Góc nhìn giao dịch chứng khoán tuần mới: Nhóm cổ phiếu ngân hàng, thép và dệt may vẫn có diễn biến tốt

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo một số chuyên gia chứng khoán, trong tuần tới, dự báo sự giằng co và phân hóa sẽ diễn ra mạnh nhưng nhóm cổ phiếu ngân hàng, thép và dệt may vẫn có diễn biến tốt hơn mặt bằng chung.
Góc nhìn giao dịch chứng khoán tuần mới: Nhóm cổ phiếu ngân hàng, thép và dệt may vẫn có diễn biến tốt

Dòng tiền chảy mạnh cùng tâm lý lạc quan trở lại của nhà đầu tư đã giúp VN-Index đảo chiều thành công ở phiên cuối tuần, nhưng sự lưỡng lự vẫn còn. Diễn biến giao dịch của thị trường trong tuần mới sẽ theo xu hướng như thế nào, theo cảm quan các ông/bà?

Ông Dương Hoàng Linh, Phó trưởng phòng phân tích, CTCK Sacombank (SBS)

Khi chỉ số VN-index tiến gần tới vùng kháng cự mạnh đồng thời là vùng đỉnh lịch sử tại 1.200 điểm thì rõ ràng tâm lý thận trọng sẽ là chủ đạo của đa số nhà đầu tư, do đó diễn biến giằng co mạnh là điều không đáng ngạc nhiên. Thị trường cũng cần trải qua giai đoạn tích lũy phù hợp, nếu không muốn nói là rất cần thiết, đặc biệt sau một giai đoạn hồi phục đáng kể với rất nhiều cổ phiếu đã tăng trưởng 15 - 20% so với đáy.

Trong tuần tới đây, diễn biến tiêu cực của chứng khoán toàn cầu kết hợp động thái bán ròng mạnh của khối ngoại sẽ thử thách lớn cho xu hướng tăng của chỉ số. Do đó tôi cho rằng xu thế điều chỉnh của thị trường vẫn chưa kết thúc, chỉ số có thể lui về vùng hỗ trợ gần nhất quanh 1.130 điểm với sự phân hóa sẽ diễn ra rõ nét hơn.

Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Cao cấp, Phòng Nghiên cứu và Phân tích, CTCK Bản Việt (VCSC)

Trong phiên cuối tuần, lực cầu giá thấp đã có sự gia tăng để bảo vệ ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn của chỉ số VN-Index tại vùng 1.150 điểm. Mặc dù vậy, sự do dự vẫn được thể hiện ở phía cuối ngày trong việc đưa VN-Index thoát khỏi kênh điều chỉnh hiện tại, giới hạn bởi ngưỡng 1.175 điểm. Trong tuần tới, các ngưỡng hỗ trợ, kháng cự này sẽ được kiểm định lại và sẽ quyết định xu hướng tiếp theo.

Ông Vũ Minh Đức

Ông Vũ Minh Đức

Ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân CTCK Rồng Việt

Tôi nghĩ khó đoán. Nhiều khả năng là chỉ số đi ngang, còn cổ phiếu thì phân hóa.

Tuần qua, hiện tượng nghẽn lệnh lại tiếp tục xuất hiện. Sự cố này đã xẩy ra nhiều nên nhà đầu tư dường như đã quen và dần coi như việc này là bình thường, dù không tránh được những bức xúc đối với nhà đầu tư “bán không được, mua không xong”. Nếu điều này không sớm được giải quyết, tình trạng nghẽn lệnh dẫn đến những thiệt hại như thế nào đối với thị trường, nhà đầu tư, theo các ông/bà?

Ông Dương Hoàng Linh, Phó trưởng phòng phân tích, CTCK Sacombank (SBS)

Tình trạng nghẽn lệnh là điều không ai mong muốn, nó là mặt trái của sự tăng trưởng đột biến về quy mô giao dịch và nhà đầu tư cũng đã chấp nhận vấn đề này.

Trước khi đẩy nhanh hệ thống giao dịch KRX đi vào hoạt động để giải quyết triệt để vấn đề này, một số giải pháp cũng đã được tính tới (chuyển giao dịch nhiều mã trên HOSE về hệ thống của HNX) nhưng chỉ là tạm thời. Vì vậy nhà đầu tư cần phải sớm thích nghi và chủ động kế hoạch giao dịch của mình để tránh những thiệt hại không đáng có (ví dụ cân nhắc, ưu tiên xử lý danh mục trước 14h).

Ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân CTCK Rồng Việt

Tôi nghĩ điều này đã nhiều người nói rồi, chỉ gói gọn trong mấy ý, rằng nhà đầu tư khi cắt lỗ thì bán không được, công ty chứng khoán thì không thu đủ phí như kỳ vọng, nhà đầu tư nước ngoài thì họ sẽ không hiểu tại sao 1 TTCK bậc cao lại có hệ thống lạc hậu và đầy rủi ro như vậy, dẫn đến hoãn giải ngân đầu tư…

Ông Hoàng Thạch Lân

Ông Hoàng Thạch Lân

Tuần qua, thị trường đã ghi nhận sự phân hóa khá mạnh giữa các dòng cổ phiếu nhưng cuối cùng, dòng cổ phiếu ngân hàng vẫn đóng vai trò trụ đỡ lớn đối với thị trường. Trong diễn biến khác, cổ phiếu ngành thép đã có sự khởi sắc, hay một số cổ phiếu cao su giao dịch tích cực sau thông tin giá cao su lập đỉnh trên thế giới. Cho tuần tới, ông bà đánh giá nhóm cổ phiếu nào sẽ có nhiều triển vọng?

