Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Cố phiếu bất động sản nhỏ có còn tạo sóng

(ĐTCK) Trong tuần qua, dù thị trường trải qua những đợt rung lắc, nhưng nhóm cổ phiếu bất động sản thị giá nhỏ vẫn có nhiều phiên tăng trần. Liệu sau các thông tin tích cực từ NHNN và Bộ Xây dựng có giúp nhóm này nổi sóng. Cùng nhà báo Hải Vân tìm câu trả lời từ các chuyên gia trong chuyên mục bàn tròn tuần này.
Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Cố phiếu bất động sản nhỏ có còn tạo sóng

Thị trường rung lắc sau thông tin Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ “siết” các ngân hàng cho vay đầu tư chứng khoán. Theo đó, tỷ lệ cho vay được quy định là 5% vốn điều lệ, giảm rất mạnh so với mức 20% trước đó. Tuy nhiên, theo giải thích của lãnh đạo NHNN, thì 5% trên là dành riêng cho cổ phiếu, trong khi mức 20% trước đây bao gồm cả cổ phiếu và trái phiếu (trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp). Theo các ông/bà, điều này tác động thế nào tới TTCK?

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc tư vấn đầu tư CTCK MayBank Kim Eng

Tin này đã được phản ánh vào giá những ngày trước khi thị trường giảm điểm cho thấy, sự lo lắng của các NĐT về vốn đầu tư của họ bị ảnh hưởng, khi hầu hết các NĐT đều ưu thích sử dụng margin để tăng lợi nhuận.

Tuy nhiên, theo quan sát của tôi, việc thị trường giảm điểm những ngày qua không chỉ từ thông tin này, mà còn các từ các thông tin đồn khác cộng với việc các NĐT nước ngoài bán ròng và chưa có những thông tin kinh tế tích cực mang tính chất đột phá lúc này.

Bên cạnh đó việc sử dụng vốn vay chủ yếu phổ biến ở các NĐT cá nhân, các NĐT tổ chức ít bị tác động bởi điều này, nên thị trường khi gặp thông tin này có thể diễn biến tiêu cực trong ngắn hạn do NĐT cá nhân với vốn nhỏ, kinh doanh chủ yếu ngắn hạn nên mức độ tác động là nhiều hơn.

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Cố phiếu bất động sản nhỏ có còn tạo sóng ảnh 1

 Ông Phan Dũng Khánh

Còn về trung, dài hạn, theo tôi sẽ không ảnh hưởng tiêu cực mà còn là tích cực khi các NĐT tổ chức và ngay cả các NĐT cá nhân sẽ thấy thông tin này để đảm bảo cho các ngân hàng thương mại hoạt động ổn định, vững chắc đồng thời giảm bớt những hậu quả về margin không đáng có khi các NHTM có thể vì muốn gia tăng dư nợ hay vì mục tiêu lợi nhuận mà cho vay “thả ga” dẫn tới bất ổn hệ thống.

Ông Bùi Nguyên Khoa, Chuyên viên phân tích cao cấp, CTCK BIDV (BSC)

Ngay sau khi có những thông tin đầu tiên liên quan đến việc “siết” cho vay đầu tư chứng khoán, TTCK Việt Nam đã phản ứng khá mạnh mẽ bằng 2 phiên giảm mạnh 18 và 19/11. Đại điên NHNN sau đó đã cung cấp thêm thêm thông tin 5% trên là dành riêng cho cổ phiếu và trong 20% trước đây, thì cho vay chứng khoán chỉ tầm 4%, do đó, việc đặt giới hạn ở mức 5% không có gì quá lo ngại. Tuy nhiên, thị trường gần đây đang có dấu hiệu lạm dụng margin ở những cổ phiếu nóng và khi các công ty chứng khoán công bố điều chỉnh tỷ lệ margin đã tác động tiêu cực trong ngắn hạn lên thị trường.

