Chỉ báo VN-Index sẽ rất quan trọng trong tuần này

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index lên càng cao thì mức độ biến động càng mạnh, đòi hỏi nhà đầu tư phải bình tĩnh, kèm theo đó là một kế hoạch hành động cho các kịch bản được dự liệu trước.
Chỉ báo VN-Index sẽ rất quan trọng trong tuần này

Các kịch bản thị trường

Những phiên giao dịch sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán chứng kiến mức tăng mạnh của VN-Index, với động lực tích cực từ thị trường chứng khoán quốc tế. Thêm vào đó, nhà đầu tư vững tâm trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 nhờ kỳ vọng vào kinh nghiệm chống dịch của hệ thống y tế Việt Nam và vắc-xin sắp được phân phối.

Diễn biến đảo chiều đã xuất hiện trong các phiên giữa tuần qua do áp lực chốt lời gia tăng hoặc nỗi lo về lạm phát và lợi suất trái phiếu Mỹ tăng dấy lên mạnh hơn. Tuy nhiên, xu hướng tích cực chung của thị trường vẫn chưa bị bẻ gẫy, VN-Index đóng cửa tuần qua tại 1.168,47 điểm, chỉ giảm 0,4% so với cuối tuần trước đó. Mức P/E 4 quý gần nhất xấp xỉ 16 lần, thấp hơn đáng kể so với nhiều thị trường trong khu vực và thị trường Mỹ, châu Âu.

Nhìn lại ngưỡng hỗ trợ mạnh quanh 1.000 điểm trước Tết cho đến nay, phần lớn cổ phiếu đã có sự phục hồi về giá như DGW, FPT, DHC, VPB, GIL, TCB… Dù vậy, những biến động gần đây cho thấy, khi VN-Index lên càng cao thì mức độ biến động càng mạnh. Tình trạng này nhiều khả năng tiếp tục xảy ra trong thời gian tới, đòi hỏi nhà đầu tư phải bình tĩnh, kèm theo đó là một kế hoạch hành động cho các kịch bản thị trường rung lắc.

Diễn biến VN-Index trong 1 năm qua, hiện đạt 1.168,47 điểm.

Diễn biến VN-Index trong 1 năm qua, hiện đạt 1.168,47 điểm.

VN-Index hiện cách đỉnh lịch sử 1.200 - 1.210 điểm khoảng 3% (trên dưới 40 điểm). Nhiều nhà đầu tư vẫn có niềm tin về việc chỉ số sẽ vượt đỉnh và đạt được những điểm số cao hơn. Cơ sở của kỳ vọng là triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021, khả năng chống dịch Covid-19 lần 3 thành công, chính sách tiền tệ hợp lý của Ngân hàng Nhà nước…

Liên quan đến chính sách tiền tệ, trong 2 tuần qua, nhiều ngân hàng có động thái giảm lãi suất đầu vào và xu hướng này dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng. TS. Phạm Thế Anh, Trưởng bộ môn Kinh tế vĩ mô, Khoa Kinh tế học, Trường đại học Kinh tế Quốc dân tỏ ra quan ngại về việc hạ lãi suất huy động và khuyến nghị Ngân hàng Nhà nước cần thúc đẩy hạ lãi suất cho vay.

Tuy nhiên, thực tế là các ngân hàng trung ương khó có thể kiểm soát trực tiếp lãi suất cho vay, mà đều thông qua các định chế tài chính trung gian như ngân hàng. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ)... đều in tiền và hạ lãi suất đầu vào cho các ngân hàng, lãi suất cho vay do đó hạ theo.

Tổng giám đốc một quỹ đầu tư nhìn nhận, trong giai đoạn khủng hoảng, tổng cầu sẽ giảm rất mạnh. Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất khiến tiền nhàn rỗi chảy vào các kênh tài sản giúp thanh khoản tăng là mục tiêu của chính sách.

Các cá nhân và doanh nghiệp cần mua bán tài sản để trang trải nhu cầu tài chính đều thực hiện được dễ dàng và hạn chế tác động tới hệ thống. Trong giai đoạn tổng cầu giảm, dù lãi suất cho vay giảm thì nhu cầu vay sản xuất - kinh doanh vẫn ở mức thấp.

Trước mối lo về lạm phát, lãnh đạo quỹ đầu tư trên nêu quan điểm, lo lắng về lạm phát lúc này là quá sớm nếu nhìn vào hơn 10 năm in tiền, tung ra các gói hỗ trợ rất mạnh của Fed, ECB, BOJ mà lạm phát không hề tăng.

Vị này phân tích thêm, giá một số hàng hóa và lạm phát có thể bật tăng từ nền so sánh thấp của giai đoạn khủng hoảng, nhưng để lạm phát thực sự tăng lên vùng “nóng” khiến chính sách tiền tệ phải thắt chặt thì cần có tổng cầu tăng mạnh do lực đẩy từ tiêu dùng. Trong giai đoạn thất nghiệp tăng, thu nhập giảm hiện nay, khả năng này vẫn thấp.

