các hợp đồng đã ký kết với các đối tác chiến lược như Decathlon, TCP. Bên cạnh đó, các hiệp định FTA và TPP có khả năng sẽ được thông qua trong tương lai gần qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho ngành dệt may nói chung và Công ty nói riêng.

Mặc dù doanh thu và lợi nhuận khởi sắc trong 10 tháng đầu năm 2014, song Chúng tôi vẫn quan ngại về sức khỏe tài chính của Công ty. Nợ phải trả tiếp tục chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu vốn của TNG và chủ yếu là nợ ngắn hạn. Trong khi đó, giá trị tiền và tương đương tiền ở mức thấp cho thấy khả năng thanh khoản thấp. Trong thời gian tới, Công ty dự kiến sẽ phát hành tăng vốn nhằm cơ cấu lại và củng cố vị thế tài chính của mình.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục