Khuyến nghị nắm giữ dành cho cổ phiếu VSC
CTCK MB (MBS)
Chúng tôi khuyến nghị giữ với VSC của Công ty cổ phần Tập đoàn Container Việt Nam với giá mục tiêu là 50.800 đồng (tăng 11% so với mức tham chiếu ngày 15/06/2022) bằng phương pháp chiết khấu dòng tiền (DCF), phản ánh kỳ vọng về sự tăng trưởng mạnh mẽ trong hoạt động sản xuất kinh doanh bằng việc sáp nhập và mua lại cổ phẩn tại các dự án cảng và ICD mới, trở thành một logistic holdings với chuỗi dịch vụ bao gồm cả cảng nước sâu, ICD, bãi depot, kho CFS, sửa chữa container.
Kết thúc quý 1/2022, VSC, doanh thu thuần tăng gần 8% so với cùng kỳ, đạt gần 470 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế tăng mạnh gần 43%, đạt gần 110 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp tăng từ mức trung bình khoảng 33.2% của 3 quý liền trước lên gần 34.6% cho quý 1/2022. Mức biên lợi nhuận gộp đã cải thiện mạnh mẽ so với những năm về trước khi tỷ số này của năm 2020 là 26.6% và năm 2019 là gần 24.4%.
ĐHCĐ đã thông qua mức cổ tức năm 2021 gồm 5% cổ tức tiền mặt và 10% cổ tức cổ phiếu. VSC dự kiến phát hành hơn 11 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ 1,102 tỷ đồng lên 1,212 tỷ đồng.
VSC đã mua một ICD ở Đình Vũ, Hải Phòng với diện tích 20ha và vốn đầu tư 200 tỷ đồng, dự kiến đi vào hoạt động đầu quý III/2022, cùng thời điểm cảng VIMC Đình Vũ mà VSC nắm 36% cổ phần đi vào hoạt động.
VSC là một doanh nghiệp có cơ cấu tài chính lành mạnh với nguồn tiền lớn và dòng tiền từ hoạt động kinh doanh dương và có xu hướng tăng đều đặn qua các năm, hoàn toàn không sử dụng nợ vay trong 2 năm gần đây.
Xu hướng chung của ngành cảng biển thời gian gần đây là không ngừng mở rộng quy mô sản xuất và hoàn thiện chuỗi dịch vụ logistics - cảng biển thông qua góp vốn vào các dự án mới và sáp nhập.
>> Tải báo cáo
PE của TCL đang giao dịch cao hơn mức trung bình 5 năm
CTCK KIS Việt Nam (KIS)
Ngày 16/06, chúng tôi đã tham dự buổi ĐHCĐ của Công ty cổ phần Đại lý Giao nhận Vận tải Xếp dỡ Tân Cảng (mã TCL) về kế hoạch kinh doanh sắp tới. Các vấn đề chính được đề cập là kế hoạch kinh doanh và chiến lược mở rộng năm 2022.
Bất chấp khó khăn từ biện pháp giãn cách toàn xã hội trong 2021, TCL vẫn trụ vững với doanh thu ổn định đạt 1.185 tỷ đồng, tăng 8,8% so với năm trước và lợi nhuận sau thuế công ty đạt 113,5 tỷ đồng, tăng 14,1%, hoàn thành lần lượt 99,9% và 101,8% kế hoạch cả năm.
Theo ban lãnh đạo, TCL hiện nắm giữ lần lượt 92% và 65% thị phần trong mảng khai thác cảng tại khu vực TP. Hồ Chí Minh và khu vực Cái Mép. TCL cũng nắm giữ gần 50% thị phần xếp dỡ container quốc tế.
Kỳ vọng một cách thận trọng về sự phục hồi sau dịch, TCL đặt kế hoạch lợi nhuận sau thuế đạt 117,7 tỷ đồng, tăng 5,6% so với năm trước dựa trên tăng trưởng doanh thu 1,242,5 tỷ đồng, tăng 3,4%.
Công ty kỳ vọng tổng sản lượng hàng hóa thông qua sẽ tăng 1,51% năm 2022, cước phí xếp dỡ cũng tăng cao hơn trong bối cảnh chi phí nguyên liệu đầu vào tăng.
Đáng chú ý, sản lượng container xếp dỡ sẽ giảm nhẹ 1,9% trong năm 2022 sau khi giảm 31,8% năm 2021. TCL cho rằng tình trạng tắc nghẽn tại cảng và thiếu container rỗng khiến cho các nhà xuất khẩu gạo Việt Nam chuyển từ vận tải container sang vận tải hàng rời trong năm 2021.
Ngược lại, sản lượng tại bến sà lan 125 dự kiến tăng 19,5% trong năm 2022, và khối lượng từ cảng Tân Cảng - Nhơn Trạch tiếp tục được dự báo tăng 17,8%.
Công ty đặt mục tiêu tăng trưởng kép hàng năm cho doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt là 4,1% và 1,9% trong giai đoạn 2022F-25F.
TCL dự kiến trả cổ tức 42% mệnh giá bằng tiền mặt vào tháng 9/2022, tương đương với tỷ suất cổ tức là 11,6%.
TCL hiện đang giao dịch ở mức 11,6 lần TTM PE và 9,8 lần 12MF PE, đều cao hơn mức PE trung bình 5 năm là 8,5 lần.