Đó là lý do nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới, trong đó có Fed, vừa qua đã tuyên bố chưa lo ngại về lạm phát và sẽ tiếp tục các chính sách hỗ trợ duy trì lãi suất thấp. Ưu tiên hàng đầu của các ngân hàng trung ương hiện nay vẫn là hỗ trợ kinh tế hồi phục.

Kịch bản VN-Index vượt 1.200 điểm trong tuần qua chưa trở thành hiện thực như một số ý kiến kỳ vọng, nhưng chỉ số nhìn chung vẫn vững vàng, nhất là phiên cuối tuần tăng 3 điểm trong bối cảnh thị trường thế giới đỏ lửa.

Trước đó, một số nhà đầu tư dự báo VN-Index thông qua phân tích diễn biến giá cổ phiếu trong VN30 khi chỉ số này vượt qua đỉnh lịch sử 1.187,94 điểm ngày 18/2/2021, đúng vào ngày sản phẩm phái sinh kỳ hạn 1 tháng đáo hạn.

Nếu đây là một phiên kéo chỉ số ảo thì khả năng cả VN30 và VN-Index sẽ giảm mạnh vào phiên sau đó, nhưng lực cung và cầu khá cân bằng (thị trường không xuất hiện lực bán mạnh, nhiều cổ phiếu trụ duy trì trạng thái tăng giá). Ngưỡng tâm lý 1.200 điểm của VN-Index có thể cần thời gian để chinh phục, nhưng vượt qua ngưỡng này sẽ giúp chỉ số có thêm sức mạnh đi tiếp.

Kịch bản mà nhiều nhà đầu tư hiện tại dự liệu là nếu nhóm cổ phiếu trụ tăng giá, dẫn dắt chỉ số vượt 1.200 điểm, họ sẽ giải ngân mạnh. Trường hợp thị trường dao động trong biên độ 1.120 - 1.210 điểm, các cổ phiếu sẽ tiếp tục phân hóa, họ thực hiện giải ngân một cách chọn lọc. Kịch bản VN-Index giảm xuống dưới mức 1.120 điểm được cho là ít có khả năng xảy ra, nhưng nếu trở thành hiện thực thì nhà đầu tư sẽ giảm tỷ trọng cổ phiếu.

Lựa chọn nhóm ngành

Đầu tư chứng khoán hiện vẫn là kênh được quan tâm đặc biệt. Trong gần 2 tháng đầu năm 2021, số lượng mở tài khoản mở mới tại Công ty Chứng khoán SSI thông qua ứng dụng công nghệ eKYC (mở trực tuyến) gấp gần 1,5 lần tổng số tài khoản mở mới 4 tháng cuối năm 2020.

Riêng tháng 1/2021, số tài khoản mở mới thông qua eKYC gấp gần 5 lần tháng 9/2020, giai đoạn SSI mới triển khai dịch vụ. Tháng 2 sau đó, số ngày giao dịch có ít hơn và gián đoạn bởi kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nhưng số tài khoản mở mới đạt xấp xỉ tháng 1.

Môi trường lãi suất thấp có thể tiếp tục thúc đẩy dòng tiền dịch chuyển vào kênh chứng khoán, trong đó có dòng tiền từ kênh ngân hàng.

Có ý kiến nhận định, dòng vốn từ chứng khoán sẽ được rút dần sang kênh đầu tư bất động sản. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của một nhà đầu tư đã có cả tháng trời ròng rã tìm bất động sản để bỏ vốn trước và sau kỳ nghỉ Tết, những khu vực tiềm năng như vùng ven đô thị, giá đã tăng cao, không thực sự hấp dẫn. Trong khi đó, giá trị mỗi bất động sản đầu tư lớn, không dành cho các nhà đầu tư vốn nhỏ, mua khó nhưng bán cũng không dễ dàng.

Với kênh chứng khoán, ở giai đoạn này, việc chọn lựa cổ phiếu đóng vai trò quan trọng bởi xu hướng tăng dàn đều như thời điểm quý II, quý IV/2020 khó lặp lại. Dòng tiền có xu hướng luân chuyển giữa các dòng cổ phiếu, giúp giá các cổ phiếu thay phiên nhau tăng. Bởi thế, chỉ có những nhà đầu tư nhanh nhạy trong việc phán đoán thị trường mới có thể kiếm được lợi nhuận.

Trường hợp đầu tư giá trị, những ngành có triển vọng lợi nhuận tăng trưởng năm 2021 được khuyến nghị gồm ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, hóa chất, công nghệ thông tin, bảo hiểm, hàng hóa cơ bản.

Trần Vũ Cường

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục