Khuyến nghị mua cổ phiếu MWG
CTCK BIDV (BSC)
Kết quả kinh doanh 9 tháng năm 2018 của CTCP Thế giới di động (mã MWG) duy trì mức tăng trưởng 2 con số với sự đóng góp chủ yếu tiếp tục đến từ Điện Máy Xanh, tăng trưởng doanh thu cửa hàng cũ (SSSG) của chuỗi Thế giới di động và Điện máy xanh đạt 12% cao hơn mức 10% trong 6 tháng năm 2018.
Doanh thu thuần của MWG trong 9 tháng năm 2018 ghi nhận tăng trưởng khả quan đạt 65.478 tỷ đồng (tăng 37% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế đạt 2.186 tỷ đồng (tăng trưởng 34%)
Doanh thu chuỗi thế giới di động tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ, tiếp tục việc chuyển đổi các cửa hàng sang mô hình Điện Máy Xanh Mini.
Động lực tăng trưởng doanh thu năm 2019-2020 sẽ phụ thuộc lớn vào tốc độ tăng trưởng chuỗi Điện Máy Xanh, tốc độ mở cửa hàng chậm lại từ quý II/2018. MWG định hướng, nâng tổng số cửa hàng lên mức 900 cửa hàng trong 1-2 năm tiếp theo.
Ngoài ra, MWG đẩy mạnh quá trình tái cấu trúc – nâng cấp chuỗi cửa hàng Bách hóa xanh lên quy mô chuẩn qua đó cải thiện tỷ lệ biên lợi nhuận gộp và đạt điểm hòa vốn EBITDA cuối năm 2018. Biên lợi nhuận gộp cải thiện từ mức 16% trong nửa đầu năm 2018 lên mức 17% trong quý III/2018. Doanh thu bình quân/cửa hàng (đã hoạt động 30 ngày) của BHX đạt trên mức 1 tỷ đồng/tháng.
BSC dự báo doanh thu và lợi nhuận sau thuế của MWG năm 2018 lần lượt ước đạt 90.067 tỷ đồng (tăng 33% so với năm trước) và 2.876 tỷ đồng (tăng trưởng 30%), EPS 2018F = 6.772 đồng/cp.
Chúng tôi khuyến nghị mua cổ phiếu MWG với giá mục tiêu 124.000 đồng/cp (tăng 46,2% so với mức giá đóng cửa ngày 21/11/2018) dựa trên 2 phương pháp định giá là FCFF (50%) và PE (50%).
CTI sẽ quay lại thử thách ngưỡng 24.4
CTCK BIDV (BSC)
Cổ phiếu Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Cường Thuận IDICO (mã CTI) là cổ phiếu thuộc ngành Vật liệu xây dựng hiện đang xu hướng giảm giá, hồi phục ngắn hạn.
Chỉ báo MACD và giá CTI cho tín hiệu hội tụ báo hiệu xu hướng cũ sẽ chấm dứt sớm. Tuy nhiên, CTI vừa phá qua vùng cản mạnh tại mức giá 24.4, vùng cản này được tạo ra bởi một đợt tích lũy từ hồi đầu tháng 10, khối lượng giao dịch gia tăng đột biến trong khoảng thời gian này.
Vùng cản mạnh 24.4 đã bị phá qua, vì vậy nhiều khả năng, CTI sẽ quay lại thử thách ngưỡng giá này rồi tiếp tục đi theo xu hướng cũ.
Khuyến nghị mua cổ phiếu VGT
CTCK FPT (FPTS)
Trong một vài phiên tới, dự kiến cổ phiếu Tập đoàn Dệt may Việt Nam (mã VGT) có thể tiếp diễn giằng co để kiểm định lực cung. Đây sẽ là cơ hội để nhà đầu tư tìm kiếm điểm vào cho kỳ vọng đi theo xu hướng trung hạn.
Chúng tôi khuyến nghị Mua cổ phiếu VGT quanh vùng giá 12.500 – 13.000 cho mục tiêu là vùng giá 15.000.
Nhà đầu tư nên áp dụng chiến lược giải ngân từng phần để hạn chế rủi ro trong bối cảnh VN-Index có khả năng chịu tác động tâm lý từ bên ngoài. Thực hiện bán cutloss nếu giá đóng cửa đảo chiều giảm về dưới 12.000 hoặc SMA 20 phiên.
>> Tải báo cáo
Khuyến nghị khả quan đối với MSN
CTCK Bản Việt (VCSC)
Chúng tôi điều chỉnh khuyến nghị cho CTCP Tập đoàn Masan (MSN) từ mua thành khả quan khi điều chỉnh giảm giá mục tiêu 12% do chúng tôi giảm định giá cho Techcombank (TCB), giảm dự phóng lợi nhuận cho mảng thức ăn chăn nuôi và việc lãi suất phi rủi ro và phần bù rủi ro tăng.
Chúng tôi điều chỉnh giảm dự phóng lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số cốt lõi lần lượt 15%/14%/12% cho các năm 2018/2019/2020 chủ yếu do TCB và ở một mức độ thấp hơn là Masan Nutri-Science (MNS/chuỗi giá trị thịt).
Theo dự phóng của chúng tôi, EPS cốt lõi sẽ tăng mạnh lần lượt 65%/60%/24% trong các năm 2018/2019/2020 nhờ tăng trưởng ở các mảng kinh doanh cốt lõi, dẫn dắt bởi mảng Thực phẩm & Đồ uống (F&B) và TCB, cũng như nhờ việc giảm nợ vay tài chính.
Chúng tôi kỳ vọng CTCP Hàng Tiêu dùng Masan (MCH) sẽ tiếp tục duy trì tăng trưởng hai chữ số trong giai đoạn 2019-2020 khi động thái tái cơ cấu chiến lược thực hiện trong năm 2017 đang mang lại kết quả tích cực.
Chúng tôi kỳ vọng MNS sẽ phục hồi trong năm 2019 sau cuộc khủng hoảng dư cung thịt heo và việc triển khai sản phẩm thịt tươi sống sắp tới.