Ông Dương Hoàng Linh, Phó trưởng phòng phân tích, CTCK Sacombank (SBS)

Một số ngành nghề ít bị ảnh hưởng tiêu cực bởi tình hình dịch bệnh (Ngân hàng, Thép..), đồng thời rất nhiều doanh nghiệp thuộc nhóm ngành này có KQKD tích cực và duy trì được tốc độ tăng trưởng tốt, do đó dễ thu hút dòng tiền ngắn hạn.

Trong tuần tới, dự báo sự giằng co và phân hóa vẫn sẽ diễn ra mạnh do đó ngoài các ngành kể trên thì có thể chú ý thêm các ngành như Phát triển Khu công nghiệp, Dầu khí, Phân đạm, Chứng khoán...

Nhưng như đã lo ngại về nhịp điều chỉnh còn tiếp diễn, tôi đánh giá cao hơn nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn có tác động tới chỉ số thị trường, bởi không loại trừ tình trạng “xanh vỏ, đỏ lòng” sẽ xuất hiện nhiều hơn.

Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Cao cấp, Phòng Nghiên cứu và Phân tích, CTCK Bản Việt (VCSC)

Trong phiên cuối tuần, bên cạnh nhóm Ngân hàng thì nhóm cổ phiếu thép, dệt may và một số mã hạ tầng có diễn biến tốt hơn mặt bằng chung. Do đó, nếu thị trường có thể duy trì đà tăng thì chúng tôi kỳ vọng nhóm cổ phiếu trên tiếp tục có sự biến động tích cực.

Ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân CTCK Rồng Việt

Thị trường đã kết thúc mùa BCTC quý 4, nhưng chuẩn bị bước vào mùa BCTC quý 1/2021 và kiểm toán 2020. Ngoài ra, tuy hơi sớm, nhưng vẫn có thể nhắc đến mùa Đại hội cổ đông (đi kèm là mùa trả cổ tức).

Lúc này sẽ có 2 hướng đầu tư liên quan, đó là tiếp tục mua các công ty lợi nhuận tăng trưởng tốt, và 2 là có câu chuyện, tức doanh nghiệp có thể ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận trong 3-6 tháng tới, dựa trên những thay đổi tích cực đến các yếu tố đầu vào hay đầu ra trong hoạt động sản xuất kinh doanh hiện tại của doanh nghiệp đó.

Tôi nghĩ dòng ngân hàng và sắt thép là theo hướng 1, còn những một số ngành khác như bán lẻ, cao su, phân bón… là theo hướng 2.

Trong tuần sau, tôi vẫn đánh giá tích cực cho nhóm ngân hàng, sắt thép, bán lẻ, hóa chất, cảng biển…

Thị trường được dự báo vẫn tiếp tục rung lắc trong những phiên tới. Điều này có tạo nền cho việc tích lũy thêm cổ phiếu?

Ông Dương Hoàng Linh, Phó trưởng phòng phân tích, CTCK Sacombank (SBS)

Ông Dương Hoàng Linh

Ông Dương Hoàng Linh

Đã xuất hiện những yếu tố có thể tác động không tốt đến thị trường kể trên, đồng thời đây cũng là vùng kháng cự mạnh và khá nhạy cảm, nhà đầu tư cần quan sát thêm những diễn biến tại vùng hỗ trợ hay diễn biến chứng khoán thế giới.

Tôi cho rằng đây chưa phải thời điểm phù hợp để gia tăng tỷ trọng cũng như thực hiện việc giải ngân mới, nhà đầu tư ngắn hạn nên duy trì tỷ trọng ở mức độ vừa phải.

Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Cao cấp, Phòng Nghiên cứu và Phân tích, CTCK Bản Việt (VCSC)

Trong kịch bản kém khả quan khi chứng khoán thế giới tiếp tục xu hướng giảm điểm do nhà đầu tư quan ngại sự gia tăng lợi tức trái phiếu chính phủ Mỹ sẽ ảnh hưởng tới định giá của thị trường, khối ngoại có thể duy trì bán ròng. Chỉ số VN-Indexsẽ rung lắc và giảm điểm để kiểm định lại hỗ trợ tại 1.150 điểm. Nếu hỗ trợ này bị phá vỡ, nhà đầu tư nên tạm dừng chiến lược mua ngắn hạn.

Ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân CTCK Rồng Việt

Về hướng đầu tư, tôi nghĩ là có. Như đã nói ở trên, thị trường chuẩn bị vào mùa BCTC quý 1/2021, và nên nhớ rằng cùng kỳ năm ngoái, dù Covid chỉ ảnh hưởng rõ rệt từ tháng 3, nhưng đã có không ít ngành chịu thiệt hại vì nó, do đó tạo ra 1 mặt bằng lợi nhuận thấp. Nói cách khác những ngành đó có tiềm năng ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng vượt trội trong quý 1 năm nay.

Tuy nhiên về giao dịch ngắn hạn, tôi nghĩ vẫn có rủi ro, tức là có thể giá cổ phiếu vẫn đi ngang hoặc giảm nhẹ. Thị trường ngắn hạn khó đoán, dựa trên những diễn biến tuần qua. Triển vọng chứng khoán thế giới cũng là yếu tố không nên xem nhẹ, nó có thể tác động tiêu cực lên chứng khoán Việt Nam.

Hoàng Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục