Chậm cổ phần hóa, thoái vốn: Sớm khởi động tiến trình quy trách nhiệm

(ĐTCK) Kỷ luật tài chính trong vấn đề đổi mới, sắp xếp doanh nghiệp nhà nước rất lỏng lẻo, bằng chứng là mới chỉ có 10% doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn theo kế hoạch đã đặt ra. Vậy nhưng những đơn vị chậm tiến độ cũng chẳng buồn báo cáo lý do và cũng chưa có người đứng đầu nào bị phê bình, khiển trách. Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp Bộ Tài chính trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán.
Chậm cổ phần hóa, thoái vốn: Sớm khởi động tiến trình quy trách nhiệm

Mới đây, Petrolimex tiếp tục có công văn xin giãn tiến độ thoái vốn đến năm 2020 trong khi theo kế hoạch phải triển khai trong năm 2018. Ông có nhận xét gì về những trường hợp như vậy?

Chậm cổ phần hóa, thoái vốn: Sớm khởi động tiến trình quy trách nhiệm ảnh 1

 Ông Đặng Quyết Tiến.

Doanh nghiệp xin giãn thoái vốn thì phải có lý do vì sao, bởi kế hoạch thoái vốn là gắn với hiệu quả kinh doanh, quản trị doanh nghiệp, gắn với đề án tái cơ cấu doanh nghiệp. Tập đoàn không làm thì phải giải trình. Chính phủ xây dựng lộ trình thoái vốn là do doanh nghiệp đề xuất lên, chứ Chính phủ không ép. Vì thế, không thoái vốn hay thoái vốn không được thì phải có nguyên nhân. Nếu xác định trước rằng thoái vốn không hiệu quả thì cũng có thể phải xem xét lại, điều chỉnh. 

Ngoài việc cho rằng thị trường chứng khoán không thuận lợi gây khó khăn cho việc thoái vốn, cũng có ý kiến cho rằng Petrolimex không thể thực hiện thoái vốn được trong năm 2018 do việc định giá doanh nghiệp phức tạp, liên quan đến sắp xếp lại đất đai?

Nói như vậy là không chuẩn. Quy định về việc doanh nghiệp phải sắp xếp lại đất đai có từ lâu, từ Luật Đất đai 2003 đã nói rõ quy trình, làm đúng theo quy định thì minh bạch về đất đai. Petrolimex cổ phần hóa từ năm 2009, tại sao 9 năm rồi không sắp xếp đất đai để đến giờ lại viện cớ sắp xếp?

Mà cũng phải lưu ý một điều là từ doanh nghiệp nhà nước chuyển sang công ty cổ phần, Petrolimex phải đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tức là đã phải sắp xếp lại đất đai. Ngoài ra, có như vậy thì các công ty con mới có cơ sở để đón nhận và nắm được đất đó có kinh doanh được không. 

Lâu nay cứ nói mãi đến việc cổ phần hóa, thoái vốn chậm tiến độ. Cho đến thời điểm này, đã có đợt rà soát nào về các doanh nghiệp chậm hoặc chưa thực hiện, thưa ông?

Chậm cổ phần hóa, thoái vốn: Sớm khởi động tiến trình quy trách nhiệm ảnh 2

Nhiều doanh nghiệp cứ nói vướng, nhưng vướng thế nào thì không nói được. Ngay như việc sắp xếp đất đai, chỉ cần hỏi mảnh đất này có giấy tờ, tên tuổi  chưa? Phải từ doanh nghiệp mới biết. Doanh nghiệp bảo vướng thì hãy công khai tất cả các mảnh đất mà họ quản lý đi. Nếu nêu được đầy đủ là cổ phần hóa, thoái vốn được ngay. Còn nếu chưa nêu được thì có nghĩa là doanh nghiệp đang vướng, là thủ tục chưa đầy đủ, phải đẩy nhanh việc này.

Nói về việc vướng cổ phần hóa thì TP.HCM đang rất vướng vì Thành phố không phê duyệt được phương án nào. Họ đã báo cáo rồi, Bộ Tài chính cũng có nhiều văn bản đôn đốc. Đầu năm nay, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã có công văn đôn đốc các tỉnh, thành chậm thực hiện cổ phần hóa. Chỉ cần rà soát lại kế hoạch đã được phê duyệt sẽ thấy ngay doanh nghiệp nào chậm. 

Chậm như vậy thì có được coi là chính đáng hay không, vì nhiều nơi viện dẫn nhiều lý do cho việc chậm trễ?

Chậm cổ phần hóa, thoái vốn: Sớm khởi động tiến trình quy trách nhiệm ảnh 3

Lý do chính đáng hay không, hiện nay cơ quan quản lý chưa nhận được báo cáo của đơn vị nào. Bởi vậy, mới nói là tiến trình này đang rất chậm. Có lý do chính đáng thì khó có thể coi là chậm. Vì thế, doanh nghiệp nào làm được thì làm, không làm được phải nói ra, phải báo cáo. 

Trước thềm cuộc gặp của Thủ tướng Chính phủ với các doanh nghiệp nhà nước, các cơ quan quản lý có danh sách các doanh nghiệp chưa hoàn thành nhiệm vụ gắn với trách nhiệm cá nhân không, thưa ông?

Có nhiều người đặt vấn đề nêu đích danh người chịu trách nhiệm. Đó là những người đứng đầu. Bộ cổ phần hóa chậm thì người đứng đầu là bộ trưởng phải chịu trách nhiệm. Còn xử lý hay không là Bộ Nội vụ tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ. Với trách nhiệm người đứng đầu, mà doanh nghiệp chậm cổ phần hóa, thoái vốn thì các bộ trưởng phải nêu lý do, giải trình không được thì Thủ tướng phê bình. 

Vậy với các cơ quan quản lý, đã khởi động tiến trình quy trách nhiệm cá nhân trong việc chậm trễ này hay chưa?

Khởi động hay không không phải trách nhiệm của Bộ Tài chính. Nhưng tôi tin tại cuộc gặp của Thủ tướng Chính phủ với các doanh nghiệp nhà nước, vấn đề này sẽ được mổ xẻ.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục