Khuyến nghị tích cực cho KDH với giá mục tiêu 37.069 đồng/CP
CTCK Bảo Việt (BVSC)
Chúng tôi vẫn đánh giá tốt về cơ hội đầu tư vào KDH của CTCP Đầu tư Kinh doanh Nhà Khang Điền trong 2021 lẫn trong dài hạn. Điểm nhấn đầu tư cho KDH vẫn đến từ quỹ đất lớn, chi phí thấp, và tình hình tài chính tốt.
Mặc dù, các lợi thế này của Công ty không thay đổi nhiều trong 1-2 năm gần đây và được thị trường phản ánh. Chúng tôi vẫn yêu thích và cho rằng công ty còn nhiều cơ hội ở quỹ đất lớn ở phía Nam đang sở hữu.
Những chuyển động pháp lý ở các dự án này hoặc tìm đối tác chiến lược chào bán cổ phiếu quỹ nếu diễn ra vào 2H.2021 sẽ là giúp câu chuyện của KDH thêm hấp dẫn.
Do đó, BVSC duy trì khuyến nghị OUTPERFORM cho KDH với giá mục tiêu là 37.069 đồng/cp, cao hơn 17% giá thị trường ngày 26/2/2021. Nhà đầu tư có thể chờ giá cổ phiếu điều chỉnh về 29.000 – 30.000 đồng/cp để tích lũy nhằm cải thiện tỷ suất lợi nhuận.
>> Tải báo cáo
Khuyến nghị mua cho HPG với giá mục tiêu 55.600 đồng/CP
CTCK BIDV (BSC)
Luận điểm đầu tư: CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) xác lập nhiều kỷ lục về sản lượng và tăng trưởng trong năm 2020: Tiêu thụ các sản phẩm thép đạt 6,3 triệu tấn (tăng 69% so với năm trước). Tổng doanh thu tăng trưởng 42%, lợi nhuận sau thuế tăng trưởng 78% với hai trụ cột chính là thép và nông nghiệp.
Bên cạnh đó, tình hình kinh doanh khả quan trong những tháng đầu năm 2021:Sản lượng thép thô tháng 1/2021 đạt 670.000 tấn (tăng 67% so với cùng kỳ năm ngoái). Tiêu thụ HRC là điểm nhấn với 252 nghìn tấn (tăng trưởng 48% so với tháng trước), thép xây dựng 186 nghìn tấn (tăng trưởng 6% so với cùng kỳ năm trước), phôi thép 140 nghìn tấn (tăng 41% so với tháng trước, tăng 40% so với cùng kỳ năm trước). Xuất khẩu tôn mạ tháng 2/2021 khoảng 22.000 tấn.
Ngoài ra, giá các sản phẩm thép giữ ở mức cao nhờ được hỗ trợ bởi nhu cầu tại Trung Quốc và giá quặng cao do gián đoạn nguồn cung quặng sắt bởi thời tiết và dịch bệnh; HPG dự kiến triển khai nhà máy sản xuất vỏ container công suất 500,000 TEU/năm.
BSC dự báo doanh thu 2021 của HPG đạt 116.437 tỷ đồng (tăng 29,2% so với năm ngoái), lợi nhuận sau thuế 18.981 tỷ đồng (tăng trưởng 41,2%, tăng 35% so với dự báo gần nhất của chúng tôi), tương đương EPS = 5.526 đồng/CP (giả định trích quỹ khen thưởng phúc lợi 5%).
BSC duy trì khuyến nghị muavới HPG và nâng giá mục tiêu năm 2021 lên 55.600 đồng/CP (+35% so với giá mục tiêu cũ) do (1) nâng dự báo kết quả kinh doanh của công ty năm 2021 dựa trên đánh giá lại triển vọng và giá thép năm 2021 và (2) nâng mức định giá P/E mục tiêu đối với HPG từ 9x lên 10x và EV/EBITDA từ 6x lên 7x nhằm phản ánh mặt bằng lãi suất thị trường giảm.
Khuyến nghị chốt lãi khi cổ phiếu FCN tiếp cận ngưỡng giá 16.0
CTCK BIDV (BSC)
Cổ phiếu FCN của Công ty cổ phần FECON đang hình thành xu hướng tăng sau khi điều chỉnh về ngưỡng đáy 10.4. Thanh khoản cổ phiếu đã vượt lên ngưỡng trung bình 20 phiên, đồng thuận với xu hướng tăng giá của cổ phiếu.
Chỉ báo RSI và chỉ báo MACD đều đang ủng hộ xu hướng tăng giá. Đường giá cổ phiếu đang có dấu hiệu vượt lên dải mây Ichimoku báo hiệu xu hướng tăng giá trung hạn sắp hình thành.
Nhà đầu tư trung hạn có thể cân nhắc mở vị quanh ngưỡng giá 12.5-13.0 và chốt lãi khi cổ phiếu tiếp cận ngưỡng giá 16.0. Cắt lỗ nếu mất ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn 12.0.
Khuyến nghị nắm giữ cổ phiếu MWG
CTCK MB (MBS)
Chúng tôi khuyến nghị nắm giữ đối với cổ phiếu MWG với giá mục tiêu 12 tháng khoảng 152.600 đồng, trên cơ sở: (i) nhu cầu đối với nhu yếu phẩm hàng ngày gia tăng, làm cải thiện mạnh doanh thu chuỗi BHX trong khi biên lợi nhuận gộp được cải thiện, và (ii) ĐMX supermini trở thành động lực tăng trưởng cho mảng bán lẻ điện tử tiêu dùng.
Trong tháng 1/2021, MWG ghi nhận 11.049 tỷ đồng doanh thu và 494 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 11-12% so với cùng kỳ năm ngoái do (i) dịp Tết Nguyên đán 2021 diễn ra từ cuối tháng 1/2021 trong khi năm ngoái vào tháng 1/2020, ảnh hưởng tới sức mua người tiêu dùng trong giai đoạn này, và (ii) dịch Covid-19 bùng phát trở lại từ nửa cuối tháng 1/2021 khiến nhiều tỉnh, thành phải thực hiện giãn cách xã hội, tác động tới tình hình kinh doanh các mặt hàng không thiết yếu.
Điện Máy Xanh supermini trở thành động lực tăng trưởng của mảng bán lẻ điện tử tiêu dùng. Trong tháng 1/2020, chuỗi Thế giới di động và Điện máy Xanh đạt hơn 8.700 tỷ đồng doanh thu, trong đó Điện Máy Xanh supermini đóng góp hơn 450 tỷ đồng với 65 điểm mở bán mới, nâng tổng số cửa hàng Điện Máy Xanh supermini lên 367 cửa hàng. Doanh thu bình quân đạt hơn 1,2 tỷ đồng/cửa hàng trong tháng cao điểm. Doanh nghiệp dự kiến đến cuối năm 2021, số cửa hàng Điện Máy Xanh supermini sẽ đạt khoảng 1.000 cửa hàng.
Đối với chuỗi Bách Hóa Xanh, doanh thu trong tháng 1/2021 đạt gần 2.300 tỷ đồng, đóng góp 21% tổng doanh thu của MWG. Với 1749 cửa hàng tính đến ngày 31/1/2021, doanh thu bình quân mỗi cửa hàng đạt gần 1,3 tỷ đồng trong tháng 1. Ngoài 30 cửa hàng mở mới trong tháng, Bách hóa xanh đã hoàn tất nâng cấp thêm 57 cửa hàng diện tích hơn 500m2 chủ yếu tại khu vực tỉnh, nâng tổng số cửa hàng có diện tích >500m2 lên 239 cửa hàng. Doanh nghiệp đặt mục tiêu đạt 500 cửa hàng nhóm này đến cuối năm 2021.
Doanh thu dự kiến đạt 137.264 tỷ đồng, tăng 26,4% so với cùng kỳ năm ngoái trên cơ sở giả định (i) số lượng cửa hàng Điện máy Xanh mở mới đạt 100 trong năm 2021, nâng tổng số cửa hàng lên 1.400 cửa hàng, tốc độ tăng trưởng doanh thu đạt 17,1%, (ii) chuỗi Thế giới di động chứng kiến giảm 10% trong năm 2021 do chuyển đổi từ cửa hàng Thế giới di động sang Điện máy Xanh và nhu cầu giảm do tác động của dịch bệnh, và (iii) số lượng cửa hàng chuỗi Bách hóa xanh đến cuối năm 2021 đạt 2.200 cửa hàng với doanh thu bình quân/cửa hàng đạt 1,45 tỷ đồng.