Tựu chung lại, tác động của quy định trên của NHNN, trong ngắn hạn, đã phản ánh phần nào vào giá rồi, rủi ro giảm điểm do vậy chỉ ở sắp xếp dòng tiền margin ở các nhóm cổ phiếu và yếu tố tâm lý. Còn trong dài hạn, tôi cho rằng, sẽ có những biện pháp điều chỉnh ngăn chặn rủi ro hệ thống, góp phần làm thị trường tiền tệ và TTCK minh bạch hơn.

Ông Hoàng Thạch Lân, chuyên gia Chứng khoán

Theo thông tin trên báo chí thì mức dư nợ hiện tại từ khối ngân hàng dành cho kinh doanh cổ phiếu vào khoảng 4% vốn điều lệ ngân hàng, tức vẫn còn thấp hơn quy định 5%, do đó quy định mới này không phải là siết tín dụng vào chứng khoán.

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Cố phiếu bất động sản nhỏ có còn tạo sóng ảnh 2

 Ông Hoàng Thạch Lân

Tuy nhiên, trong ngắn hạn tôi nghĩ, TTCK sẽ vẫn có thể còn chịu tác động tiêu cực do từ trước đến nay, NĐT và kể cả các cơ quan quản lý đều rất khó biết thực sự dư nợ cho vay cổ phiếu là bao nhiêu. Những con số mà báo chí thống kê về mức margin tại công ty chứng khoán hay cho vay cầm cố tại ngân hàng có thể còn thiếu, ví dụ như dư nợ cho loại cổ phiếu phát hành lần đầu (cổ phần hóa) hay chưa niêm yết, dư nợ tại các công ty quản lý quỹ, công ty đầu tư chứng khoán, thậm chí nợ ở bất kỳ tổ chức hay cá nhân nào đó nhưng số tiền vay đã lách qua kênh cổ phiếu.

Theo tôi, vấn đề lớn nhất hiện nay là tâm lý e sợ của NĐT, và nếu trong thời gian ngắn tới, bất kỳ động thái nào kiểu như các công ty chứng khoán đồng loạt cắt giảm margin ở mã này mã kia thì càng làm đám đông e sợ hơn.

Ông Ngô Thế Hiển, Phó trưởng phòng Phân tích, CTCK SHS

Thông tư 36 sửa đổi một số điều của Thông tư 13 trước đây được chính thức ban hành ngày 20/11 vừa qua. Một trong những điểm đáng chú ý nhất được thị trường hết sức quan tâm liên quan tới việc tổng dư nợ cho vay đầu tư cổ phiếu không vượt quá 5% vốn điều lệ.

Tổng vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại hiện tại lên đến khoảng 435.500 tỷ đồng, do vậy hạn mức 5% cho vay để kinh doanh riêng cổ phiếu có thể lên tới khoảng hơn 20.000 tỷ đồng. So với thời điểm margin hiện tại trên thị trường khoảng 17.000 tỷ đồng, từ rất nhiều nguồn khác nhau, ngoài ngân hàng thương mại còn có công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ và các tổ chức khác… Do vậy, chúng tôi cho rằng, thông tư này trong ngắn hạn có thể ảnh hưởng tới tâm lý của nhà đầu tư, còn trong dài hạn sẽ mang tính tích cực, nhằm giúp thị trường chứng khoán phát triển mang tính chất bền vững hơn.

Ngoài con số margin mà UBCK đã công bố hiện nay trên dưới 17.000 tỷ đồng, thì nhiều ý kiến cho rằng, mức margin thực tế (tiền vay ngân hàng đổ vào) có thể cao hơn rất nhiều so với con số trên, nên tham gia vào thị trưởng ở thời điểm hiện tại khá “bấp bênh”. Quan điểm của ông/bà thế nào?

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc tư vấn đầu tư CTCK MayBank Kim Eng

Theo quan sát của tôi, con số 17.000 tỷ đồng là cao hơn nhiều so với các năm trước. Nếu tổng số margin là 17.000 tỷ đồng, thì số margin của 20 CTCK lớn thì margin ước khoảng hơn 70% là khoảng 12.000 - 13.000 tỷ đồng.

Lượng margin quá nhiều luôn là áp lực lớn đến TTCK, bởi người dùng margin chủ yếu là các NĐT cá nhân, chứ tổ chức, quỹ thì họ đã có các quy định và thường không có vay mượn. Và tâm lý của các NĐT cá nhân, thì thường yếu hơn tổ chức vì tiền ít hơn nên sức chịu đựng kém hơn. Bởi thế, ở những pha rung lắc sẽ khiến họ dễ bị tổn thương hơn và margin càng dễ bị giải chấp.

Tuy nhiên, hiện nay với thanh khoản cao hơn năm trước, lượng tiền của các tổ chức, NĐTNN và thanh khoản năm nay cũng cao nhất trong 14 năm của TTCK, thì mức margin dù có tăng lên nhưng theo quan sát của tôi hiện vẫn tương đồng với thanh khoản thị trường cũng như với các NĐT khác.

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Cố phiếu bất động sản nhỏ có còn tạo sóng ảnh 3

Ngoài ra, margin hiện được NHNN, UBCK, các CTCK kiểm soát rất chặt để tránh rủi ro như giai đoạn 2007-2010, nên nhiều khả năng thị trường sẽ được hỗ trợ từ các lượng tiền khác nhau của tổ chức, NĐTNN, lượng tiền từ margin nên với mức độ margin hiện nay vẫn đang trong tầm kiểm soát và đặc biệt với nền kinh tế đang ngày càng khả quan hơn, lãi suất giảm thì margin tăng cũng là điều bình thường. Đơn cử như thông tư 36 vừa ban hành để giúp kiểm soát rủi ro trong hệ thống ngân hàng.

Rủi ro thị trường chỉ xảy ra khi kinh tế đi xuống, có nhiều thông tin tiêu cực lớn với margin không được kiểm soát chặt mới tác động xấu đến TTCK. Ví dụ như kinh tế đi xuống mà margin tăng thì sẽ rất rủi ro khi các DN khi đó cũng đi xuống còn ngược lại chỉ cần mức độ tăng không vượt quá tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế thì tác động của margin đến TTCK sẽ tích cực hơn.

Ông Bùi Nguyên Khoa, Chuyên viên phân tích cao cấp, CTCK BIDV (BSC)

Rất khó để biết được chính xác con số margin thực tế là bao nhiêu. Tuy nhiên, có thể khẳng định, mức margin thời gian vừa qua ở mức cao và đây là một trong những lý do khiến thị trường hiện tại khá “bấp bênh”.

Tuy nhiên, trong một chu kỳ tăng của TTCK, việc con số margin liên tục tăng đều là điều bình thường khi giá cổ phiếu tiếp tục tăng lên những mức cao mới và tỷ lệ sinh lời trên thị trường cổ phiếu hấp dẫn hơn các kênh đầu tư khác như gửi tiết kiệm, đầu tư trái phiếu…

Chính vì thế, mức margin chỉ là một chỉ báo bổ sung để tham khảo, chứ không hẳn là một yếu tố quyết định đến tình trạng “bấp bênh” hiện tại của thị trường.

Ông Hoàng Thạch Lân, chuyên gia Chứng khoán

Với quy định mới thì đã có công ty chứng khoán lớn nhanh chóng tạm tính hạn mức tín dụng tối đa cho đầu tư, kinh doanh cổ phiếu vào khoảng 21.000 - 22.000 tỷ đồng, tức là cao hơn dư nợ margin mà UBCK công bố. Tuy nhiên, lưu ý rằng nợ margin chỉ có sự đóng góp 1 phần từ ngân hàng, tức là số tiền ngân hàng cho công ty chứng khoán vay để dùng cho dịch vụ margin, số còn lại là vốn tự có của chính công ty chứng khoán.

Ngoài ra, theo tôi biết thì nhiều công ty chứng khoán vẫn duy trì dịch vụ hợp tác đầu tư, thực ra cũng là 1 dạng margin, mà đa phần nguồn vốn cũng đến từ ngân hàng. Rồi NĐT cũng có thể cầm cố cổ phiếu, mà cầm cố thì về cách thức cũng giống margin. Nếu quan điểm của ĐTCK rằng margin thực tế bao gồm cả các dạng cho vay giống loại giao dịch ký quỹ thì tôi nghĩ con số sẽ lớn hơn 17.000 tỷ đồng kia nhiều.

Ông Ngô Thế Hiển, Phó trưởng phòng Phân tích, CTCK SHS

Theo thông tin từ phía NHNN, thì khoản cho vay của ngân hàng cho kinh doanh cổ phiếu ở mức 4% vốn điều lệ toàn hệ thống tức là tương đương với khoảng 17.400 tỷ đồng.

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Cố phiếu bất động sản nhỏ có còn tạo sóng ảnh 4

 Ông Ngô Thế Hiển

Ở thời điểm hiện tại, chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư nên giữ vị thế quan sát sự vận động của thị trường trong các phiên đầu tuần trước khi đưa ra những quyết định mua bán tiếp theo.

Nhóm cổ phiếu bất động sản thị giá vừa và nhỏ đang thu hút nhà đầu tư. Theo các ông/bà, trong tuần tới, nhóm cổ phiếu nào sẽ là tâm điểm của nhà đầu tư?

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc tư vấn đầu tư CTCK MayBank Kim Eng

Theo tôi, nhóm cổ phiếu bất động sản và thêm cổ phiếu của ngành chứng khoán có thị giá vừa và nhỏ sẽ tiếp tục thu hút dòng tiền, khi mới đây nhóm bất động sản có nhiều thông tin hỗ trợ như Ngân hàng Nhà Nước và Bộ Xây dựng ban hành thông tư "nới" quy định về cho vay hỗ trợ nhà ở; Hiệp hội Bất động sảnViệt Nam kiến nghị cho vay 3 năm không lãi suất, giải pháp nợ xấu tập trung giải quyết nợ xấu bất động sản… Còn cổ phiếu chứng khoán thị giá thấp thu hút được dòng tiền đầu cơ như VIX thời gian qua.

Ông Bùi Nguyên Khoa, Chuyên viên phân tích cao cấp, CTCK BIDV (BSC)

Thị trường hiện tại vẫn đang sideway trong vùng hẹp 590 - 605 và vùng rộng từ 580 - 610 điểm, do đó tại những nhịp giảm điểm sâu, lực cầu bắt đáy thường tập trung vào những cổ phiếu có thị giá thấp và có hệ số beta cao, đặc biệt là dòng bất động sản và dòng chứng khoán.

Tuy nhiên, khi áp lực bán ở các nhóm cổ lớn đang đẩy chỉ số rớt khỏi các vùng tích lũy trên thì áp lực chốt lãi các nhóm cổ phiếu trên sẽ tăng mạnh.

Do vậy, với diễn biến hiện tại của thị trường, xu hướng bắt đáy tuần sau dự báo sẽ tập trung trở lại các cổ phiếu cơ bản tốt, có chuyển biến kinh doanh rõ rệt hơn là nhóm cổ phiếu thị trường như đã xảy ra trong tuần này.

Ông Ngô Thế Hiển, Phó trưởng phòng Phân tích, CTCK SHS

Nhóm các cổ phiếu bất động sản phản ứng khá tích cực với Thông tư 32 mới được ban hành. Thông tư này sửa đổi bổ sung một số điều khoản tại Thông tư 11 quy định về cho vay hỗ trợ nhà ở. Trong đó, có rất nhiều điều khoản mang tính nới lỏng quy định về vay hỗ trợ nhà, do vậy nhiều khả năng sẽ tiếp tục tác động tích cực tới thị trường bất động sản trong thời gian tới đây.

Hải Vân

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục